17/12/2011 09:32 GMT+7

Tử hình: Từ cổ đại đến văn minh - Kỳ 2: Góc khuất của án tử hình nữ giới

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Khi những góc khuất của án tử hình đối với nữ giới được phơi bày ra ánh sáng, nó đã tác động mạnh đến các tổ chức hoạt động nhân quyền và chính phủ nhiều nước. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến quyết định bãi bỏ hoặc hạn chế tối đa hình thức tử hình hiện nay.

1ME2kyaC.jpgPhóng to

Atefeh Rajabi lúc sắp bị thi hành án bằng cách treo cổ

Nỗi đau tinh thần

Louise Harris, một người Mỹ gốc Phi tại Alabama (Mỹ), bị kết tội sát phu. Do bị chồng bạo hành trong suốt thời gian dài, Louise đã cùng với người tình lên kế hoạch giết chết chồng trên đường anh ta đi làm về. Trong hồ sơ của vụ án, phần hoàn cảnh của Louise đã cho thấy một quá khứ hết sức tồi tệ: 11 tuổi bị cưỡng bức, 14 tuổi tận mắt chứng kiến cha mình bị giết, em trai bị chết đuối, có ba đời chồng và bị cả ba đánh đập dã man đến mức vào ra bệnh viện liên tục. Theo kết luận của các bác sĩ, hành vi thông đồng giết người của Louise bị ảnh hưởng rất nhiều từ các tổn thương tinh thần trong suốt thời gian dài.

Theo một khảo sát của Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) vào năm 2004 trên 66 người nữ chịu án tử hình tại Mỹ, thì 30% cho biết thường xuyên bị chồng/bạn tình đánh đập, 11% bị bạo hành trong gia đình khi còn nhỏ, và đặc biệt có đến 55% thừa nhận mình thường xuyên là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục. Điều này phần nào cho thấy vấn đề bị lạm dụng tình dục có tác động rất lớn đến tinh thần và hành vi phạm tội của các nữ phạm nhân, thay cho các loại động cơ phạm tội nghiêm trọng thường thấy như: chiếm đoạt tài sản, làm giàu phi pháp...

Một trường hợp khác cũng bi kịch không kém là Ruth Ellis, người được báo chí Anh nhận định là một nạn nhân điển hình của việc bị bạo hành, lạm dụng tình dục và dẫn đến hành động sát nhân. Ruth là một người mẫu xinh đẹp, khá nổi tiếng ở London vào những năm 1950 và cô ăn ở như vợ chồng với David Blakely, một tay chơi nghiện rượu nặng, ghen tuông và thường xuyên đánh đập Ruth. Tháng 1-1955, sau một cuộc tranh cãi, anh ta đã đấm vào bụng Ruth khiến cô sẩy thai. Ngày 10-4-1955, trong cơn ghen do nghi ngờ David có quan hệ bất chính với cô bảo mẫu ở nhà, Ruth đã mang theo khẩu Smith & Wesson 38 li chờ sẵn David ở bãi xe hơi trước quán bar. Khi Ruth cất tiếng gọi David và anh này lờ đi thì cô đã bước xuống xe và bắn thẳng vào David. Sau đó, cô tiếp tục đuổi theo anh ta để bắn tiếp năm phát. Vụ việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật nên Ruth bị bắt ngay khi trên tay còn cầm khẩu súng vương khói. Sau đó, Ruth bị tuyên án tử hình treo cổ.

Quyết định này đã dấy lên dư luận nhiều chiều ở Anh, có người đồng tình với phán quyết của tòa, nhưng cũng nhiều người thông cảm cho hành vi của Ruth khi bị đối xử quá tệ hại trước đó. Trường hợp của Ruth Ellis đã dẫn đến đạo luật Homicide Act 1957 hạn chế việc dùng hình thức tử hình cho tội giết người ở Anh. Sau đó chín năm, Anh chính thức bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Chính vì thế, Ruth Ellis được xem là người phụ nữ cuối cùng bị tuyên án tử hình ở Anh. Trường hợp của cô còn nổi tiếng đến mức đã được dựng thành phim Dance with a stranger vào năm 1985.

QEU8XksA.jpgPhóng to

Và án của cô bé Atefeh Rajabi đã được thi hành

Những vụ án bị “bỏ rơi”

Bên cạnh việc bị tác động tinh thần từ bạo hành, xâm hại tình dục, nữ giới khi chịu án tử hình còn phải đối mặt với những định kiến xã hội và sự bỏ rơi khi xét xử, định tội, dẫn đến rất nhiều vụ án mà họ đã bị xử tử hình một cách vội vã và có thể không chính xác. Giáo sư Victor Streib của Trường Ohio Northern University, người đang nghiên cứu về vấn đề nữ giới chịu án tử hình, đã đưa ra thống kê 58% các vụ án nữ giới chịu án tử hình tại Mỹ có sai sót trong việc định tội. Ở Mỹ, hầu hết nữ phạm nhân chịu án tử hình đều có xuất thân gia đình nghèo, thất học, nên luật sư của họ khi ra tòa sẽ là luật sư chỉ định. Tuy nhiên, các luật sư này thường không thật sự đầu tư cho công việc, nhất là với các án tử hình (khả năng thành công rất thấp) và điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.

Judy Haney ở Alabama (Mỹ) bị buộc tội thuê người giết chồng sau khi anh ta lạm dụng tình dục cô và cả con gái trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho cô lại không hề nhắc đến cũng như tìm kiếm các bằng chứng cần thiết để làm rõ vấn đề bị bạo hành đó. Thậm chí anh này còn say xỉn đến mức tòa phải hoãn một ngày để chờ anh ta... tỉnh táo lại. Kết quả, Judy bị kết án tử hình. Phải mất đến tám năm chờ đợi và nỗ lực tranh đấu, Judy Haney mới được xóa án tử hình, thay vào đó là án chung thân không ân xá.

Còn tại một số quốc gia Hồi giáo, đặc biệt các địa phương còn hủ tục trọng nam khinh nữ thì tình trạng bị “bỏ rơi” trong việc xét xử nữ giới vào tội tử hình còn phổ biến và đau lòng hơn. Trong đó, vụ án tai tiếng nhất chính là treo cổ bé gái Atefeh Rajabi, 16 tuổi, vào ngày 15-8-2004. Atefeh bị khép vào tội “có những hành động đi ngược lại với phẩm giá phụ nữ” sau khi em bị phát hiện có quan hệ tình dục với bạn trai trước khi cưới và trước đó đã bị xâm hại tình dục với năm người đàn ông khác (hầu hết là họ hàng). Atefeh đã không được quyền có luật sư bào chữa khi xử án, bất kể các nỗ lực của gia đình em.

Chính vì thế, Atefeh, với tuổi 16 hết sức non nớt của mình, phải tự thân trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử và bị kết án tử hình treo cổ. Trong khi đó, bạn trai em chỉ bị phạt 100 roi và được trả tự do sau đó. Điều đáng lưu ý là theo luật pháp nước này, việc có mặt người bào chữa cùng với bị cáo là bắt buộc trong mọi phiên tòa. Tuy nhiên, Atefeh đã không được hưởng quyền lợi này mà không có một lời giải thích nào cả. Thi thể của cô bé thậm chí còn được giữ lại trên giá treo cổ vài giờ sau khi xử tử để “làm gương” cho công chúng, đặc biệt là phụ nữ.

Vụ việc này đã dấy lên một làn sóng dư luận căm phẫn rất mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt là các tổ chức chống lại án tử hình đối với trẻ vị thành niên và phụ nữ. Rất nhiều bài báo, video clip về trường hợp của Atefeh Rajabi đã lan truyền trên Internet như một tiếng nói thống thiết, nhằm đòi hỏi nhân quyền trong việc thi hành án tử hình trong thời đại văn minh hiện nay.

___________________

Nhiều hình thức tử hình vẫn đang áp dụng trên thế giới: ném đá, chém đầu, ngồi ghế điện, treo cổ, xử bắn... Nhưng ngoài việc bỏ án tử hình, nhiều nước đã thực hiện những hình thức nhân đạo hơn đối với tử tội.

Kỳ cuối: Cái chết êm ái

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên