07/09/2020 13:57 GMT+7

Truyền động lực cho người khuyết tật

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Ông Phạm Dũng (59 tuổi) - chủ tiệm may Việt Dũng (tại thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên Huế) - bước đi trên đôi chân bên cao bên thấp về cuối nhà, pha vội bình nước để tiếp khách.

Truyền động lực cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Ông Dũng (trái) may đo đồ cho khách - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Suốt nhiều năm qua, ông lặng lẽ gieo niềm tin cho những ai có chung cảnh ngộ khuyết tật, "tàn nhưng không phế".

Ký ức tuổi thơ gian khó

Ngược về tuổi 13, cơ thể ông vốn bình thường như bao đứa trẻ khác, rất thông minh, lanh lợi. Cho đến khuya mùng 4 tết năm 1975, người anh trai của ông là một cán bộ đang hoạt động cách mạng, bí mật ghé về thăm nhà sau chuỗi ngày nằm hầm biền biệt.

"Vô chưa được một phút, tiếng bom bi nổ đoàng, "khai màn" làn đạn xả ào ạt như "bắp rang" nhắm vô nhà. 32 tên lính nghĩa quân núp sẵn sau vườn từ khi mô không hay biết. Tui lúc nớ còn đang ngủ say, chỉ giật mình rồi chẳng kịp chạy" - ông Dũng thuật lại.

Nghiệt ngã, mảnh bom bi găm chặt, phá nát phần xương ống lẫn đùi chân trái của ông. Trong tích tắc, những bác sĩ ở Bệnh viện huyện Quảng Điền lúc ấy chỉ định cắt bỏ gần hết phần chân ông. Đứa trẻ tuổi 13 năm ấy chỉ biết khóc xỉu mỗi lần nhìn xuống đôi chân nay chỉ còn có một đầy đáng thương.

Hơn 3 tháng sau, ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) cũng là lúc vết thương nơi đầu chân của Dũng khi đó khô lành hẳn. Ham học, cậu bắt đầu chập chững tập đi. Ngặt nỗi, loanh quanh trong nhà thì chẳng sao, nhưng hễ cứ đi xa là lại ngã. Thương tật không cho Dũng chịu nổi con đường lúc trời mưa thì lầy lội, ngập nặng, lúc trời nắng lại hanh hao, mịt mù bụi. Hết lớp 9, Dũng đành phải bỏ cuộc giữa chừng sau gần 1 năm trời cố gắng.

Thương số phận lận đận, gia đình hướng ông theo nghề may. Và rồi, ở cái tuổi 17, mất một chân, ông bắt đầu "cơm đùm gạo bới" vào tiệm may Đồng Tân trên đường Trần Hưng Đạo (tỉnh Bình Trị Thiên xưa, nay là TP Huế) học may.

Sau hơn 3 năm nỗ lực, ông được thầy cho "ra nghề" sớm. Tay nghề khá, tính lại siêng năng giúp ông được nhiều nhà may biết tiếng, mời về làm. Từ thợ may áo sơmi, quần tây, áo vest, ông Dũng tiếp cận rồi học thêm cách may đồng phục trong ngành công an, biên phòng, y tế... Ông nói rằng trời "triệt" đi một chân của mình, nhưng bù lại cho ông đôi tay khéo hơn người.

Vượt lên và truyền động lực

Bươn chải, làm thuê từ đời chủ này sang đời chủ nọ suốt 20 năm, ông Dũng tự tin ra làm riêng và có được tiệm may Việt Dũng ngày nay. Mặt bằng mà ông thuê lại hiện không quá lớn, chỉ đủ kê một sạp vải, tủ đồ cùng vài ba chiếc bàn may. Thấu hiểu với người đồng cảnh, từ nhiều năm trước ông đã tự đứng ra nhận dạy kèm, truyền nghề cho nhiều người khuyết tật. "Họ cũng như mình thôi, muốn kiếm cái nghề, trước có cơm nuôi thân, sau quay lại phụ giúp gia đình. Đừng là gánh nặng, có tàn nhưng không phế là được" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng nói, để học may rồi đứng được trong nghề này không phải dễ. Chuyện đang học rồi nghỉ ngang giữa chừng vì không đủ kiên nhẫn xảy ra "như cơm bữa", cả người bình thường lẫn khuyết tật. 

Thông thường khi chân trái mỏi, người may có thể chuyển sang chân phải để đạp, hai chân thay đổi, hỗ trợ nhịp nhàng. Nhưng với người khuyết tật thì lại không. Chưa kể những ai bị khuyết tật ở tay thì việc đưa vải theo ý đồ đường may để lên hình cho áo quần lại rất khó. 

"Người ta hai chân làm xong về sớm, mình một chân làm chậm thì về muộn, mai lại tới sớm. Chỉ cần nhìn người khác tươi vui mặc đồ mình may, kiếm ra tiền bằng chính mồ hôi nước mắt mới càng quý. Tôi luôn răn học trò như thế" - ông Dũng nói.

Mỗi học trò khi đến học thì đóng 5 triệu đồng tiền học phí. Đến khi họ học xong, ông Dũng tặng lại số tiền đó. "Số tiền để "cầm chân" sự kiên nhẫn của người học, tránh việc học được vài ba đường kim đã muốn bỏ đi làm chỗ khác" - ông Dũng cho biết.

Đến nay, học trò của ông Dũng khoảng 200 người, phần lớn là người khuyết tật. Có nhiều học trò từ nghèo khó, tật nguyền nay đã mở được tiệm may ở quê, có người còn mở cả công ty may với nhiều công nhân ở TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... Ở thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên Huế, danh tiếng của tiệm may Việt Dũng cùng những điều tử tế mà ông làm trước nay đã trở thành câu chuyện đẹp lan truyền.

Anh Phạm Sơn - một người khuyết tật từng học nghề ở ông Dũng nhiều năm trước, nay đã thành chủ một tiệm may cũng ở huyện Quảng Điền - xúc động: "Hai chân bị bại liệt nên tôi không thể đi đứng, làm việc bình thường. Cũng nhờ thầy mà tôi có được cái nghề trong tay, giờ vất vả nhưng vẫn có thể nuôi bản thân và gia đình".

Giúp trò tự tin

Dịch bệnh COVID-19 xảy đến khiến tiệm may Việt Dũng cũng có phần ảnh hưởng. Ông Dũng nói vì hàng hóa ít đi, thu nhập giảm nên ông cho một số học trò tạm nghỉ ở nhà. Hiện lớp chỉ có Nguyễn Văn Tuyển, 22 tuổi, bị tật ở tay do hỏa hoạn vừa mới theo học. Mỗi trưa, Tuyển và thầy đi chợ, thổi cơm ăn chung luôn tại tiệm. Ông nói những lúc đi chợ, ngồi ăn chung, ông vừa truyền nghề, truyền tinh thần giúp học trò tự tin hơn.

"Tưởng chừng đôi tay cong queo này sẽ chẳng làm được gì, thế mà nhờ thầy tận tình chỉ bảo, nay mình cũng bắt đầu biết nhiều thứ hơn" - Tuyển chia sẻ.

Vợ ông Dũng, bà Nguyễn Thị Thương (55 tuổi), nói: "Ông dạy miễn phí, đó là việc tốt nên tui đồng tình ủng hộ".

Kính thông minh giúp người khuyết tật của chàng trai Đà Nẵng Kính thông minh giúp người khuyết tật của chàng trai Đà Nẵng

TTO - Thiết bị giao tiếp thông minh giúp cảnh báo ngủ gật và giám sát nhiệt độ cơ thể MultiGlass nhận nhiều giải thưởng khởi nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên