Thằng con tôi đóng sầm cửa lại, càu nhàu: "Ông già hát cải lương".
Tôi đang ngồi ở bàn, rà soát lại danh sách mà vợ dặn ship(*) hàng. Hàng đã được bỏ sẵn trong túi, một cân lạp xưởng, một chân giò rút xương và một chai rượu nho. Hơi lỉnh kỉnh. Tôi hình dung cảnh kẹt xe buổi chiều. Những con đường phải chạy qua.
"Không phải cải lương, đó là bolero", tôi ngước lên nói với thằng con, thấy buồn cười với cái mặt cau có của nó. Với nó, những bản nhạc trữ tình tôi thường nghe đều là cải lương hết.
Cùng lúc đó, qua khung kính, tôi thấy một ông già đi chậm qua, đầu ông để trần, chiếc micro đặt ngay trước miệng, hình như nó được quấn bằng sợi dây điện tròng quanh cổ ông. Tay ông rải trên các phím đàn. Và, giọng ca, một giọng ca bất giác làm tôi nổi da gà.
"Ông già ca bolero hay quá", tôi nói.
"Sao ổng hát ngoài đường vậy?", thằng con tôi hỏi. Nó chưa từng thấy một người hát dạo. Lâu rồi tôi cũng không thấy một người hát dạo xin tiền hay bán vé số. Tôi nói: "Mở cửa đi con". Thằng nhỏ ngần ngừ một chặp mới chịu mở cửa. Lúc này, tiếng hát của ông già chỉ còn nghe vẳng lại.
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn...
Tôi đứng lên, nhét tờ giấy ghi thông tin khách hàng vào túi áo, rồi dắt xe ra.
"Con đói bụng thì ăn cơm trước, không thì chờ mẹ về ăn cùng", tôi dặn thằng con, "Lát, nếu ông già bolero quay lại, con mở cửa cho ông ấy ít tiền, con còn tiền chứ?".
"Hên xui", thằng nhỏ nói. Cái thằng, mười bốn tuổi rồi mà ngó như đứa con nít.
Mời phụ huynh lên đây!
Nó thường hát câu ấy, khi tai đeo headphone, ngồi cà nhún cà nhún trên chiếc ghế xoay, rồi bất ngờ hét.
Mày chẳng bằng con người ta
Tao ước không sinh mày ra...
***
"Ổng không quay lại".
Thằng con nói khi chúng tôi chuẩn bị ngủ. Tôi thẫn ra vài giây mới hiểu nó đang nói gì. Tôi đã quên mất ông già bolero. Chắc ổng đi vào xóm rồi thẳng ra đường lớn.
Thường là có một người đồng hành. Một chiếc xe máy chực sẵn. Chở thẳng về nhà trọ, nấu nồi mì tôm xì xụp húp, hoặc tạt qua chỗ hủ tiếu gõ làm một tô nhiều bánh với giá trụng. Hoặc vui vẻ ngồi hầu một băng nhậu ngoài bờ kè. Cho một rau(**) nữa. Quất bản nữa đi ông già.
Tôi ở miền xa
Trời quen đất lạ
Nhiều đông lắm hạ...
Tôi mệt, lơ mơ ngủ. Chiều nay có một khách hàng nói sẽ chuyển tiền qua tài khoản vì không sẵn tiền mặt. Vợ tôi rất bực mình.
"Sao ba thích nhạc bolero?", thằng con tôi hỏi, giọng tỉnh như sáo. Tôi nói trong khi vẫn nhắm mắt. "Cũng không hẳn là thích. Nhưng hồi nhỏ ba hay nghe nhạc này. Nghe hoài thành quen. Như con quen nghe nhạc chế. Mọi sở thích bắt nguồn từ thói quen".
"Nhưng con không thích ba đi ship hàng", nó nói.
"Sao vậy?", tôi hỏi. Thằng nhỏ không trả lời. Tôi nói:
"Ship hàng có gì xấu. Công việc của ba khó khăn, ba phải làm thêm mới đủ chi tiêu".
"Nhưng con thấy ba thằng...".
"Ê, không được so sánh với người ta, nha. Con đã ban luật vậy còn gì".
Tôi cắt ngang. Thằng con im, rồi tôi nghe nó thở đều đều.
***
Buổi chiều cuối năm. Tôi đang đứng ngoài hè hút điếu thuốc thì thấy ông già bolero ngang qua. Lúc này ông không hát cũng chẳng đàn. Ông bước chậm chạp, khi đến trước cổng nhà tôi, ông dừng lại. Ông bị đau chân. Chỉ chờ có thế, tôi mời ông vào nhà.
Ông già bỏ hai cái túi mà tôi đoán là âmply với bình ắcquy ngoài hè, rồi bước vô nhà, trên cổ vẫn tròng sợi dây điện có cột chiếc micro. Tôi chế một bình trà già rồi gợi chuyện.
Qua câu chuyện tôi biết ông không phải là người hát rong xin ăn. Ông có đứa cháu gái chừng tuổi thằng con tôi bỏ nhà đi bụi, cha mẹ cháu tìm khắp nơi, nhờ cả các cơ quan chức năng nhưng không ăn thua. Nó không muốn về nhà.
Ban đầu ông đạp xe lân la tìm cháu. Rồi sau ông làm người hát bolero.
"Con bé nó ưa nhạc bolero lắm, vì hồi nhỏ tui ru nó toàn bằng bolero", ông già nói.
Mỗi khi hát bolero, ông đưa mắt tìm đứa cháu, nhưng chẳng có đứa trẻ nào bu lại nghe bolero. Thấy ông hát bolero, người ta tưởng ông ăn xin nên cho tiền. Tiền ông kiếm được cũng kha khá mà đứa cháu vẫn chưa về nhà.
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con...
Ông tằng hắng, cất giọng hát khàn khàn. Giọng bolero đặc quánh. Tôi nghĩ bolero là để hát ngoài cuộc đời chứ không phải trên sân khấu. Giọng ca bolero là giọng ca của những tâm trạng thật chứ không phải diễn.
"Cha mẹ nó có ý trách tui. Tụi nó nói do tui lây cái bịnh sến cho con bé, không thì nó phải giỏi tiếng Anh và đi du học như con người ta rồi", ông già nói, mắt đỏ hoe.
***
Hai mẹ con về nhà rất khuya. Bữa nay thằng nhỏ phải học thêm hai ca, trông nó bơ phờ.
Gọi phụ huynh lên đây...
Câu hát giật nẩy trong đầu. Tôi suýt bật cười, nhưng rồi nói:
"Hồi chiều ông già bolero có ghé nhà mình".
"Vậy hả ba", giọng thằng nhỏ ngạc nhiên, rồi nó nói: "Bữa con có đạp xe tìm ông ấy nhưng không thấy, con chạy ra trạm xá thì gặp một cặp vợ chồng mù hát cải lương, à quên, hát bolero. Con nghĩ ba thích nghe họ hát".
Thì ra nó cũng quan tâm ông già bolero. Nó quan tâm tới ông già, nghĩa là nó sẽ quan tâm tới tôi, bởi tôi rồi cũng thành một ông già bolero.
"Ông già hát bolero ấy không phải ăn xin mà đi tìm cháu".
Tôi định nói vậy, nhưng rồi thôi.
Lúc đó thằng nhỏ đã ngồi xuống bàn, hai tay bưng tô canh rau cải húp soàn soạt, không biết nó đang nghĩ gì, hay toàn bộ tâm trí đang đặt vô tô canh và mong muốn đặt được lưng xuống ngủ một giấc ngon lành.
_________
(*) Ship hàng: giao hàng.
(**) Rau (round): đại ý một tua nữa, mỗi người một chai nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận