14/01/2018 12:40 GMT+7

Truyện ngắn 1.200: Thợ may và giáo viên

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

TTO - Có những điều mọn mằn khiến người ta phải suy nghĩ. Ai bảo chuyện may vá không đáng để người ta sống chết?

Truyện ngắn 1.200: Thợ may và giáo viên - Ảnh 1.

Minh họa: TRẦN NGỌC SINH

Nhà có năm người con, hết bốn thợ may, mỗi tôi là cô giáo.

Đầu tiên là chị Hai. Cái thời đường sá nhão nhoẹt, vừa đạp vừa dắt chiếc xe vượt 25km để học cấp ba nhưng đến khi đậu Cao đẳng Sư phạm Nha Trang thì không nhập học được, bởi ba tôi là lính miền Nam. Chị nhìn ba, nước mắt lưng tròng. Khóc đã đời rồi cuộn áo quần đi học may.

Anh Ba là con trai duy nhứt trong nhà. Học cũng tầm trung bình khá. Ảnh hiền, hay nghịch chứ không đến nỗi bợm bãi đánh đấm. Một hôm, ngồi trong lớp mà mồm như tép nhảy nên bị thầy giáo đuổi ra, hổng im lặng đi ra mà tự dưng nói thêm: đuổi thì ra. 

Vậy là bỏ học ngang hông chứ không dám vác mặt tới trường nữa. Mẹ biểu ba khuyên giải cho ảnh học lại nhưng ba bảo có học cũng tới 12 thôi chứ đâu thể làm thầy... Giọng ba mềm như sắp khóc. Bỏ học năm lớp bảy, chơi ớn rồi thì anh khăn gói ra phố học may.

Chị Bốn, chị Năm sinh đôi nên giống nhau như hai giọt nước. Giỏi tiểu học và khá ở cấp THCS nhưng thi tuyển lên lớp mười thì rớt. Đúng là học tài thi phận. Nhà nghèo. Mẹ làm nông, ba sau giải phóng đi cải tạo rồi ở nhà coi tivi chăn con bò nên chẳng thể xoay xở học phí bán công cho hai chị. Hai người khóc đỏ hoe con mắt, ôm bằng lớp chín đi học may. Mẹ càm ràm: "Con sãi ở chùa thì quét lá đa".

Trong mấy chị em, tôi học giỏi nhất. Cái thời tôi thì ký giấy nhập học dễ òm. Đậu đại học báo chí nhưng mẹ bảo đi cao đẳng sư phạm cho gần nhà, học phí được miễn. Vậy là trở thành cô giáo dạy văn cấp hai.

Ba dồn bốn thợ may vào cái ô gạch trước cửa nhà có treo bảng "Nhận may âu phục nam, nữ".

Nhà nông nghèo, tết nhứt, tựu trường họ mới cầm xấp vải đi may. Ế ẩm quá, mấy chị vừa may vừa nhận hạt điều về bóc vỏ. Thu nhập chẳng bù được tiền học nghề và mua bàn máy. Vậy là mấy chị lần lượt bỏ nghề. Tiệm còn mỗi anh.

Anh Ba khéo tay, may đẹp, mấy ông vác cái bụng lặc lè, đi may khắp nơi nhưng về tiệm anh là cứ chậc chậc, từ nhỏ đến giờ mới có cái quần ưng ý. Chắc là nói quá rồi, chứ may đẹp cỡ đấy mà thu nhập cũng chỉ đủ để đổ xăng chiếc cánh én và dắt bạn gái đi ăn chè.

Làm không đủ nuôi miệng, anh vừa làm thợ may vừa làm thợ hồ.

3 Tôi học xong, lén mẹ đi nộp hồ sơ trên núi và nghiễm nhiên trở thành cô giáo vùng cao. Lên núi dạy với ý niệm đi cống hiến tuổi trẻ vài năm rồi về ai dè yêu một chàng trai nơi đất khách, vậy là lên xe hoa, xây nhà, sinh con.

Đùng một cái chồng đâm đơn ly hôn. Thương con nhỏ chơ vơ nơi đất khách, tôi ôm con về với mẹ và đi ký đơn xin chuyển trường. Ai cũng hỏi có quen biết không mà xin về. Dạ, không. Không quen thì hơi khó...

Đúng là khó thiệt. Năm nào cũng nộp hồ sơ, chờ đỏ mắt mà không thấy hồi âm. Có người từng cảnh báo, người ta chủ yếu dòm cái tên trên hồ sơ xem có quen hay không chứ lý do xin chuyển trường hổng ai rảnh đọc nên đừng viết dài dòng. Chuyện thiệt như... bịa.

Vậy là tôi hằng ngày đón xe buýt đi dạy.

Đi xe buýt, thời gian chờ xe lâu hơn thời gian dạy. Mỗi ngày hết năm mươi ngàn tiền xe. Dạy một buổi cũng ngót nghét hết một ngày đi - về. Con trai học lớp ba đã biết nấu cơm, kho trứng, giặt đồ... 

Trường có giáo viên văn đi học thạc sĩ, tôi choàng gánh, có ngày dạy chín tiết, bước xuống xe buýt thì trời đã tối đen, chân bước mà nước mắt chảy, về nhà hết nhai nổi cơm. Đi dạy hai tháng phải bóp lưng quần hai lần. 

Anh Ba hỏi sao sút nhanh dữ, đi dạy xa khổ quá hở thì im lặng cười mếu máo. Kết quả xin chuyển trường sao rồi? Không có dấu hiệu khả quan. Sao thấy lên tivi lên báo miết, kêu cô giáo nghèo dạy giỏi, nặng lòng với học trò nghèo. Dạ, nhưng báo với tivi đâu thể chuyển công tác cho mình.

Thời buổi của công nghiệp may mặc, tiệm may của anh những ngày cuối năm chỉ còn những vị khách bụng phệ nệ, lưng còm, chân cong... và một vài người trẻ cầm đồ mua sẵn tới cắt lai, chít eo. Tôi lại đem quần sang bóp lưng, anh hỏi:

- Mấy năm ở ké rồi, mẹ con tính chừng nào xây nhà?

- Chừng nào em vay mượn đủ mới tính.

- Dạy mười lăm năm mà lương tháng nào phủi lủm tháng đó, tiêu gì mà dữ?

- Lương em có sáu triệu hơn. Đi dạy xe buýt, tiền điện tiền nước, tiền học cho con, tiền chợ búa...

- Nhưng dạy trên núi mà?

- Chỗ đó được hưởng chế độ của xã đồng bằng.

- Hay bỏ nghề đi bán vé số Sài Gòn như con Tư, ngày được bốn năm trăm - anh nói mà giọng điệu không chút đùa.

- Không được cầm phấn, em sẽ buồn đến chết...

- Hay mẹ con mày chịu khó ở trong cái tiệm này. Tao sắp đóng cửa rồi!

- Sao vậy?

- Có khách đâu mà may.

Anh buồn xo nói tiếp:

- Tay không được cầm kéo, buồn...

***

Có những điều mọn mằn khiến người ta phải suy nghĩ. Ai bảo chuyện may vá không đáng để người ta sống chết? Đừng có nghĩ mình quý giá - nghĩ về anh, về nghề may, tôi tự nói với mình như vậy.

Truyện ngắn 1.200 chữ: Những món nợ chưa trả Truyện ngắn 1.200 chữ: Những món nợ chưa trả Truyện ngắn 1.200 chữ: Ông già bolero Truyện ngắn 1.200 chữ: Ông già bolero Truyện ngắn 1.200 chữ: Đu đủ chín rồi, con gái ơi Truyện ngắn 1.200 chữ: Đu đủ chín rồi, con gái ơi
     
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên