30/08/2018 10:39 GMT+7

Tự chủ trường phổ thông - hành trình khó khăn

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tương tự như ở bậc ĐH, một số trường phổ thông đang thực hiện tự chủ, nỗ lực thay đổi cách quản trị, dẫn tới chuyển biến về chất lượng. Nhưng khác với ĐH, họ gặp khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Tự chủ trường phổ thông - hành trình khó khăn - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - một trong số ít các trường đang cố gắng thực hiện tự chủ chương trình - Ảnh: VĨNH HÀ

* Bài 1: Chương trình 'đi hàng hai'

Khi nhắc đến tự chủ, nhiều người đều hiểu đơn giản: bị cắt một khoản tiền chi thường xuyên từ ngân sách. Nhưng ở bậc phổ thông, muốn tự chủ, trước hết phải tự chủ về kế hoạch dạy học.

Quá trình này hiện buộc giáo viên phải nỗ lực hết mình nhưng vẫn còn băn khoăn với việc thi cử.

Phải "vượt lên chính mình"

Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã và đang triển khai để hướng tới mốc đầu tiên là tự chủ về kế hoạch dạy học theo những bước đi "chậm nhưng chắc chắn". "Kết thúc mỗi năm học, chúng tôi có ngay kế hoạch xây dựng kế hoạch giáo dục (KHGD) cho năm học mới cho từng bộ môn" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng, cho biết. 

Sáu nguyên tắc đã được đặt ra khi xây dựng một KHGD dựa trên cốt lõi là chương trình giáo dục hiện hành của Bộ GD-ĐT. 

Đó là việc xây dựng phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương; không giảm bớt số giờ và đầu điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT; đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất của mỗi môn học, giữa các môn học và các hoạt động giáo dục; đảm bảo đổi mới phương pháp dạy học đa dạng, các hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đảm bảo đổi mới kiểm tra đánh giá chú trọng đến quá trình học tập của học sinh.

Theo cô Nhiếp, cách triển khai là rà soát nội dung dạy học theo chương trình hiện hành để tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, nội dung trùng lặp giữa các môn học, các lớp, bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay thế các thông tin cũ, lạc hậu trong SGK hiện hành. 

Các ban xây dựng kế hoạch dạy học ở từng môn cũng đề xuất phương pháp, cách tổ chức dạy học đối với các chủ đề, môn học và hoạt động trải nghiệm phục vụ mục tiêu dạy học của bộ môn.

"Trong các ban xây dựng kế hoạch, tôi bố trí cả giáo viên kỳ cựu và giáo viên trẻ. Điều đáng mừng không chỉ là kết quả xây dựng kế hoạch mà ở những thay đổi trong tư duy, cách làm và động lực của mỗi giáo viên. KHGD ban đầu là sự thay đổi cơ học nhưng sau mỗi năm chất lượng ngày càng khẳng định" - cô Nguyễn Thị Nhiếp trao đổi.

Nhìn vào các bản kế hoạch dạy học từng môn học ở Trường THPT Phan Huy Chú, nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Giáo viên đứng lớp hay tổ trưởng bộ môn, ban giám hiệu... thì việc đầu tư chất xám cho việc thiết kế, kiến trúc lại kế hoạch dạy học một cách hợp lý, hiệu quả cũng là khối lượng công việc lớn đòi hỏi tâm huyết và kiên trì. Giáo viên phải "vững vàng" bỏ qua các lớp dạy thêm, chỉ chăm lo cho việc thiết kế chương trình.

Nhưng vẫn còn phải "đi hàng hai"

Nói vui như hiệu trưởng một số trường đã thực hiện tự chủ chương trình thì có nâng mức tự chủ cũng chỉ đạt đến ngưỡng 99% vì vẫn không thể xa rời mục tiêu "thi THPT quốc gia" và chịu một số chỉ đạo khác. Có lẽ đây cũng là đặc thù mà các trường tự chủ phải khéo léo. Bởi thế, tìm sự đồng thuận từ phụ huynh và "đi đúng" là hai yếu tố các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học luôn phải ghi nhớ để không "xé rào".

Yên Hòa là trường công lập truyền thống, nguồn ngân sách cấp cho chi thường xuyên chỉ đủ để duy trì các hoạt động dạy học, không có điều kiện và cơ chế để "tăng lương" cho giáo viên thực hiện đổi mới. Nên theo cô Nguyễn Thị Nhiếp: "Để đổi mới, sáng tạo các hoạt động giáo dục, tôi đề ra các hình thức khen thưởng để ghi nhận công sức, năng lực của giáo viên. Các hình thức "cộng điểm thi đua" công bằng và công khai để đánh giá xếp loại viên chức bước đầu tạo động lực cho giáo viên".

Nhưng khó nhất vẫn là công việc của "tổng công trình sư". Cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, chia sẻ: "KHGD của nhà trường đáp ứng đa mục tiêu: đáp ứng yêu cầu của phụ huynh và đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa học sinh, phát huy tối đa những khả năng và sở thích của cá nhân mỗi học sinh. Vì vậy, chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên những nguyên tắc đảm bảo chương trình giáo dục hiện hành, còn có những chuyên đề dạy học dự án, dạy học trải nghiệm liên môn, đơn môn, những chuyên đề tự chọn cho học sinh.

Tại Trường Phan Huy Chú, mỗi ngày có 2/9 tiết học sinh được tự chọn, có thể theo định hướng nghề nghiệp, môn học, hoạt động theo sự yêu thích. "Khi xếp thời khóa biểu tự chọn, đồng nghĩa với việc xếp thời khóa biểu cho 1.000 học sinh, tương ứng khoảng 4.000 nguyện vọng khác nhau" - cô Thành cho biết.

Và với cách tỉ mỉ xếp thời khóa biểu cho 4.000 học sinh, Trường Phan Huy Chú cũng phải chú ý đến nhu cầu "thi ĐH", đến những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia. Theo chia sẻ của một hiệu trưởng trường công lập chưa thực hiện tự chủ thì cái khó mà những trường tự chủ thực hiện là vừa phải hướng tới những mục tiêu thực chất hơn trong giáo dục, nhưng đồng thời vẫn phải thỏa mãn tâm lý "học gì thi nấy". 

Đây là hai vế tưởng rất mâu thuẫn, nhưng buộc các trường phải hòa trộn lại. Khó khăn này cũng là nỗi sợ của nhiều trường công khi đứng trước việc nên hay không đi theo hướng mà các trường tự chủ đã làm.

Cô Lê Thu, một giáo viên, cho biết môn lịch sử của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cũng đã đổi mới rất nhiều với cách tổ chức dạy học đa dạng, trong đó có những chuyên đề liên môn cho học sinh hoạt động, học tại bảo tàng, học tại di tích lịch sử, văn hóa... 

Và đề kiểm tra cũng có những phần câu hỏi mở để học sinh có hứng thú tìm hiểu lịch sử. Nhưng việc kiểm tra cũng là vấn đề khiến tổ bộ môn phải bàn bạc, thảo luận vì động chạm đến thi cử. Vì thế vẫn phải "đi hàng hai" trong các thiết kế bài giảng và kiểm tra đánh giá.

Tự chủ bị "lãng quên"?

Đã hơn 5 năm trôi qua sau hướng dẫn 791/HD-BGDĐT của Bộ GD-ĐT nhưng những trường thực hiện được việc tự chủ KHGD không nhiều. Đáng nói, các trường thành công hầu hết là các trường tư thục, trường công lập tự chủ chất lượng cao...

Hệ thống trường công lập luôn mang lại niềm tin cho xã hội về một độ an toàn nhất định trong mọi mặt, nhưng cùng với đó cũng là sự trì trệ, ỷ lại, thói quen được "cầm tay, chỉ việc", không có bản lĩnh để bứt phá, thay đổi. Và đây là cản trở lớn nhất cho sự đổi mới nói chung và cho việc triển khai chủ động về KHGD.

Gần đây, việc tự chủ này còn lụi dần vì những chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT không đủ sức nặng để bẩy cỗ máy trì trệ ở hệ thống công lập.

Nhiều trường trung học, mầm non đòi tăng quyền tự chủ Nhiều trường trung học, mầm non đòi tăng quyền tự chủ

TTO - Nhiều trường trung học phổ thông, mầm non công lập kiến nghị cần tăng thêm quyền tự chủ để phát huy chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh, góp phần dân chủ hóa các hoạt động giáo dục.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên