03/04/2015 11:33 GMT+7

Từ di sản Đào Tấn

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Đầu tháng giêng âm lịch, ông bầu của các đoàn hát bội tại Bình Định ai cũng tất tả đưa đoàn hát của mình đi diễn khắp nơi theo các hợp đồng được ký từ vài tháng trước.

Nhà nghiên cứu kịch nghệ tuồng Vũ Ngọc Liễn đánh chầu trong đêm diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn tại Munich (Đức) trong sự thích thú của khán giả - Ảnh nhân vật cung cấp

Hơn chục đoàn tuồng ở Bình Định chuyên lưu diễn các nơi thể hiện phần di sản thấy được của Đào Tấn...

Những đoàn tuồng dân lập

Theo những ông bầu của các đoàn hát bội dân lập ở Bình Định, gọi “di sản hát bội của Đào Tấn” bởi Bình Định - quê hương của Đào Tấn - là nơi lưu giữ gần như trọn vẹn những gì thuộc kỹ năng diễn xuất của hát bội đã được ông truyền lại qua trường dạy hát bội học bộ đình Vinh Thạnh.

Nhà viết kịch Văn Trọng Hùng - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Định - cho rằng chính nhờ có Đào Tấn mà hát bội nước ta mới vững vàng tồn tại đến nay, Bình Định được xem là chiếc nôi phát triển và lưu giữ hát bội.

Cũng như các nơi ở dải đất miền Trung, hát bội ở Bình Định có thời suy yếu vì chiến tranh nhưng khác các nơi là sau ngày hòa bình không lâu, Bình Định đã lần hồi xây dựng được trên hai chục đoàn tuồng chuyên lưu diễn trong và ngoài tỉnh, trở lại gần như thời thịnh đạt trước kia.

Bên cạnh các vở tuồng mới, các đoàn tuồng này luôn diễn các vở tuồng của Đào Tấn, giữ được phong cách diễn xuất ưu việt, cốt lõi được kế truyền từ học bộ đình Vinh Thạnh. Các đoàn hát bội dân lập ở Bình Định lưu diễn quanh năm từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ, cả đến vùng Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông và Tây Nam bộ lên đến tận vùng Tây nguyên. Với vùng ngư dân duyên hải miền Trung, hát bội là “của lễ” luôn có để “hầu thần” trong các lễ cúng cầu ngư, cúng mãn mùa cá, một đợt hát ở một lễ hội thường kéo dài nhiều đêm liền.

“Nhân kỷ niệm 170 năm ngày sinh Đào Tấn (1845-2015), hiện nay xã Phước Lộc chúng tôi cùng các ngành chức năng đang tiến hành xây dựng đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn tại quê nhà cụ. Đền thờ được xây dựng trên khu đất rộng 3.690m² nằm bên cạnh cổng làng (lý môn) Vinh Thạnh, trên đường vào nhà cũ của cụ. Với kinh phí dự trù 10 tỉ đồng, ngoài đền thờ cụ còn có các công trình phụ như nhà biểu diễn nghệ thuật tuồng, nhà tiếp khách...” - ông Nguyễn Thành Phú, phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết.

Lớp nghệ sĩ đi trước truyền luyện kỹ năng diễn xuất cho lớp đi sau, các đoàn tuồng ở Bình Định nay có đủ các thế hệ lão thành, trung niên và tuổi trẻ. Bỏ qua toan tính thiệt hơn về thu nhập, lớp trẻ Bình Định đã vào các đoàn tuồng dân lập tại địa phương miệt mài tập tành diễn xuất rồi dần trở thành nghệ sĩ.

Đáng nói là trong số 12 đoàn hát bội dân lập ở Bình Định nay có được vài “gánh hát gia đình”: phần lớn diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn là người trong nhà gồm chồng vợ - con cái - người thân thuộc.

“Mình là người đất tuồng Bình Định thì phải cố giữ cho được nghệ thuật tuồng của cụ Đào Tấn. Nghề hát bội tuy không cho mình giàu sang nhưng mình phải hết lòng trân trọng, biết ơn người truyền nghề lại cho mình. Hạnh phúc nhất với người nghệ sĩ hát bội là khi truyền được nghề cho lớp trẻ, nhất là cho con cháu, người thân...” - ông bầu “gánh hát gia đình” Nhơn Hưng Nguyễn Minh Lưỡng ở xã Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) tâm sự.

Không chỉ lưu diễn trong nước, kịch nghệ tuồng VN còn được trình diễn nhiều nơi trên thế giới. Đến nay Nhà hát tuồng Đào Tấn đã mang tuồng Việt - mà nhiều nhất là tuồng Đào Tấn - công diễn ở nhiều nước châu Á và châu Âu, được người xem thích thú và đánh giá cao. Gây ấn tượng sâu đậm với khán giả nước ngoài là chuyến lưu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn ở thành phố Munich (Đức).

“Chúng tôi rất sung sướng khi nhận những lời khen ngợi của khán giả qua nhiều buổi diễn suốt một tháng ròng ở Munich. Những người cho lời khen phần đông là nhà nghiên cứu, giáo sư, trí thức, nghệ sĩ. Nội dung vở tuồng này hay nhưng diễn xuất cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Cái chính là nhờ nhà hát chúng tôi đã kế thừa và phát huy được phong cách diễn xuất của cụ Đào. Những điều mấu chốt, cốt lõi trong diễn xuất của cụ được truyền lại đến nay như tiềm nhập vào cách diễn của người nghệ sĩ chúng tôi...” - ông Đình kể.

“Hát bội sẽ sống mãi!”. Câu nói được cất lên từ những lớp trẻ không so hơn tính thiệt về kinh tế để xin vào Nhà hát tuồng Đào Tấn và các đoàn hát bội dân lập ở Bình Định nói lên sức sống của kịch nghệ truyền thống này. Và Bình Định, mảnh đất đã sinh thành nên Đào Tấn, trở thành nơi giữ được hát bội qua triều dâng sóng cuộn của các loại hình giải trí mới.

“Gần 40 năm qua nhà hát tuồng chúng tôi cũng như các đoàn hát bội dân lập ở Bình Định vẫn sống được bằng nghề. Người xem vẫn còn hào hứng với tuồng chính là nhờ tuồng hay, diễn xuất đạt.

Đoàn chúng tôi mới vào diễn hai đêm ở TP.HCM hồi đầu tháng 1-2015. Chúng tôi rất vui là người xem khá đông, có cả người nước ngoài. Người các nơi xa ngày càng biết đến tuồng, biết đến Đào Tấn...” - ông Nguyễn Gia Thiện, phó giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, nói.

Bức trướng tôn vinh Đào Tấn được giáo sư Vũ Khiêu viết ngay bên bàn thờ Đào Tấn - Ảnh: H.V.M.

Chờ một danh vị

Với mong mỏi thiết tha sao cho nhà soạn tuồng Đào Tấn có được danh vị Danh nhân văn hóa thế giới (DNVHTG), nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch đã dày công gom góp nhiều tư liệu về Đào Tấn để hoàn thành tập bản thảo Đào Tấn xứng đáng được xưng tụng là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2010.

“Tui được nghe một số nhà nghiên cứu nói phải làm sao để Đào Tấn được công nhận là DNVHTG đã từ lâu nhưng rồi trông mãi chẳng thấy động tĩnh gì. Để được UNESCO công nhận là một việc làm dài hơi, phải có tài liệu, hồ sơ đầy đủ của ngành chức năng đệ lên chứ đâu đơn giản. Biết vậy nhưng tui cũng mạo muội làm quyển sách này như một sự mở đầu...” - ông Địch nói...

Trong tác phẩm đang chờ in của mình, ông Địch trưng dẫn khá đầy đủ những đánh giá về công trạng, sự nghiệp của Đào Tấn trong việc canh tân, chấn hưng kịch nghệ hát bội VN của nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu qua các hội thảo khoa học về Đào Tấn.

Ông Địch cho rằng việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu DNVHTG cho Đào Tấn có thuận lợi lớn là di sản của Đào Tấn còn lại khá nhiều, từ các kịch phẩm, thi ca, từ khúc cho đến sự tồn tại của các đoàn tuồng “hậu duệ” của Đào Tấn hiện nay.

Đặt ước mong vào danh vị DNVHTG cho Đào Tấn sớm hơn có lẽ là nhà thơ Quách Tấn. Trong bức thư gửi cho người em trai mình là Quách Tạo hiện đang ở Hà Nội được viết ngày 25-2-1987 từ Nha Trang, Quách Tấn dặn dò, nhắc nhở người em ở cuối thư: “Anh em mình phải tham gia công việc làm sao cho Đào Tấn được liệt vào số DNVHTG mà tỉnh Nghĩa Bình đang tiến hành”.

Không rõ ngành chức năng ở tỉnh Nghĩa Bình (cũ) thời ấy đã khởi động ra sao cho việc này như lời Quách Tấn nói trong thư, trên thực tế từ đó đến nay vẫn chưa thấy gì. Và tác giả của thi phẩm nổi tiếng Mùa cổ điển cùng người em Quách Tạo có lẽ cũng chưa làm được gì nhiều cho toan tính này sau đó đều cũng đã sớm ra đi. Trân trọng điều kỳ vọng của cha, trong sách Đào Tấn và hát bội Bình Định - (2007), ông Quách Giao - con trai Quách Tấn, đồng tác giả tác phẩm này - đã cho in bức thư này ở cuối sách.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên