Phóng to |
Chị gái của Amina cầm di ảnh em mình trong cuộc biểu tình bên ngoài tòa án đã yêu cầu cô lấy kẻ cưỡng hiếp mình - Ảnh: AFP |
Tuổi 16 của Amina Filali không tươi đẹp, mộng mơ mà trở thành cơn ác mộng lớn nhất đời em. Cơn ác mộng đã chấm dứt cuộc đời cô bé ở một đất nước mà những định kiến và quan niệm truyền thống khắt khe từ lâu áp đặt lên người phụ nữ.
Gần một năm trước, khi mới 15 tuổi, em đã bị một gã thanh niên hơn mình 10 tuổi gạ gẫm trên đường phố rồi bị hắn cưỡng hiếp. Nhục nhã ê chề, em không dám kể với cha mẹ vì ở một đất nước Hồi giáo như Morocco, mất trinh tiết ngoài hôn nhân là điều không thể chấp nhận được. Hai tháng sau, em quyết định kể với cha mẹ. Gia đình Amina kiện kẻ hiếp dâm ra tòa.
Cưới để chạy tội
Cha của Amina kể ngay từ đầu công tố viên đã gợi ý cho con gái ông cưới gã thanh niên ấy. Kẻ đồi bại ban đầu không chịu cưới Amina, nhưng sau khi biết hắn có thể bị phạt nặng thì đành chấp nhận. Ở Morocco, tội hiếp dâm có thể bị phạt từ 5-10 năm tù. Nếu phạm tội với trẻ vị thành niên thì bị tù nặng hơn, 10-20 năm. Tuy nhiên, bản thân gia đình Amina cũng không đồng ý chuyện “cưới chạy tội” này.
Trước việc tòa phán quyết hai người phải cưới nhau, cha Amina đành cam chịu vì ông không dám thách thức pháp luật. “Tôi muốn kẻ hiếp dâm con tôi phải ở tù. Tôi không đồng ý cuộc hôn nhân này nhưng tòa gọi tôi lên và ép tôi” - ông Lahsan al-Filali, cha Amina, kể lại. Thế là Amina tiếp tục chuỗi ngày đau đớn và tủi nhục ở nhà chồng. Cô bị đánh đập và bỏ đói. Không chịu nổi những gì xảy ra với mình, ngày 9-3 cô bé uống thuốc chuột tự tử. Theo một số nhân chứng, người chồng đã túm tóc cô bé lôi ra đường khi cô uống thuốc. Cô bé chết ngay sau đó.
Câu chuyện Amina lan truyền nhanh chóng trên Internet và gây ra một làn sóng phẫn nộ. Trên Facebook lập tức xuất hiện một trang mạng mang tên “Tất cả chúng ta đều là Amina Filali” để đòi xem xét lại “đạo luật tội phạm”. Các nhà hoạt động xã hội đòi bỏ tù thẩm phán đã ép cô gái cưới kẻ hại đời mình. Nhà hoạt động Abadila Maaelaynine viết trên Twitter: “Amina, 16 tuổi, bị cưỡng hiếp đến ba lần. Một lần bởi kẻ cưỡng hiếp em, một lần bởi truyền thống và một lần bởi điều 475 trong luật Morocco”.
Hôm 15-3, hơn 300 người, trong đó có cả chị và mẹ Amina, đã biểu tình ngồi bên ngoài tòa án để biểu thị sự phản đối đối với phán quyết bất nhân của tòa. Cuộc biểu tình do Liên đoàn Dân chủ vì quyền phụ nữ Morocco tổ chức.
Điều luật tàn ác
Một nghiên cứu của Chính phủ Morocco hồi năm ngoái cho thấy một thực tế đau lòng là 25% phụ nữ ở nước này đã từng bị xâm hại tình dục.
Điều 475 luật hình sự Morocco cho phép kẻ hiếp dâm trẻ vị thành niên cưới nạn nhân để tránh bị truy tố. Đây được coi là một cách để hợp thức hóa hành động hiếp dâm và bảo vệ danh dự gia đình người phụ nữ là nạn nhân. Các nhà bảo vệ quyền phụ nữ gọi điều luật này là một sự sỉ nhục vì nó tạo cơ hội cho kẻ đồi bại thoát khỏi mọi hình phạt.
Bộ trưởng phụ nữ và gia đình Bassima Hakkaoui và cũng là phụ nữ duy nhất trong nội các đã lên tiếng kêu gọi sửa đổi điều 475. “Luật pháp đối xử với trẻ vị thành niên bị cưỡng hiếp như tội phạm trong khi các em lại là nạn nhân” - cựu bộ trưởng phụ nữ và gia đình Nouzha Skalli chỉ trích. Bộ trưởng truyền thông và cũng là người phát ngôn chính phủ Mustafa el-Khalfi thừa nhận không thể làm ngơ trước sự việc đau lòng này.
Câu chuyện của Amina một lần nữa cho thấy thân phận nhỏ bé của phụ nữ tại nhiều nước Hồi giáo. Vụ cô gái Gulnaz 21 tuổi ở Afghanistan năm ngoái cũng khiến cả thế giới phẫn nộ. Gulnaz đã bị bỏ tù vì tội ngoại tình sau khi bị em họ của chồng cưỡng hiếp. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã ân xá cho cô sau hai năm tù giam. Theo thống kê của Tổ chức nhân đạo Oxfam, 87% phụ nữ Afghanistan nói họ bị ngược đãi thể chất, tinh thần, tình dục hoặc bị ép buộc hôn nhân.
Năm 2008, một cô bé người Somalia 13 tuổi (chính quyền nói em 23 tuổi) đã bị xử ném đá đến chết theo luật Hồi giáo Sharia do bị ba người đàn ông cưỡng hiếp. Sau khi gia đình trình báo thì chính quyền ngay lập tức kết tội em ngoại tình và phải chịu tội chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận