05/08/2022 10:25 GMT+7

Tự chủ đại học: Để gánh nặng tài chính không 'đè' người học

VĨNH HÀ - NGUYÊN BẢO
VĨNH HÀ - NGUYÊN BẢO

TTO - Vấn đề tài chính là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, và cũng là vấn đề đau đầu nhất của các trường ĐH Việt Nam trên lộ trình tự chủ.

Tự chủ đại học: Để gánh nặng tài chính không đè người học - Ảnh 1.

GS.TS Trần Diệp Tuấn - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM - phát biểu tại Hội nghị tự chủ ĐH 2022 - Ảnh: THẾ SẢY

Hội nghị do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức ngày 4-8, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng guyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Tự chủ ĐH là con đường một chiều không thể quay lại được, chỉ có thể tiến thôi. Phải vượt qua khó khăn, không được lùi, vượt qua chính mình. Con đường tự chủ ĐH rất dài, Việt Nam mới chỉ đi được một chút thôi, đường dài thì phải đi cùng nhau.

Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Nguồn thu từ học phí chiếm 70 - 80%

Ông Nguyễn Hoàng, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho rằng trước khi thực hiện tự chủ, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất của các cơ sở ĐH công lập. Mức độ tự chủ gia tăng đồng nghĩa với việc nguồn từ ngân sách giảm dần. Lúc này, nguồn thu của cơ sở ĐH chiếm tỉ trọng lớn khoảng 70 - 80% tổng thu.

Ông Hoàng dẫn giải một nghiên cứu cho thấy nguồn thu của các trường từ ngân sách từ 25,5 - 28,7% (năm 2015) xuống chỉ còn từ 2,6 - 6,1% (hiện nay); trong khi đó, nguồn thu từ học phí, lệ phí tăng lên đáng kể, từ 53,5 - 59,7% lên mức 69 - 75,5%. Nguồn thu từ hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các dịch vụ khác tăng không đáng kể.

Ông Hoàng cho rằng nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Đây là hệ lụy được nhìn thấy rõ khi nó tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH giữa người dân có thu nhập khác nhau.

Đại diện của Trường ĐH Sài Gòn cũng cho rằng khi thực hiện tự chủ, nguồn thu của các trường chủ yếu là học phí và nó được quyết định bởi 2 yếu tố: chỉ tiêu đào tạo và mức thu.

"Chính sách học phí hiện nay quy định khung thu dựa vào mức sống của dân cư ở từng vùng. Nguyên tắc này đảm bảo tốt chính sách xã hội nhưng lại mâu thuẫn về cân đối trong thu để bù đắp chi phí đào tạo. 

Thu phải dựa trên cơ sở cân đối để bù đắp chi phí đào tạo thì mới hợp lý, chứ không phải dựa trên mức sống dân cư. Mục tiêu chính sách xã hội và mục tiêu thu học phí về cơ bản là không thống nhất, do vậy đã làm yếu đi quyền định đoạt thu của cơ sở đào tạo" - đại diện trường này phát biểu.

Cần cơ chế cởi mở để "mở rộng nguồn thu"

"Tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH nhưng đổi mới phân bổ ngân sách theo hướng chi theo "đặt hàng" trường ĐH để triển khai các chương trình, đề án nghiên cứu khoa học, thúc đẩy chất lượng có tác động đến toàn hệ thống và có chính sách chi trực tiếp vào người học" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh việc này khi trình bày báo cáo của bộ về vấn đề tự chủ tại hội nghị.

Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà quản lý chia sẻ trong và bên lề hội nghị này. Đại diện Trường ĐH Sài Gòn cho rằng việc hỗ trợ ngân sách nhà nước theo người học cần thực hiện công bằng, không phân biệt người học ở trường công hay tư. 

Giải pháp này trước hết để tạo ra sự công bằng trong trách nhiệm chi trả của Nhà nước đối với việc sử dụng sản phẩm, sau đó là giúp các trường ngoài công lập có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn.

Để san bớt gánh nặng dồn vào người học, đại diện nhiều trường ĐH tại hội nghị cũng kiến nghị, gợi ý những giải pháp tháo gỡ vướng mắc. "Về cơ chế kiểm soát nguồn ngân sách tài trợ, Nhà nước cần xây dựng khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho sự chi tiêu và giải ngân linh hoạt, cho phép điều chuyển ngân sách hợp lý và sự tự quyết định về đa dạng nguồn thu nhập để tăng khả năng ứng phó nhờ sử dụng nguồn lực sáng tạo của một trường ĐH" - ông Nguyễn Hoàng đề nghị.

TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Pháp luật cần hoàn thiện

Luật giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung (Luật 34) có hiệu lực từ tháng 7-2019, trong đó khoản 4 điều 8 của luật quy định: "Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐH Quốc gia".

Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định quy định về ĐH Quốc gia, nên các ĐH quốc gia và đơn vị thành viên vẫn đang áp dụng nghị định cũ. Việc chậm ban hành nghị định về ĐH Quốc gia và quy chế tổ chức, hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục thành viên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện tự chủ ĐH tại hai ĐH quốc gia, cũng như việc thực hiện "tự chủ" ở các trường thành viên chưa đáp ứng tinh thần của luật mới. Do vậy, cần sớm ban hành nghị định và quy chế hoạt động của ĐH Quốc gia.

GS.TS Phạm Hồng Quang (chủ tịch hội đồng trường, ĐH Thái Nguyên):

Tạo sức bật cho các trường ĐH

Cần tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục ĐH nhất là các lĩnh vực trọng điểm, ngành đào tạo khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học mũi nhọn. Về đào tạo, với thẩm quyền mở ngành của các trường hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo cần có quy hoạch ngành để cân bằng giữa ngành nhà nước đặt hàng và doanh nghiệp hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo với các trường mạnh và dẫn dắt.

Về khoa học công nghệ, đầu tư trọng điểm đối với các trường có tiềm lực mạnh để tạo đột phá, tránh dàn trải từ những đề xuất nhỏ lẻ; nên đầu tư nguồn khoa học công nghệ trọn gói, đặt hàng cho các trường ĐH lớn theo hướng vun cao, "chụm lửa" tạo sức bật về khoa học công nghệ.

Về nhân lực viên chức các trường ĐH, cần giải quyết mâu thuẫn giữa chỉ tiêu biên chế cứng với hợp đồng chuyên môn; quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý trong trường ĐH; quy định về quy hoạch và tiêu chuẩn chính trị…

Về hạ tầng trường ĐH, cần quy hoạch tổng thể theo hướng thiết chế trường ĐH thông minh, xanh, môi trường bền vững với cộng đồng từ quy hoạch đất đến mở rộng môi trường thực hành, nghiên cứu cùng với doanh nghiệp. Điều quan trọng là sự đồng bộ của các chính sách từ bộ chủ quản và các bộ: Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Nội vụ, chính quyền địa phương.

TRẦN HUỲNH ghi

Tự chủ không có nghĩa là tăng học phí quá nhiều

PHU HUYNH

Học phí luôn là một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ. Trong ảnh: phụ huynh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH năm 2022 - Ảnh: DANH TRỌNG

Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho rằng tài chính và quản trị là hai vấn đề quan trọng của tự chủ ĐH. Đảm bảo tài chính luôn là một trong những công việc trọng tâm của các trường ĐH.

Tuy nhiên, việc quá nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu? Chưa có một nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình "tự túc".

Dù thu từ các nguồn nào thì một trong các yếu tố để đảm bảo chất lượng là chi phí đào tạo/sinh viên (định mức kinh tế kỹ thuật) phải đủ lớn. Hiện nay, mức chi phí trung bình đào tạo ĐH ở Việt Nam là khoảng 1.000 đôla Mỹ/năm/sinh viên. Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên từ nhiều nguồn để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ có thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách:

1. Thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay; 2. Tăng tỉ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỉ trọng sinh viên trường công; 3. Tín dụng. Cách 1 không thể tăng học phí quá nhiều nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách 2, giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% (chẳng hạn mỗi năm giảm 3-5% chỉ tiêu trường công). Cách 3 cần có giải pháp và bước đi phù hợp, vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên.

Trước mắt, đề nghị Chính phủ xem xét các cơ sở giáo dục ĐH như một dạng cơ sở sự nghiệp công lập đặc thù, không gắn việc tự chủ của trường với mức độ tự chủ tài chính. Với trường tư, việc hưởng ưu đãi xã hội hóa về thuế và đất nên là mặc định khi là trường ĐH, không gắn việc ưu đãi với việc phải đáp ứng các tiêu chí tiêu chuẩn như hiện nay.

Về quản trị, hiện nay có không ít rào cản. Hành lang pháp lý trong cơ chế tự chủ ĐH dù đã từng bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giao việc tự quyết về tuyển sinh, mở ngành, liên kết cho các trường nhưng vẫn vướng một bất cập cơ bản, đó là yêu cầu "chất lượng đi trước".

Trong các quy định về mở ngành và đăng ký chỉ tiêu đào tạo ĐH hiện nay đều quy định phải có trước cơ sở vật chất và lực lượng giảng viên. Trường phải chuẩn bị trước tất cả những gì cần thiết để chuẩn bị tuyển sinh như đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị đủ từ ngày 31-12 năm trước để đưa vào đề án tuyển sinh, mặc dù còn 9 -10 tháng nữa mới bắt đầu năm học mới.

Điều này gây tốn kém khi phải chi phí cho lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất chưa dùng tới, cuối cùng thì các chi phí lãng phí này cũng tính hết vào học phí của người học. Đề nghị thay đổi các chính sách "chất lượng đi trước" bằng chính sách "chất lượng trong quá trình".

Một bất cập nữa là điều kiện để được tự chủ. Theo quy định hiện nay, trường ĐH khi có vi phạm là mất quyền tự chủ một số hoạt động trong 5 năm. Thời gian 5 năm là một nhiệm kỳ của hiệu trưởng.

Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại điều này, điều chỉnh thời hạn phạt tương ứng với thời hiệu vi phạm hành chính (1 năm). Cũng cần sửa đổi các quy định để thực hiện quy tắc mỗi hành vi vi phạm chỉ xử phạt một lần - không vừa xử phạt hành chính theo nghị định của Chính phủ vừa hạn chế tự chủ hoặc không được hưởng các chính sách ưu đãi xã hội hóa theo các quy định khác.

Tự chủ giáo dục ĐH cần mang lại lợi ích cho cả 3 đối tượng - người học, các trường ĐH và cơ quan quản lý nhà nước - và bao trùm lên là lợi ích xã hội. Khi đánh giá tự chủ ĐH cần quan tâm đến cả 3 đối tượng này, không để tình trạng với người học là đóng học phí nhiều hơn, với cơ quan quản lý nhà nước thì dường như tự chủ ĐH là mất quyền kiểm soát, còn với trường ĐH thì tự chủ dường như là phải tự túc.

MINH GIẢNG ghi

Thực hiện tự chủ đại học: 32,7% trường tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư Thực hiện tự chủ đại học: 32,7% trường tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư

TTO - Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo tại hội nghị về tự chủ đại học năm 2022 ngày 4-8, tới nay có 32,7% trường đại học tư đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,7% trường đảm bảo chi thường xuyên.

VĨNH HÀ - NGUYÊN BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên