Công an bắt giữ một ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua thị xã Tân Uyên (Bình Dương) tháng 9-2017 - Ảnh: BÁ SƠN
Bình thường ăn cắp một món đồ từ 2 triệu đồng đã bị khởi tố, đằng này đánh cắp tài nguyên quốc gia thì phải đến hàng trăm triệu đồng mới có thể định tội. Chúng ta cần kiến nghị Quốc hội sửa quy định này
Trung tá VÕ VĂN HỮU
Hội nghị do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng chủ trì, với sự tham dự của đại diện các tỉnh trong khu vực gồm Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Lâm Đồng.
Trước đó, tháng 1-2017, các tỉnh này (trừ Bến Tre) và TP.HCM đã ký kết quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh (gọi tắt là quy chế 37).
Ngừng cấp phép, "cát tặc" lộng hành
Ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở TN-MT TP.HCM - cho biết những năm gần đây tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát xây dựng và cát san lấp, dẫn đến nạn khai thác cát trái phép ở những vùng giáp ranh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an ninh khu vực.
Từ năm 2013, TP.HCM đã ngừng cấp phép khai thác khoáng sản, hiện chỉ có 5 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy có tận thu khoáng sản theo chủ trương của Bộ GTVT. Trong đó, dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai với khối lượng tận thu gần 1,9 triệu m3.
Dự án này dự kiến hoàn thành vào quý 2-2019 nhưng hiện đang tạm ngưng thi công do chưa hoàn tất thủ tục đăng ký tận thu sản phẩm đối với diện tích nạo vét thuộc tỉnh Đồng Nai.
Riêng dự án xã hội hóa nạo vét thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão và chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp có khối lượng tận thu giai đoạn 1 (đến năm 2019) lên tới gần 20 triệu m3 hiện cũng đã tạm dừng thi công.
Tuy nhiên theo ông Thắng, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên trên các tuyến sông giáp ranh và khu vực biển Cần Giờ. Số liệu các vụ vi phạm được phát hiện, xử lý những năm gần đây cho thấy tình trạng khai thác và vận chuyển cát trái phép ngày càng tăng (năm 2015 bắt 17 vụ, năm 2016 tăng lên 38 vụ và 6 tháng đầu năm 2017 là 45 vụ).
Trên vùng biển Cần Giờ, các đối tượng vi phạm sử dụng sà lan 500-1.000 tấn lắp đặt các thiết bị bơm hút trực tiếp và đưa đi tiêu thụ, trong khi ở các tuyến sông phương tiện vi phạm là ghe nhỏ nên cũng khó truy bắt, xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Thường - phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai - cho hay tình hình khai thác trái phép rất phức tạp nhưng rất khó xử lý, thậm chí nhiều vụ các đối tượng vi phạm rất manh động, chống trả quyết liệt.
Ông Thường nhìn nhận mặc dù Đồng Nai và TP.HCM có phối hợp quản lý và xử lý theo quy chế 37 nhưng chưa có hiệu quả.
Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre Lê Văn Đáo cho biết trên vùng biển Cần Giờ giáp ranh giữa các tỉnh tình hình khai thác, vận chuyển cát lậu diễn biến rất nóng.
"Vùng này chúng tôi không với tới được. Bến Tre có đoàn liên ngành nhưng chủ yếu hoạt động trong sông vì không có phương tiện ra biển. Ngoài biển chỉ trông vào lực lượng biên phòng" - ông Đáo thừa nhận.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng tỉnh này không cấp phép khai thác cát ở lòng hồ Dầu Tiếng nhưng phía tỉnh Tây Ninh lại cho khai thác nên các phương tiện vận chuyển, gồm cả cát khai thác trái phép, vẫn "quá cảnh" qua Bình Dương.
Cát trên sông Đồng Nai vẫn tiếp tục bị hút, bất chấp thiệt hại đổ xuống đầu người dân - Video: MAI VINH
Quy định "tự trói", khó xử lý
Mặc dù tuyên bố kiên quyết xử lý nạn khai thác cát trái phép nhưng các đại biểu dự hội nghị đều than việc xử lý "cát tặc" rất khó, mà nguyên nhân xuất phát từ chính các quy định kiểu "tự trói" hiện hành.
Cụ thể, đại diện tỉnh Bình Dương và Bến Tre cho hay quy định hiện hành chỉ cho phép tịch thu phương tiện vi phạm nếu khối lượng tang vật từ 50m3 trở lên.
Biết được quy định này, các đối tượng khai thác cát trong sông thường dùng phương tiện vận chuyển nhỏ dưới 50m3 để chẳng may bị bắt thì cũng không bị tịch thu phương tiện.
Trung tá Võ Văn Hữu - phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an TP.HCM - cho rằng hành vi khai thác cát trái phép không gây hậu quả tức thì nên rất khó để khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ luật hình sự 2015, muốn khởi tố hình sự hành vi khai thác cát trái phép thì lượng tang vật phải trị giá từ 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng.
Mặt khác, theo ông Lê Văn Đáo, bắt quả tang đã khó, khi cát khai thác trái phép được chuyển khỏi hiện trường thì việc xử lý "coi như bó tay" vì khi đó đã được hợp thức hóa bằng hóa đơn của các đơn vị có phép khai thác.
Ông Đáo đề nghị các địa phương cần kiến nghị Bộ Tài chính quy định thống nhất đối với hóa đơn mua bán cát như một loại hàng hóa đặc thù, không nên để doanh nghiệp tự in, tự xuất cho nhau.
Phối hợp xử lý để "cát tặc" không còn chỗ chạy
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh khẳng định sẽ tăng cường phối hợp trong việc phát hiện, xử lý các hoạt động khai thác cát trái phép ở các khu vực giáp ranh với TP.HCM và giáp ranh giữa các tỉnh.
Để xử lý triệt để các đối tượng vi phạm kiểu "bên này đuổi thì chạy sang bên kia", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng đề nghị các tỉnh thống nhất cơ chế phối hợp không hạn chế ranh giới.
"Vi phạm trên địa bàn TP.HCM chúng tôi đuổi bắt, đối tượng chạy lấn qua Bà Rịa - Vũng Tàu chúng tôi cũng tiếp tục đuổi bắt và thông báo cho Bà Rịa - Vũng Tàu biết. Ngược lại, vi phạm ở địa bàn tỉnh khác mà chạy qua TP.HCM, các đồng chí cứ qua bắt luôn rồi báo cho TP.HCM biết.
Chúng ta thống nhất chủ trương như vậy, thay vì phân chia giáp ranh, chạy qua bên kia là nói thôi hết nhiệm vụ của mình" - ông Huỳnh Cách Mạng giải thích.
Theo ông Huỳnh Cách Mạng, nếu phối hợp được như vậy thì các đối tượng khai thác cát trái phép sẽ không còn chỗ để chạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận