06/10/2019 13:43 GMT+7

Truyện ngắn: Ba ngày ở viện

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
VŨ THỊ HUYỀN TRANG

TTO - Ly dắt theo đứa con gái hơn ba tuổi vào viện, leo đủ bốn tầng cầu thang là cảm thấy kiệt sức. Thứ bảy, bệnh viện vắng hoe, chỉ khoa nội trú là đông đúc.

Truyện ngắn: Ba ngày ở viện - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Bác sĩ trực đang vật lộn với đống giấy tờ, quay lại hỏi Ly: Bạn này khám gì? Có ăn gì lạ không mà đau bụng? Đau từ bao giờ? Sáng giờ nôn mấy lần rồi? Thai bao nhiêu tuần rồi? 32 tuần à? Có cơn co không? Có à, vậy thì nhập viện. Ly bước vào phòng đo tim thai, ngước ra cửa thấy bé Mi ngấp nghé nhìn vào. Sau khi thăm khám, bác sĩ nói lạnh tanh:

- Nhập viện. Nghi rối loạn tiêu hóa nhưng đau bụng nhiều, có cơn co ảnh hưởng đến thai nhi.

- Em điều trị ngoại trú được không? Vì còn con nhỏ không ai trông. Chồng đi vắng, ông bà hai bên lại ở xa.

- Mặt xanh mét thế kia, lại miệng nôn trôn tháo mà còn chần chừ. Thuê phòng yêu cầu cho cả con vào theo. Nếu quyết về nhà mà có chuyện gì xảy ra bệnh viện không chịu trách nhiệm.

Ly đi mượn đồ, lếch thếch dắt theo con về buồng bệnh. Buồng có hai giường, đủ một lối đi chung, có điều hòa và nhà vệ sinh khép kín với mức giá 250 nghìn một ngày. Tiếc tiền lắm nhưng Ly không muốn con gái khổ. 

Nắng nóng 38-39 độ C mà nằm chen chúc một phòng năm, sáu giường bệnh lại không có điều hòa thì con chịu làm sao nổi. Đấy là chưa kể đang mùa sốt xuất huyết, lây chéo bệnh thì càng thêm khổ. Thôi thì chịu khó tốn kém vậy, làm lụng vất vả cả đời tiếc gì vài ngày ốm đau. 

Ly tự an ủi thế cho đến khi bác sĩ mở cửa phòng 305 bảo "vào đi". Hai giường đều có người nằm. Dưới đất kê thêm một giường gấp, trải một chiếc chiếu là vừa khít lối đi. Còn chưa biết đặt chân vào chỗ nào thì nghe bác sĩ bảo: "Nhà này trả giường cho người ta nhé. Ăn uống, ngủ nghỉ gọn gàng vào. Gì mà như cái chợ thế này". Từng ấy đôi mắt đổ dồn về phía mẹ con Ly với ánh nhìn dửng dưng pha lẫn bực dọc hiện rõ trên khuôn mặt. Cứ như thể mẹ con Ly đã chiếm mất chỗ nằm của họ.

Ly nhìn quanh thấy giường mình nằm quả là bất tiện. Cửa kính trắng, rèm gỗ, nắng hắt vào bỏng rát. Điều hòa lắp ngay bức tường giáp giường mẹ con Ly nằm. Có bao nhiêu hơi mát tỏa hết về phía giường đối diện. Chiếc quạt trần chạy ở mức thấp nhất, lờ đờ. Mồ hôi trên người bé Mi chảy đầm đìa. Ly lấy gối chăn che bớt ánh nắng hắt vào từ cửa sổ, tính chạy ra bật quạt cho tăng số để con đỡ nóng thì có người cản lại:

- Phòng trẻ sơ sinh mà. Chị bật quạt to bé sẽ bị ngạt hơi.

- Nhưng con gái tôi nóng quá. Mà giường bên này thì nắng. Dưới đất cũng chật thế này cháu biết nằm đâu.

Họ không nói gì. Ly nhìn đứa trẻ con còn đỏ hỏn cũng không nỡ hơn thua. Lấy quyển sổ khám bệnh quạt cho con ngủ, Ly ấm ức vì mất tiền nằm phòng yêu cầu mà chịu cực. Đi xin đổi phòng thì bác sĩ nói "còn đang quá tải". 

Cơn đau bụng quằn quại, Ly chạy vào phòng vệ sinh. Nhưng sộc vào mũi Ly là thứ mùi hôi thối không thể tả. Nhìn vào trong bồn cầu, thiếu chút nữa thì Ly hét toáng lên. Ai đó đi đại tiện đã không xả nước. Thùng rác đầy ứ kênh cả nắp, giấy vệ sinh vương vãi trên sàn. "Lũ mọi rợ này", Ly lẩm bẩm trong mồm. Lúc quay vào Ly chỉ nhắc khẽ:

- Nhà vệ sinh phòng mình bẩn quá.

- Sáng mai có người tới dọn.

- Từ giờ đến sáng mai còn bao nhiêu tiếng nữa. Mọi người đi vệ sinh nhớ sạch sẽ. Mình bày ra thì mình ngửi.

Ly thấy gáy mình bỏng rát như găm vào cả chục cái lườm. Ngày thứ nhất trôi qua.

Ngày thứ hai, Ly thấy mình đuối sức vì cả đêm không ngủ được chút nào. Hễ nhắm mắt là tiếng trẻ con lại gào khóc bên tai. 

Tiếng người lớn thét nhau đi pha sữa, thay bỉm. 

Họ bực dọc nhau chuyện cơm bệnh viện không nuốt nổi. 

Họ gằn hắt nhau chuyện không biết cho con bú. Họ than thở chuyện lâu không được tắm. 

Họ không để cho mẹ con Ly yên ổn một lúc nào. Những cơn đau bụng vẫn chưa chịu giảm, Ly cần nhà vệ sinh hơn ai hết nhưng lúc nào cũng thấy có người trong đó. Cực chẳng đã cô đành phải ôm bụng chạy dọc hành lang tìm nhà vệ sinh chung. 

Đứa con gái nhỏ ngồi co lại một góc giường nhìn những người xung quanh lấn chiếm dần "lãnh địa" của mình. Từ tủ để đồ, bàn uống nước đến lối đi lại trong phòng đều chật kín. Người nhà sản phụ còn dắt theo con nhỏ ngủ lại qua đêm. Mà lũ trẻ thì đâu phải đứa nào cũng nhút nhát lành hiền như bé Mi. Chúng tự tiện lấy sữa và bánh kẹo mà Ly để trên bàn cho con. Chúng quậy phá khắp phòng mặc ánh nhìn bực bội của Ly.

Hai giờ sáng ngày thứ ba, bé Mi tự nhiên lên cơn sốt. Sau nhiều ngày đau mệt, Ly đã ngủ thiếp đi cho đến khi thấy có ai đó lay mình dậy. "Người con bé nóng ran. Nằm mê man ú ớ. Nó sốt rồi". Ly ngồi bật dậy sờ trán con bỏng đốt. "Phải đi kêu bác sĩ ngay thôi". Chồng sản phụ giường bên vừa nói xong đã ào ra cửa. Có ai đó giặt khăn đắp lên trán con bé. Ai đó dúi cho Ly cái cặp nhiệt độ. Ai đó trấn an "đừng lo, mình đang ở bệnh viện cơ mà". 

Ly lau xong người con vừa kịp lúc bác sĩ trực đêm bước vào phòng. "Con sốt hơn 39 độ rồi. Cho con uống hạ sốt rồi theo dõi tiếp". Bé Mi vốn rất sợ thuốc nên nhất định không chịu uống. Ly dỗ dành thế nào con cũng chẳng chịu nghe. Phải đến khi được dúi vào tay con búp bê màu hồng mới gật đầu uống thuốc. 

Mấy đứa nhỏ dụi mắt tỉnh khỏi cơn ngái ngủ xúm lại chỗ Mi rủ chơi búp bê, tập làm bác sĩ. Ly ngồi dựa thành giường, nhìn lũ trẻ cười mà tự nhiên thấy lòng dịu lại. Thấy căn phòng rộng ra. Thấy những người xung quanh không còn đáng ghét.

Cơn sốt của con đã hạ dần, lũ trẻ được nhắc nhở đã chịu đi ngủ lại. Ly kéo tấm rèm cửa chờ bình minh mọc. Các bác sĩ nói nếu không còn đau bụng thì chiều nay mẹ con Ly ra viện...

Truyện ngắn: Nơi chốn chúng ta đang sống Truyện ngắn: Nơi chốn chúng ta đang sống

TTO - Căn nhà bỗng rung lắc dữ dội. Em thò đầu ra khỏi mền, hỏii: "Động đất?". Anh nói: "Có lẽ vậy". Vài vật dụng trong nhà như ly, chén, hộp bút và cả chiếc máy cassette trên tủ, kệ... rơi tá lả trên sàn nhà.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên