20/11/2021 08:51 GMT+7

Từ thanh âm 19-11, chúng ta phải đứng lên

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Uu uu..., bing bing boong boong... Chuông chùa, chuông nhà thờ, còi tàu, tiếng cầu kinh rủ rỉ du dương... Ngần ấy thanh âm cùng lúc vang lên trong ngày 19, trong tối 19-11 và còn ngân mãi trong đêm và sẽ còn nhiều ngày, nhiều năm nữa.

Từ thanh âm 19-11, chúng ta phải đứng lên - Ảnh 1.

Người dân tham gia lễ tưởng niệm người đã mất vì COVID-19 tại hội trường Thống Nhất tối 19-11 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hôm qua tưởng niệm, nhưng đại dịch hôm nay vẫn chưa kết thúc. Số ca nhiễm, số tử vong tăng mạnh ngay trong ngày tưởng niệm này.

Tưởng niệm vì thế không chỉ là nhắc nhớ, không chỉ là thương tưởng. Mà hơn nữa, có lẽ những người đã ra đi muốn người có may mắn ở lại với cuộc đời phải học...

1. Boong... boong...

Những tiếng chuông đầu tiên của ngày hôm nay đã ngân lên từ giờ Ngọ, từ ngôi chùa cổ 119 tuổi Đại Từ Liên Xã nằm trong khuôn viên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Rằm tháng 10, ngoài lễ cúng thông thường vào mùng một, ngày rằm mà bệnh viện đã duy trì nhiều năm nay, một lễ cầu siêu nho nhỏ được tổ chức riêng hướng đến các bệnh nhân COVID-19.

Đứng nghiêm trang nghe Chú đại bi bên chiếc bàn bày đồ cúng đơn sơ, bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc bệnh viện, như lặng đi.

Những ngày tháng 8, tháng 9 vừa qua, khoảnh sân trước cổng chùa vốn tiếp nối đến căngtin và nhà xe của bệnh viện đã phải tận dụng để đặt giường cho bệnh nhân COVID-19.

Đã đi khắp các bệnh viện những ngày ấy, chúng tôi không đủ ngôn từ để miêu tả lại cảnh bệnh nhân nằm ngồi trên giường xếp, bên bình oxy, la liệt trong sân, trên là nắng, dưới là nước mưa...

"Chúng tôi đã phải cấp tốc đổ lại nền, lợp lại mái để phục vụ bệnh nhân, vậy mà có xuể đâu..." - bác sĩ Chiến ngậm ngùi nhắc. Nỗ lực hết sức, huy động 100% nhân lực, 100% thời gian nhưng suýt soát 600 bệnh nhân đã tử vong tại bệnh viện.

Rất nhiều y bác sĩ rời phòng bệnh sang chùa thắp nén nhang hộ niệm gửi đến những bệnh nhân đã phải ra đi khi xung quanh chỉ có bóng áo trắng của nhân viên y tế chứ không hề được nhìn thấy người thân.

"Chúng tôi đã trở thành những người mà họ nhìn thấy lần cuối trong đời, chúng tôi trở thành người thân của họ" - bác sĩ Chiến nói. Bữa cơm chay trưa 19-11 cũng là lần đầu các bác sĩ được ngồi lại với nhau sau gần 200 ngày căng thẳng tột độ của ngành y. Câu chuyện trong bữa cơm tất nhiên cũng không thể rời chuyện chống dịch.

"Tôi đã có một số quyết định vượt rào, lúc đó nghĩ mình đúng, cứ làm, sau đó thực tế lại càng chứng minh việc đó đã đúng" - bác sĩ Chiến thổ lộ về chuyện đã quyết định chích vắc xin cho một số bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện trước khi có quyết định chính thức của Bộ Y tế.

Những chệch choạc trong cuộc chống dịch cũng được các bác sĩ nhắc lại trong đau xót. "Những kinh nghiệm phải được rút ra, những bài học phải được mổ xẻ, nghiên cứu. Không thể lặp lại nữa...", ai cũng gật đầu như vậy trước lúc chia tay về với công việc.

Từ thanh âm 19-11, chúng ta phải đứng lên - Ảnh 2.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức cầu siêu cho nạn nhân COVID-19 tại chùa Đại Từ Liên Xã trong khuôn viên bệnh viện - Ảnh: TỰ TRUNG

2. Uuu... Uuu...

Tiếng còi từ ba chiếc tàu cao tốc trên bến Bạch Đằng rúc lên xuyên qua gió, xuyên qua mặt nước sông Sài Gòn. Lần đầu, những chiếc tàu đồng loạt kéo hồi còi tiễn biệt. Lần đầu tại bến tàu cao tốc xuất hiện một bàn thờ với đầy đủ hương án, đèn hoa.

"Hàng chục ngàn người của thành phố này đã mất đi, rồi lại hàng chục ngàn người rời thành phố chắc đều đã đi qua bến sông này, yêu mến dòng này, có thể còn có người đã từng đi trên những con tàu này. Chúng tôi tưởng nhớ họ.

Không mong muốn gì hơn là sẽ không bao giờ phải có những ngày đau thương thế này nữa. Chúng ta sẽ nắm chặt tay nhau để đi qua mất mát này và những khó khăn trước mắt" - ông Trần Song Hải, giám đốc Greenlines DP, xúc động nói.

Là một trong những doanh nghiệp du lịch phải gánh nhiều thiệt hại trong suốt mùa dịch, những chuyến tàu cao tốc của Greenlines đã chuyển sang chở rau củ quả từ miền Tây về thành phố. "Một chút đóng góp mà chúng tôi may mắn được tham gia, nhưng vẫn có quá nhiều bất hạnh đã xảy đến với người dân, với thành phố.

Lễ tưởng niệm hôm nay chúng tôi chỉ góp được một tiếng còi tàu tiễn biệt theo thông lệ của người làm nghề sông nước, trong lòng rất buồn đau nhưng chỉ thể hiện được có vậy thôi. Tôi mong mình và anh em sẽ được đóng góp nhiều hơn cho thành phố những ngày sắp tới" - thuyền trưởng Lê Bá Minh nói.

3. "Trời ơi... Ngồi đây... Vẫn còn đây sao..."

Những tiếng hỏi thăm xôn xao đoạn đường Vĩnh Khánh trước Ủy ban nhân dân phường 10, quận 4. 101 ngọn nến được xếp thành số 101.

Riêng phường 10 này, 101 người đã ra đi. Buổi tối này, câu chuyện về họ - những người chồng người vợ, người mẹ người cha, chuyện về những ngày khủng khiếp trong bệnh viện được những ông Ba, bà Bảy kể cho nhau trong nỗi bàng hoàng chưa dứt.

Màn hình nhảy lên những con số, những biểu đồ lên xuống - ngày tăng, ngày giảm, ngày đỉnh dịch. Nước mắt những người chồng, người vợ, người con đang bơ vơ trên đời cứ vậy lăn dài. Tiếng nhạc Hồn tử sĩ cất lên cùng ánh nến.

"Nhớ lắm, đêm nào tôi cũng khóc. Vợ chồng sống với nhau mấy mươi năm, mất không được nhìn mặt, không được tiễn đưa. Tôi nghĩ ông ấy chưa rời khỏi nhà được" - bà Cảnh Tiên, tổ 30, ngậm ngùi lau nước mắt nhìn những ngọn nến.

Hẻm 122 Tôn Đản được gia đình bà Huỳnh Thị Lài và những nhà hàng xóm thắp hàng ngàn ngọn nến chạy dài cả trăm mét từ ngoài vào trong. Tiếng nhạc Chú đại bi réo rắt.

Hai người đàn ông trụ cột trong gia đình đã ra đi, và bà bảo: "Gia đình tôi thắp nến không phải chỉ cho ông chồng với con rể đâu. Chúng tôi muốn thắp cho tất cả mọi người, cầu mọi người mau siêu thoát.

Những ngày cả xóm bị phong tỏa, cả xóm đi cách ly, rồi từng người từng người bất hạnh... là những ngày cần phải quên và không bao giờ được quay trở lại nữa. Chúng tôi giờ chỉ còn mong mỏi được những ngày bình an, còn có nhau bên cạnh".

Tiếng chuông "bing boong" rồi rền vang từ những ngôi chùa lớn chùa nhỏ quanh khu quận 4, ở khắp thành phố, khắp đất nước đêm này hòa vào lời nguyện của bà.

Từ thanh âm 19-11, chúng ta phải đứng lên - Ảnh 3.

Tập thể nhân viên Công ty cổ phần phát triển Mekong Việt Nam, quận 1, TP.HCM thắp nến tưởng niệm người đã mất vì COVID-19 tối 19-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhất định phải vượt qua khó khăn

Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân, đồng đội, đồng chí.

Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh COVID-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa.

Những em bé sinh ra trong thời kỳ bùng phát đợt dịch thứ ba, thứ tư đã biết lẫy, biết ngồi; cuộc sống tiếp tục sinh sôi, nảy nở; đang dần trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới. Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ông Đỗ Văn Chiến (chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) phát biểu trong lễ tưởng niệm tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM

Buồn, lo nhưng hướng về tương lai

cau nguyen 3

Tưởng niệm nạn nhân đã mất vì COVID-19 tại chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

1. Mấy tuần nay, chị Nguyễn Thị Bích Duyên (ngụ quận 10, TP.HCM) đã mở lại cửa tiệm sửa xe của chồng chị để tiếp tục công việc mưu sinh mà hai vợ chồng đã làm trước giờ.

"Ảnh mất ngày 18-7, tới nay đã 4 tháng hơn mà nhiều lúc vẫn chưa tin được là chồng đã mất, thậm chí tôi còn chẳng muốn nghe người khác hỏi han vì sợ không kìm lại được. Nhưng ba mẹ con vẫn đang cùng nhau cố gắng" - chị trầm tư.

Công việc ở tiệm sửa xe vốn là "việc của đàn ông", nhưng chị vẫn muốn giữ lại cửa hàng, tiếp nối công việc của chồng. "Hồi trước ảnh sửa chữa, còn tôi đứng bán phụ tùng. Giờ thì tôi vẫn đứng bán, còn sửa chữa thì thuê người về làm. Lúc ảnh còn thì ảnh siêng lắm, cửa tiệm mở 7h sáng đến 8h tối. Giờ còn mình tôi thì tới chừng 5h chiều đóng cửa rồi" - chị kể về cuộc sống hiện tại.

Gia đình 4 người, giờ còn chị và hai con nhỏ. "Con gái lớn đang học lớp 12, sang năm thi đại học rồi. Mấy bữa nay con phải học thêm nhiều để sang năm vào đại học. Trước chồng làm chính, tôi chỉ phụ giúp, còn giờ thì lo quán xuyến hết mọi việc cho cửa tiệm để tiếp tục nuôi các con ăn học" - chị kể.

Tối qua, khi cả nước hướng về lễ tưởng niệm người đã mất, đóng cửa tiệm xong chị cùng các con thắp nến, thắp nhang cho chồng, cho cha. Là người Công giáo, từ ngày chồng mất, chị nói tối nào mẹ con chị cũng cầu nguyện.

Trong buổi tối đặc biệt hôm qua thì ba mẹ con cầu nguyện cho tất cả mọi người đã qua đời vì dịch bệnh. "Nhiều người cũng trải qua nỗi đau giống gia đình tôi, có những người còn mất mát nhiều hơn, đau đớn hơn" - chị Duyên bộc bạch.

2. Với sáu chị em chị Ánh Nguyệt (32 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), ngày 20-11 cũng là tròn 100 ngày cha mất vì COVID-19. Tối 19-11, mấy chị em Nguyệt làm mâm cúng, thắp nén nhang để tưởng nhớ cha. "Tôi đã đi làm từ đầu tháng, cố gắng để lo cho mấy đứa em" - chị Nguyệt kể.

Chị lấy chồng miền Tây, xa nhà nhiều năm nay và đã có con nhỏ. Nhưng từ hôm cha mất, chị để lại con nhỏ dưới quê cho nhà nội, trở về nhà làm chỗ dựa cho năm đứa em. Đứa lớn nhất học lớp 12, tiếp đó là lớp 10, lớp 8, lớp 6, lớp 5. Công việc hằng ngày của chị là làm nhân viên tại một siêu thị, còn chồng chị thì đi làm xa tận Vũng Tàu.

"Lương tầm 6-7 triệu đồng mà đàn em đứa nào cũng đang ăn học. Cũng lo lắng lắm nhưng gắng được tới lúc nào hay lúc ấy. Mẹ đã bỏ đi từ lâu, giờ ba cũng mất, đâu còn ai để nương tựa. Giờ tôi chỉ biết cố gắng hết sức lo cho các em để cha yên lòng" - chị Nguyệt tâm sự.

3. Mấy tháng nay, anh Tào Nhúc Vận (25 tuổi, ngụ quận 8) thay cha thành chỗ dựa cho cậu em trai Tào Quảng Doanh đang học lớp 8. Trong căn nhà bé xíu ở một con hẻm nhỏ, di ảnh và hũ tro cốt của cha anh được đặt trên một ban thờ gọn ghẽ ở một góc nhà.

Cha mất chưa đầy 100 ngày, những ngày qua bàn thờ nhỏ lúc nào cũng ấm hương khói. Doanh vẫn ngày ngày học online ở nhà, nấu cơm nước cho hai anh em để anh không phải ăn ngoài, tiết kiệm tiền. Còn Vận đã bắt đầu chạy xe công nghệ giao thức ăn từ đầu tháng 10.

"Hồi ba còn sống, ba bán bánh tiêu, tôi phụ ba tiền ăn, tiền điện, nước. Giờ ba mất rồi thì phải cáng đáng nhiều hơn để lo cho em trai tiếp tục đi học. Xe ôm công nghệ nhiều, hàng quán chưa bán nhiều nên mấy nay ế lắm nhưng không đến nỗi nào. Sắp tới tôi tính mở quầy bán bánh ướt online để có thêm thu nhập" - Vận nói về dự định sắp tới.

"Đột nhiên" trở thành trụ cột cho em trai, nghĩ về quãng đường em trai học cấp III, vào đại học còn dài trước mắt, Vận bảo "lo lắm nhưng chắc cũng lo được".

Nắm chặt tay, đoàn kết cùng chống dịch

cau ngyen 1

Bé Lê Tường Vy (9 tuổi) tới chùa Quán Sứ (Hà Nội) cùng với mẹ và chị gái để tham gia lễ tưởng niệm - Ảnh: NAM TRẦN

Ông NGUYỄN THANH BÌNH (phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế): Đây cũng là lúc chúng ta cần đoàn kết lại, vượt qua đau thương để chung tay chống lại đại dịch.

Ở Huế đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng diện rộng nhưng chừng đó là chưa đủ. Chính quyền cần sự chung tay, đồng lòng, ý thức của người dân khi thực hiện 5K và đặc biệt là tinh thần bình tĩnh, không hoảng loạn trước dịch bệnh.

Bác sĩ LÊ THÀNH PHÚC (giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng): Hai năm qua, Đà Nẵng đã có hơn 100 người ra đi mãi mãi vì COVID-19. Chúng tôi là những người trực tiếp cận kề bên họ ở thời khắc cuối cùng mới thấu hết nỗi đau mất mát khi hầu hết các gia đình có người qua đời vì COVID-19 đều chưa chuẩn bị tinh thần.

Tôi mong mọi người dân hãy trân quý những gì mình đang có, quý trọng những giờ phút bình yên lúc không có dịch để nghỉ ngơi, làm việc. Muốn vậy phải cùng nhau bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh.

Anh LÊ QUANG QUỲNH (phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam): Lễ tưởng niệm và chuỗi các hoạt động tưởng nhớ gần đây đã góp phần khơi dậy tinh thần nhân văn nhân ái trong cộng đồng, tiếp tục động viên tinh thần của các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng chống dịch.

Chúng ta còn bình yên đến lúc này cũng có thể xem như một đặc ân của số phận. Vì thế, tất cả những gì chúng ta sẽ làm cho một cuộc sống an bình hơn của mỗi người là cách tưởng nhớ người đã mất có ý nghĩa nhất.

Ông NGUYỄN THANH HẢI (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Long An): Đã có quá nhiều mất mát. Tỉnh sẽ cố gắng bù đắp phần nào những tổn thương mà nhiều người, nhiều gia đình đã từng gánh chịu và còn phải mang theo suốt đời.

Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những bài học trong công cuộc chống dịch để có thể hướng đến những việc tốt nhất, đúng nhất có thể khi việc phòng chống dịch còn lâu dài.

Ông DƯƠNG SÀ KHA (chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng): Đến ngày 18-11 đã có 67 người con Sóc Trăng từ giã cuộc đời vì dịch bệnh. Xót lắm!

Để hạn chế mất mát này, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bà con mình cũng phải chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao ý thức, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng.

Thương tiếc người nằm xuống càng nhiều, chúng ta hãy cùng đoàn kết, nắm tay nhau hành động cho tương lai nhiều hơn. Nới lỏng giãn cách thì càng đòi hỏi sự tự giác, ý thức cao hơn nữa.

N.LINH - TR.TRUNG - L.TRUNG - SƠN LÂM - KHẮC TÂM

Đêm tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch COVID-19 Đêm tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch COVID-19

TTO - Tối nay 19-11, lễ tưởng niệm đồng bào mất trong đại dịch COVID-19 diễn ra tại điểm cầu chính là hội trường Thống Nhất lúc 20h. Các cơ sở thờ tự rung chuông lúc 20h30. Cả nước đã cùng lắng lòng thời khắc thiêng liêng tưởng nhớ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên