Thứ 5, ngày 18 tháng 8 năm 2022
Từ hoàng hậu Nam Phương tới Cleopatra
TTO - Sau những dự án âm nhạc về các nhân vật nữ lịch sử hoặc hư cấu của Hoàng Thùy Linh, nhạc Việt lại có thêm một sản phẩm theo trào lưu đó - Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy và Mr. Siro, lần này là về Nam Phương hoàng hậu.

Hình ảnh Nam phương hoàng hậu và vua Bảo Đại trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp (trái) và bìa đĩa Cleopatra của The Lumineers - Ảnh: YouTube
Có gì đó nực cười khi đặt những cụm như “ngày ta trở nên xa lạ”, “giờ anh đổi thay”, “còn điều gì ngu ngốc bằng lừa dối quá nhiều” vào tâm tư của Nam Phương hoàng hậu. Lời bài hát thiếu sự phong nhã, lịch duyệt và thô sơ đến mức tầm thường hóa một biểu tượng.
1 Đáng tiếc, phần âm nhạc thì chẳng có gì để nói, một giai điệu ballad không điểm nhấn, như thể được nhân bản từ hàng trăm giai điệu ballad khác.
Trong khi đó, phần lời ca nếu không gán một cách gượng ép vào câu chuyện của Nam Phương hoàng hậu trong MV thì chẳng có chỉ dấu nào cho thấy nó có liên hệ với nhân vật lịch sử này.
Kể cả nếu bài hát có được sáng tác độc lập và ý tưởng về MV chỉ được khởi lên sau đó, thì đó vẫn là một ca khúc vô hồn với ca từ mà từng câu đều như đang trích dẫn vụng về những tài khoản ngôn tình trên Instagram.
Chứ chưa nói đến việc êkip của Hòa Minzy hẳn là đã có sự tính toán từ đầu, để tạo ra một sản phẩm về vị hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Có gì đó nực cười khi đặt những cụm như "ngày ta trở nên xa lạ", "giờ anh đổi thay", "còn điều gì ngu ngốc bằng lừa dối quá nhiều" vào tâm tư của Nam Phương hoàng hậu. Lời bài hát thiếu sự phong nhã, lịch duyệt và thô sơ đến mức tầm thường hóa một biểu tượng.
Nói như Lev Tolstoi: "Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, mọi gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách riêng của họ", vậy mà bài hát nỡ lòng nào quy giản chuyện tình yêu - hôn nhân của Bảo Đại và Nam Phương - một câu chuyện nhuốm màu thời thế - về với mẫu số hiện đại?
Nam Phương hoàng hậu không phải "người lạ" trong âm nhạc. Có một bài hát của nhạc sĩ Việt Anh từng được Thu Phương thể hiện nói về tâm sự ly hương của bà nơi hải ngoại, một bài hát dày dặn, chạm đến nỗi lòng một vị hoàng hậu tha phương chờn vờn trong những giấc mơ về người cũ chốn xưa.

Bìa đĩa Cleopatra của The Lumineers
2 Êkip của Hòa Minzy đã có một ý tưởng hay, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một ý tưởng câu khách. Mà đâu phải không có những "điển phạm" để học hỏi? Âm nhạc quốc tế có rất nhiều ca khúc đại chúng tuyệt vời về những nhân vật biểu tượng.
Như Vincent của Don McLean về người họa sĩ khổ mệnh Vincent Van Gogh. Từ đêm đầy sao, những đám mây cuộn tròn hay cánh đồng buổi sáng, ca khúc gói cả miền hội họa, hay chính là miền tâm hồn trong veo không thể bị vẩn đục của Vincent. Và ở đó, cái chết lãng mạn đến bất diệt của Vincent là sự khước từ bị đồng hóa với thế giới u mê.
Còn nếu như muốn một cách tiếp cận hiện đại hơn về nhân vật lịch sử, hãy thử lấy Cleopatra của The Lumineers làm thí dụ.
Tựa đề là tên vị nữ hoàng Ai Cập, nhưng ca khúc lại kể về một nữ diễn viên từ chối người tình và khi anh ra đi bỏ lại những dấu chân đầy bùn nhão, cô đã chọn không lau đi chúng.
Tưởng chẳng liên quan với nàng Cleopatra trong sử sách nhưng càng nghe kỹ, ta càng thấy sự lặp lại bi kịch của Cleopatra trong một nữ diễn viên thế kỷ 21, bởi Mark Antony (83-30 trước Công nguyên) - thống chế La Mã, tình nhân của Cleopatra - cũng rời khỏi Ai Cập để tới Rome và tại đây, ông thành hôn với một người đàn bà khác.
"Mặc xác vợ anh, tôi sẽ làm nhân tình chỉ để có anh bên cạnh", một câu hát hoàn toàn hiện đại, nhưng không gây khớp như trong trường hợp của Không thể cùng nhau suốt kiếp, bởi Cleopatra của The Lumineers đã được phóng tác thành một phiên bản đến từ New York.
Là Cleopatra đó mà không phải Cleopatra (trên bìa album này cũng là một phụ nữ đội mũ miện Ai Cập nhưng vận chiếc áo hai dây thời thượng). Vận dụng cách lý giải kiểu Milan Kundera thì đây là dấu hiệu của tính bất tử trong sự lặp đi lặp lại cách thức vận hành một mẫu thức số phận.
Và nhạc đại chúng hoàn toàn có thể có chiều sâu lịch sử văn hóa mà không đánh mất tính đương thời, nếu biết cách làm.
-
TTO - Nguồn tin quan chức tiết lộ Ukraine đứng sau 3 vụ nổ tại Crimea; WHO cảnh báo đậu mùa khỉ có thể lây cho chó; Đài Loan tuyên bố nghị sĩ nhiều nước muốn đến thăm... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 18-8.
-
TTO - Sẽ có chính sách đặc thù mới, thay thế nghị quyết 54 cho TP.HCM; Bộ Y tế xác minh tài sản cá nhân ở 20 trong số 104 đơn vị trực thuộc bộ; 7 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 32,47%... là các tin đáng chú ý sáng nay.
-
TTO - Thị trường hiện nay xuất hiện tràn lan các loại thuốc nhuộm tóc, từ loại giá rẻ cho đến loại đắt đỏ, muốn loại nào có loại đó, nhưng cái giá kèm theo là nguy cơ dị ứng, nấm da đầu, thậm chí là ngộ độc toàn thân.
-
TTO - Ngày 17-8, truyền thông Nga đưa tin Matxcơva đã thay thế chỉ huy của Hạm đội Biển Đen tại Crimea, sau một loạt vụ nổ làm rung chuyển bán đảo này.
-
TTO - Lực lượng công an đã triệt phá nhiều tổ chức "tín dụng đen" cho vay qua app. TAND tối cao cũng đã ban hành nghị quyết "trị tội" tín dụng đen, nhưng xem ra việc xử lý các băng nhóm không phải là biện pháp "gốc rễ" triệt tiêu loại tội phạm này.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận