31/08/2023 10:47 GMT+7

Tu sửa, chỉnh trang chùa Nghệ sĩ nhân mùa Vu lan và giỗ Tổ sân khấu

Ban Ái hữu nghệ sĩ (trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) gấp rút tu sửa chùa Nghệ sĩ để kịp tổ chức lễ Vu lan đón các nghệ sĩ, thân nhân nghệ sĩ đã mất và khán giả đến làm lễ.

Ban Ái hữu nghệ sĩ và các nghệ sĩ thực hiện lễ cúng trong mùa Vu lan tại chánh điện vừa được tu sửa - Ảnh: LINH ĐOAN

Ban Ái hữu nghệ sĩ và các nghệ sĩ thực hiện lễ cúng trong mùa Vu lan tại chánh điện vừa được tu sửa - Ảnh: LINH ĐOAN

NSƯT Trịnh Kim Chi - trưởng Ban Ái hữu nghệ sĩ, phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - nền nã trong chiếc áo dài tím đón khách, cho biết:

"Tới gần ngày cuối, thợ thầy mới bàn giao công trình. Vậy là mọi người cùng bắt tay trang hoàng chuẩn bị đón khách đến chùa Nghệ sĩ, làm đến khuya để kịp sáng mai mọi thứ thật đàng hoàng, chu đáo".

Tu sửa chùa Nghệ sĩ từ nguồn xã hội hóa

Cách đây hơn một năm đã xảy ra việc ồn ào khi chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp, TP.HCM) bị đổi tên thành nghĩa trang Nghệ sĩ. Rất nhanh sau đó vài ngày, tên chùa Nghệ sĩ đã được trả lại như cũ.

Các nghệ sĩ hát tại sân khấu trong lễ Vu lan - Ảnh: LINH ĐOAN

Các nghệ sĩ hát tại sân khấu trong lễ Vu lan - Ảnh: LINH ĐOAN

Sau đó, Ban chấp hành hội, Ban Ái hữu đã có cuộc họp. Ban Ái hữu đã nhận khuyết điểm vội vàng với mong muốn chấn chỉnh hoạt động của chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ nên đã để xảy ra ồn ào trong dư luận.

Hiện tại, Ban Ái hữu đã có sự thay đổi về nhân sự với sự tham gia của các nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Phượng Loan, Hữu Danh (hát bội)… Trong đó, Trịnh Kim Chi được tin tưởng bầu làm trưởng ban.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi thắp nhang mộ nghệ sĩ tiền bối Phùng Há trong ngày làm lễ Vu lan - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi thắp nhang mộ nghệ sĩ tiền bối Phùng Há trong ngày làm lễ Vu lan - Ảnh: LINH ĐOAN

Từ đó đến nay, ban đã có nhiều hoạt động tích cực chăm lo cho đời sống nghệ sĩ, đặc biệt nghệ sĩ già yếu, khó khăn.

Và một trong những vấn đề ban quan tâm là chùa Nghệ sĩ ngày một xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng nặng.

Từ một ít kinh phí trong quỹ của ban, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Phượng Loan, Hữu Danh... đã đứng ra kêu gọi xã hội hóa tìm nguồn kinh phí tu sửa, chỉnh trang chùa cho sạch sẽ, sáng đẹp.

Trước Tết 2023, ban cho làm lại cổng chùa, sơn sửa toàn bộ cổng, hàng rào, mặt tiền chánh điện. Làm lại khu vực nhà vệ sinh, bếp, khu sân khấu, nhà quàn để các nghệ sĩ khó khăn qua đời có nơi tổ chức tang lễ.

Kinh phí sửa chữa đợt một hơn 200 triệu đồng. Trước lễ Vu lan, ban cũng bỏ ra hơn hai tuần cho thợ làm lại chánh điện. Làm lại toàn bộ la phông, chống dột, sơn nước sáng đẹp.

Sau lễ Vu lan, công trình sửa chữa vẫn tiếp tục với nhiều hạng mục, cấp bách nhất là những mái hiên chùa đang bị mục cần phải thay gấp.

Ban đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để kịp đón khách dịp giỗ Tổ ngành sân khấu vào cuối tháng 9 tới đây.

Nghệ sĩ chung tay hỗ trợ

Khi kêu gọi nguồn xã hội hóa, các nghệ sĩ trong ban đều tự nguyện đóng góp. Rất mừng là nhiều nghệ sĩ trong giới nghe tin đã tích cực gởi lòng thành để cùng nhau hỗ trợ việc tu sửa chùa Nghệ sĩ.

Cổng chùa Nghệ sĩ được chỉnh trang, sơn sửa - Ảnh: LINH ĐOAN

Cổng chùa Nghệ sĩ được chỉnh trang, sơn sửa - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Phượng Loan... cập nhật đóng góp rất minh bạch trên trang cá nhân của họ.

Trịnh Kim Chi cũng có quỹ riêng chăm lo nghệ sĩ nghèo mà chị duy trì mười mấy năm nay trước khi đảm nhiệm vị trí trưởng Ban Ái hữu. Vì vậy, khi có trường hợp nghệ sĩ gặp khó khăn, chị nhanh chóng trích từ quỹ này để hỗ trợ.

Trịnh Kim Chi thắp nhang cho người anh trong nghề, cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh - Ảnh: LINH ĐOAN

Trịnh Kim Chi thắp nhang cho người anh trong nghề, cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh - Ảnh: LINH ĐOAN

Trong ngày lễ Vu lan, Ban Ái hữu nghệ sĩ đã tổ chức hoạt động văn nghệ tại sân khấu của chùa; lễ cúng Phật; các nhà hảo tâm hỗ trợ nấu và mời cơm chay miễn phí nghệ sĩ, người thân nghệ sĩ đến viếng nghĩa trang và khán giả xa gần đến với chùa...

Chùa Nghệ sĩ có tên là Nhựt Quang tự, nằm trong khuôn viên khu đất rộng hơn 6.000m2 do nghệ sĩ Phùng Há xin tiền cho Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế mua khoảng năm 1958.

Ban đầu nơi đây là nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương. Sau đó bầu Năm Công xin làm một am tu hành, tiếp đó ông bầu Xuân (con nuôi nghệ sĩ Phùng Há) xây dựng thêm thành chùa Nghệ sĩ như hôm nay.

Nghĩa trang Nghệ sĩ có hơn 500 ngôi mộ và hơn 500 hũ đựng tro cốt. Hằng năm nghệ sĩ và khán giả mộ điệu thường lui tới thăm viếng, thắp nhang vì có nhiều ngôi mộ của các tài danh như Năm Châu, Phùng Há, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Minh Phụng, Lê Công Tuấn Anh...

Quận Gò Vấp chưa có chủ trương đổi tên chùa nghệ sĩ thành "Nghĩa trang nghệ sĩ"Quận Gò Vấp chưa có chủ trương đổi tên chùa nghệ sĩ thành 'Nghĩa trang nghệ sĩ'

TTO - Từ ngày 18-6 đến nay, nhiều người trong giới sân khấu chia sẻ thông tin về việc chùa nghệ sĩ (phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) được tháo bảng hiệu, chỉ còn tên 'Nghĩa trang nghệ sĩ'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên