Theo Trung tâm Thông tin tử hình (DPIC), luật tử hình sớm nhất trong lịch sử nhân loại được biết đến là bộ luật của vua Hammaurabi ở Babylon từ thế kỷ 18 trước CN. Bộ luật này quy định 25 tội danh phải chịu mức án tử hình.
Phóng to |
Đến thế kỷ thứ 7 trước CN, Bộ luật Draconian của Athens quy định tử hình là hình phạt duy nhất cho mọi tội danh. Các hình thức thi hành án tử hình khi đó bao gồm: đóng đinh, dìm xuống biển, đánh đến chết, thiêu sống và xuyên cọc qua người. Đàn hương hình được nhắc đến trong lịch sử cũng là tên gọi khác của hình thức xuyên cọc qua người. Những hình thức như thế này gây đau đớn cùng cực cho tử tội trước khi chết và gây khiếp sợ cho người sống.
Cái chết từ từ và đau đớn
Nhưng thời kỳ được nhắc đến nhiều nhất về sự man rợ của việc tử hình có lẽ là thời Trung cổ ở châu Âu, kéo dài từ thế kỷ thứ 5-15. Ở thời kỳ được xem là chương đen tối và mông muội của lịch sử nhân loại này, tử hình được nói là thường đi kèm với tra tấn.
Đè chết là một trong số các hình phạt. Đao phủ sẽ đặt vật nặng lên ngực người bị hành quyết. Ngày đầu tiên đao phủ sẽ cho người này ăn một ít bánh mì. Ngày thứ hai đao phủ cho anh ta uống nước bẩn và cứ như thế cho đến khi phạm nhân nhận tội hoặc chết mòn.
Tội báng bổ thần thánh cũng phải chịu án tử. Suốt nhiều thế kỷ, những ai đi ngược lại với quan điểm của nhà thờ về cả mặt chính trị hay khoa học đều bị xử tử. Nhiều phụ nữ bị coi là phù thủy cũng bị đem ra thiêu sống.
Đến thế kỷ thứ 10 sau CN, treo cổ trở thành hình thức tử hình phổ biến ở Anh. Vào thế kỷ 16, dưới thời vua Henry VIII của Anh, ước tính có khoảng 72.000 người đã bị xử tử. Một số phương pháp tử hình thông dụng thời ấy được nhắc đến như đun sôi, thiêu sống, treo cổ, chém đầu, kéo lê và phanh thây; áp dụng cho các tội như cưới người Do Thái, không nhận tội và tạo phản.
Trong đó tử hình bằng đun sôi được vua Henry VIII chuẩn thuận vào năm 1532. Tùy từng trường hợp, tử tội có thể bị kéo lên hạ xuống vạc nước sôi nhiều lần cho chết từ từ để tăng thêm phần rùng rợn và đau đớn. Hành quyết bằng đun sôi được áp dụng cho những tử tù phạm tội giết người bằng cách đầu độc. Trang web của PBS trích lại một đoạn trong cuốn sách Giải pháp cuối cùng của xã hội: lịch sử và tranh luận về án tử hình của tác giả Laura E. Randa nói kỷ lục được ghi nhận là có người bị đun sôi tới hai giờ mới chết.
Các tài liệu ghi chép cũng nói hình thức này thường thu hút sự quan tâm của dân chúng hơn các hình thức như chặt đầu hay treo cổ. Có thể vì vậy mức độ rùng rợn được tăng lên nhằm răn đe dân chúng thời đó. Hoặc cũng có thể tử hình rùng rợn và dã man làm cho dư luận thấy hả dạ trước một tội ác kinh hoàng. Tử hình bằng đun sôi còn có thể thực hiện với các chất lỏng khác như sáp hay dầu. Chế độ phong kiến ở châu Á cũng đã dùng hình thức tử hình là ném tử tù vào vạc dầu đang sôi.
Phóng to |
Những thay đổi
Trong thế kỷ 18, có đến 222 tội danh bị đưa vào mức án tử hình ở Anh, bao gồm cả tội ăn cắp, đốn hạ cây. Vì tính hà khắc của luật tử hình, nhiều quan tòa khi đó đã không kết án bị cáo nếu như tội trạng không thật sự nặng. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi trong luật tử hình của Anh. Từ năm 1823-1837, chỉ còn 100 tội bị khép vào mức án tử.
Một số hình thức tử hình ghê rợn khác được nhắc đến trong lịch sử nhân loại thời Trung cổ hoặc thời kỳ cận đại như: xa hình (buộc tử tội vào bánh xe rồi đánh), lột da, mổ bụng, phanh thây, voi giày, ngựa xéo, ném đá, cưa người, chặt chân tay...
Hình phạt lăng trì, hay tùng xẻo, là hình thức giết chết tử tội bằng cách cắt từng phần cơ thể. Tử tội sẽ chết từ từ trong đau đớn cùng cực. Hình thức này vẫn còn được áp dụng tại Trung Quốc đầu thế kỷ 20 dưới thời nhà Thanh. Đến tháng 4-1905, hình thức tử hình tàn ác này được bãi bỏ.
Voi giày, ngựa xéo là hình thức tử hình dùng sức mạnh của động vật để giết chết phạm nhân. Thời Trung cổ cũng có trường hợp tử tội bị ném vào hang hoặc hố sâu có rắn độc. Tử tội không chỉ chết trong đau đớn mà còn sợ hãi tột độ.
Những hình thức tử hình làm cho tử tội đau đớn tột cùng trước khi chết và nhất là không được kết thúc sự sống ngay lập tức có thể làm hả dạ một cộng đồng đang bức xúc về một tội ác nào đó. Tuy nhiên, việc hành hình đi kèm với tra tấn hoặc gây đau đớn cho phạm nhân trước khi chết được coi là không nhân đạo.
Cùng với trình độ phát triển của nhân loại, số tội danh bị áp dụng mức án tử hình đã giảm đáng kể. Hình thức tử hình cũng được thay đổi để phạm nhân ít đau đớn hơn trước khi chết. Vào những năm cuối thế kỷ 18, người Pháp cho ra đời máy chém với quan điểm tử hình bằng công cụ này sẽ gây ra cái chết ngay tức khắc và ít đau đớn mặc dù trước đó các hình thức tử hình chém đầu đã được thực hiện bằng gươm hay rìu. Người Anh cũng bãi bỏ hình thức kéo lê (bằng ngựa) và phanh thây vào đầu thế kỷ 19. Trong thế kỷ 20, người Mỹ cho ra đời các hình thức tử hình như ghế điện, phòng ngạt và nhân đạo hơn cả là tiêm thuốc độc.
Tuy nhiên, tại một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, một số hình thức tử hình gây đau đớn và chết chậm vẫn còn được áp dụng như ném đá đến chết, chém đầu bằng gươm.
______________
Một đối tượng khá đặc biệt trong án tử hình là nữ giới. Khi những góc khuất trong án tử hình nữ giới được phơi bày, dưới áp lực của nhiều tổ chức hoạt động nhân quyền, nhiều chính phủ đã bãi bỏ hoặc hạn chế tối đa hình thức tử hình hiện nay.
Kỳ tới: Góc khuất của án tử hình nữ giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận