05/05/2023 12:29 GMT+7

Từ ngày 15-5, Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam

Từ ngày 15-5, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok từ ngày 15-5 - Ảnh: T.HÀ

Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok từ ngày 15-5 - Ảnh: T.HÀ

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin - Truyền thông sáng 5-5, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình, cho biết Bộ Thông tin - Truyền thông đã công bố kế hoạch triển khai kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong tháng 5 này.

Theo kế hoạch, việc kiểm tra hoạt động của TikTok sẽ bắt đầu vào ngày 15-5 và kéo dài đến hết tháng.

Nhiều nội dung gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng

Theo ông Tự Do, từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng.

"Trước đây, nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí, nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị, cùng với đó là các nội dung độc hại, rất ảnh hưởng đến trẻ em phát triển mạnh mẽ, tạo thành trào lưu", ông Do nhấn mạnh.

Sáu sai phạm lớn của TikTok đã được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận có thể kể đến như không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

Mạng xã hội này sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ, cho phép người dùng xem và tặng quà, tặng tiền cho idol, dẫn đến tình trạng nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo "trend" để thu lời từ những nội dung này.

Đồng thời, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc…

Những hệ lụy nghiêm trọng

Theo ông Lê Quang Tự Do, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội, khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Theo ông Tự Do, để xử lý những sai phạm và hậu quả do các nội dung xấu độc trên TikTok, cùng với việc kiểm tra toàn diện từ ngày 15-5, trong thời gian tới Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ngăn chặn mua bán hóa đơn điện tử trên mạng

Ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhận được công văn từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

Hiện bộ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường quản lý về lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Chỉ thị này đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đang hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành.

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để xác định các đường link, tài khoản, trang web có liên quan đến hoạt động mua bán hóa đơn vi phạm pháp luật.

Xây dựng thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển mới

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển mới phù hợp với dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.

Ông cũng cho hay theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, đến ngày 3-5, hai trong số năm tuyến cáp quang biển gặp sự cố là IA và SMW3 đã sửa xong. Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ sửa xong trong tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khắc phục xong trong tháng 6.

Qua giám sát của Cục Viễn thông, đến thời điểm hiện tại, trải nghiệm của người dùng dịch vụ Internet quốc tế tại Việt Nam đã tương đối ổn định, đáp ứng được nhu cầu.

Việt Nam hiện có năm tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3, cập bờ tại hai trạm ở Đà Nẵng và Vũng Tàu. Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, cả năm tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế trong suốt mấy tháng qua.

Biết rõ Biết rõ 'clip ngắn, hại dài', Việt Nam nên cấm TikTok

Quan điểm cá nhân tôi mong nên cấm TikTok tại Việt Nam, như cách mà 18 quốc gia khác đã làm đối với ứng dụng mạng xã hội này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên