Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường - Ảnh: HỒNG QUÂN
Hội thảo quốc tế tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN diễn ra tại Hà Nội ngày 18-11.
Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết cộng đồng ASEAN có dân số đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Với 45 triệu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% dân số ASEAN, đến 2050 con số này sẽ tăng lên 132 triệu người (chiếm 16,7%).
Các quốc gia đang già hóa dân số như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia sẽ trở thành các nước "siêu già" vào năm 2050.
Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ 2011, nhưng tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên là 7,4 triệu người cao tuổi (chiếm 7%) và có hơn 2 triệu người trên 80 tuổi.
TS. Naomi cho biết chỉ có khoảng 20% người cao tuổi có lương hưu, nhiều người sống chật vật, cùng cực ngày qua ngày - Ảnh: HỒNG QUÂN
TS. Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, chia sẻ già hóa dân số xảy ra không phải vì tỉ lệ tử vong giảm hay vì con người sống lâu hơn, mà phần lớn là do mức sinh giảm.
Các quốc gia trên thế giới phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề dân số với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.
Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng, nêu bật tính dễ bị tổn thương cũng như những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi. Tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi trên 80 cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu trong dịch COVID-19.
Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 của cộng đồng ASEAN nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
"Đã đến lúc thay đổi mục tiêu chỉ hỗ trợ cuộc sống người cao tuổi sang hỗ trợ họ đóng góp cho xã hội, đất nước" - TS. Naomi nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nếu các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%) như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)... Việt Nam sẽ chỉ mất 20 năm. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% tổng dân số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận