13/10/2021 10:58 GMT+7

Tự đắp thuốc tại nhà gây lở loét, vết thương hút ra cả lít dịch mủ

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Do dịch COVID-19, người đàn ông ở Long An không được nhập viện nên tự dùng lá thuốc đắp tại nhà, gây lở loét toàn bộ vùng lưng, ngực, cổ.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân 61 tuổi, ngụ tỉnh Long An nhập viện trong tình trạng vai phải lở loét nghiêm trọng. Toàn bộ lưng, ngực có tiếng kêu lép bép khi ấn vào, chảy dịch bốc mùi hôi thối.

Người nhà bệnh nhân cho biết 1 tháng trước, bệnh nhân bị ápxe vùng vai phải, đi khám nhiều nơi nhưng do dịch COVID-19 nên không được nhập viện. Sau đó, người bệnh đã tự dùng thuốc đắp vào vai với mong muốn tự chữa lành. Nhưng kết quả gây lở loét, chảy dịch, bốc mùi hôi thối, cơ thể bắt đầu suy kiệt nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm cân mạc hoại tử nặng toàn bộ lưng, 1 phần thành ngực phải, vai phải, cẳng tay phải, nhiễm trùng huyết, đái tháo đường, suy kiệt. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt lọc tháo mủ ngay sau đó, được các bác sĩ hút ra hơn 1 lít mủ màu như sôcôla, rất hôi... 

Hiện tại, sau quá trình điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục khá tốt, hết sốt, tự ăn uống được.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca nhiễm trùng tới bệnh viện trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi xuất hiện những vết lở loét trên cơ thể thì chủ động đi khám sớm, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý đắp lá thuốc tại nhà.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết việc đắp lá thuốc điều trị bệnh không hề đơn giản, không phải loại cây nào trong tự nhiên cũng là thuốc nam và đem lại hiệu quả chữa bệnh.

“Nếu chữa vết thương bằng phương pháp đông y, tuyệt đối phải qua bước thăm khám từ thầy thuốc chuyên môn. Trên lá cây tự nhiên thường tồn tại trứng của ký sinh trùng, vi khuẩn. Việc người dân tự ý sử dụng lá thuốc rất nguy hiểm, nhất là các vết thương hở.

Hậu quả dẫn đến có thể nhiễm trùng, hoại tử vết thương, đặc biệt các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền như dị ứng, đái tháo đường. Trường hợp nặng gây ra biến chứng suy đa tạng có nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Đắp lá cây chữa bệnh, người mất tay, chân, người mất mạng Đắp lá cây chữa bệnh, người mất tay, chân, người mất mạng

TTO - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều ca bị biến chứng do đắp thuốc nam hoặc lá cây không rõ nguồn gốc. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều nặng, phải cắt bỏ một phần chân hoặc tay, có trường hợp tử vong.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên