03/08/2009 02:24 GMT+7

Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt (Kỳ 5): Đào kênh T5

Đ.VỊNH
Đ.VỊNH

TT - Xuôi dòng Vĩnh Tế qua thị xã Châu Đốc sầm uất rồi dãy Thất Sơn huyền bí, tôi đến huyện Tri Tôn. Đó là rẻo biên giới bán sơn địa đã có lưu dân tụ về khẩn hoang, lập ấp từ khi Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh Vĩnh Tế xuôi qua.

iQFYzUxK.jpgPhóng to
Những ngày đầu thi công kênh T5 - Ảnh tư liệu

Chiều tháng 7, những cây cầu biên giới mờ mịt trong mưa. Gió rất mạnh khiến các ghe tàu đang ngược xuôi dòng kênh này phải dạt vào bờ. Tuy nhiên, khi tôi hỏi đầu kênh Võ Văn Kiệt, nhiều người vẫn vui vẻ đội mưa chỉ đường. Họ bảo: “Về đây anh gọi kênh ông Kiệt ai cũng biết. Nếu không có những con kênh dẫn nước ngọt, rửa phèn và thoát lũ này thì không thể nào đánh thức được miệt bưng biền hoang vu”. Rồi họ dẫn tôi ra đầu vàm, nơi kênh Vĩnh Tế gặp kênh Võ Văn Kiệt ở xã Lạc Quới trên con đường biên giới từ Tịnh Biên về Hà Tiên.

Những ngày đầu gian khổ

Đặt tên kênh Võ Văn Kiệt

Ngày 10-7-2009, kỳ họp HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh này.

Theo nội dung tờ trình, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là người con ưu tú của vùng ĐBSCL. Trên cương vị thủ tướng, ông thường cùng lãnh đạo các tỉnh, các nhà khoa học khảo sát vùng ĐBSCL, đặc biệt là tứ giác Long Xuyên và luôn trăn trở làm cách nào để thoát nhanh nước lũ từ Campuchia tràn về tránh tình trạng ngập lũ nặng, đồng thời khai thác vùng đất hoang hóa để phát triển nông nghiệp.

Với mong muốn đó, ông quyết định cho thi công hệ thống kênh T4-T5-T6 vào năm 1997. Công trình đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn lao cho An Giang và một số tỉnh thành Tây Nam bộ. Trong đó, kênh T5 dài 48km, có quy mô lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất nên được chọn làm đại diện để đặt tên kênh Võ Văn Kiệt, đồng thời dựng bia tưởng niệm tại đầu tuyến kênh.

Sau cơn mưa, ánh mặt trời lại nhuộm vàng dòng kênh. Kênh Võ Văn Kiệt dài 48km, rộng gần 40m, sâu khoảng 4,5m như mũi tên lấp lánh xuyên thẳng cánh đồng bao la để ra biển Tây. Mặc dù đầu mùa mưa, kênh phải hứng phèn từ trên đồng đổ xuống nhưng vẫn đùng đục màu phù sa. Người dẫn đường Trần Văn Bé cười nói: “Khi nào thấy màu nước này là tụi tui chuẩn bị gieo sạ cho một mùa vụ tươi tốt”.

Đến nay, dòng nước mang sức sống mới thông với kênh Vĩnh Tế được 12 năm. Mùa khô năm 1997, những nhát xáng múc đất đầu tiên đã đánh thức vùng đất hoang phèn. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhớ mãi khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó quyết định đào hệ thống kênh thoát lũ này dân địa phương mừng lắm.

Ngày 22-4-1997, đoạn kênh trên phần An Giang được động thổ. Ông Nhị chở xuống bốn con heo quay để “khao quân” làm việc tốt đẹp. Nhìn người dân đổ ra xem, ông Nhị nói với anh em thi công: “Vui thì vui thiệt nhưng thử thách cũng nặng nề dữ lắm. Đừng làm không ra gì để dân quở trách”.

Trước đó nhiều ngày, việc thực hiện công trình thủy lợi có ý nghĩa chiến lược với cả mạn đất rộng lớn của tứ giác Long Xuyên được lên kế hoạch tỉ mỉ đến chi tiết. Anh Phan Minh Tiến, phó phòng kỹ thuật Công ty Xây dựng thủy lợi An Giang cũ, cùng đồng nghiệp đi khảo sát thực địa biết trước công việc sẽ rất khó khăn.

Mùa mưa vùng này chìm sâu trong lũ nhưng lại khô khốc trong mùa nắng. Những vùng có nước lại bị nhiễm phèn nặng. “Nước phèn đỏ quạch như màu nước mắm, tắm cũng không nổi chứ đừng nói uống được”, anh Tiến nhớ lại nỗi vất vả lớn nhất mà họ phải trải qua. Chỉ đi bộ khảo sát thực địa vài giờ họ đã mệt thở ra lỗ tai. Lau sậy, tràm hoang um tùm che kín đến mức làm họ nhiều khi mất cả phương hướng.

Về sau, để giải quyết chuyện nước cho các đội thi công, họ phải dùng tắc ráng chở từ ngoài vào nhưng vẫn thiếu thốn nước sinh hoạt. Anh em vài ngày mới được tắm một lần, hoặc phải tắm trước bằng nước phèn nặng rồi giội qua ca nước ngọt. Một số người tranh thủ lúc nghỉ ca quá giang tắc ráng đi hàng kilômet ra ngoài chỉ để được tắm rửa thoải mái.

Lúc đó đường sá để đưa phương tiện thi công vào vùng bưng biền này cũng rất khó khăn. Những chiếc tàu xáng cạp, tàu xáng thổi lớn lừng lững phải đi vòng các kênh Cái Sắn, Tám Ngàn, Vĩnh Thành 1, Vĩnh Thành 2, Vĩnh Thành 3 và mất rất nhiều thời gian để vào được công trình thi công. Chỉ hoàn tất được giai đoạn chuẩn bị này mọi người mới thở phào, bắt tay vào công việc chính.

Ycl8EWSy.jpgPhóng to

Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên, khu vực đầu nguồn An Giang. Nơi ông đứng (trong ảnh) cũng là nơi một năm sau đó ông quyết định xẻ tuyến kênh T4-T5-T6 thoát lũ ra biển Tây - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ.

Bốn tháng và công trình kỷ lục

190 năm trước Thoại Ngọc Hầu chỉ dùng sức dân, binh để đào kênh Vĩnh Tế. Việc thi công kênh T5 sau này đã có cơ giới, nhưng mọi người cũng rất vất vả để kịp tiến độ thời gian. Các công ty thi công nối tiếp nhau trải dài trên đại công trình dài 48km. Anh Tiến kể chỉ riêng đoạn kênh do công ty thi công dài gần 10km với gần 1.300.000 khối đất phải múc. Thời gian yêu cầu phải hoàn thành toàn bộ công trình chỉ trong bốn tháng, từ 22-4 đến 30-8-1997, để kịp xả lũ đầu mùa. Đây là khối lượng công việc rất lớn lại phải làm nhanh kỷ lục, nhưng anh em đều ký cam kết tiến độ. Họ hiểu đó là tâm huyết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và mong đợi của người dân trên vùng đất còn hoang phèn này.

Công ty chia ba đội thi công gồm cơ giới bộ, tàu xáng cạp và tàu xáng thổi. Anh Trương Văn Lộc, cán bộ kỹ thuật có mặt tại công trình từ đầu đến cuối, kể biện pháp thi công đầu tiên là xe múc đất dọn sạch phần mặt đất rậm rịt cây cỏ. Tàu xáng cạp múc đất hai bên bờ kênh làm ranh, để đất giữa kênh cho tàu xáng thổi làm.

Lúc này con kênh rộng 30-36m đã thành hình, nhưng họ phải đào thêm nhiều lớp đất nữa để xuống được độ sâu thiết kế âm 3m so với nước biển (khoảng 4-4,5m sâu từ mặt đất) và đáy rộng 20m đủ cho ghe lớn ra vào. Họ chia nhau làm cùng lúc hai hướng kênh cho nhanh, nhưng vẫn giữ lại phần đất giáp kênh Vĩnh Tế như đập tạm ngăn nước đổ vào công trình đang thi công. Nhiều đất múc lên được đổ bên bờ trái kênh rộng 40-50m và cao 2m để làm tuyến dân cư. Nhiều đơn vị phải chia ba ca làm việc ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ.

Là một trong những lãnh đạo địa phương thường xuyên bám sát công trình, ông Nguyễn Minh Nhị kể: “Bận xuống thị sát công trình, tui thấy anh em cực khổ quá cũng xót ruột nhưng mừng là mọi người vẫn hăng hái làm việc. Tui nói với họ trong dòng nước đầu tiên chảy qua kênh này có mồ hôi anh em”.

Cuối tháng 8-1997, tuyến kênh dài 48km trải dài từ An Giang qua Kiên Giang được đào xong. Một đại công trình thủy lợi nhanh nhất từ xưa đến nay trên vùng đất này. Ngày mở đập tạm ngăn kênh Vĩnh Tế với kênh mới, mọi người vừa náo nức vừa hồi hộp. Ông Nhị tâm sự khi dòng nước lũ đầu tiên từ Vĩnh Tế cuồn cuộn đổ vào kênh mới đào để chảy ra biển Tây, họ không nén được xúc động mừng vui. Nhìn những con cá linh lấp lánh quẫy mình trong nước lũ để vào dòng kênh mới, họ hiểu rằng bưng biền hoang nghèo đã được đánh thức để sức sống bừng lên mảnh đất này. Từ buổi đầu đó, kênh T5 đã được người dân tự gọi là kênh ông Kiệt như thay cho lời cảm ơn về tâm huyết và quyết sách hợp lòng dân của vị thủ tướng.

Sau kênh T5, các đơn vị thủy lợi lại tiếp tục bám trụ miền đất này để đào kênh T4 và nạo vét kênh Vĩnh Tế. Tầm nhìn chiến lược của tiền nhân đã được con cháu đời sau tiếp bước mở mang, phát triển.

------------------------------------

Trên bưng biền hoang phèn đã mọc lên các khu dân cư và đồng lúa bát ngát. Câu chuyện của các nông dân đã đổi đời nhờ con kênh Võ Văn Kiệt và tấm lòng của họ đối với ông.

Kỳ tới: Đánh thức bưng biền

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam Kỳ 2:Trấn giữ biên giớiKỳ 3:Thương hồ Vĩnh TếKỳ 4:Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân

Đ.VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên