06/08/2014 09:09 GMT+7

Trường tư tiếp tục bất ổn nếu...

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Bất ổn bùng nổ ở Trường ĐH Hoa Sen đang trở thành “bài học tình huống” cho những trường đại học ngoài công lập khác.

Trường tư: vì đâu bất ổn?Chuyện ở ĐH Hoa Sen: Đừng quên quyền lợi sinh viênChuyện gì đang xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen?

FsKLosBz.jpgPhóng to
Một nhà đầu tư công bố nội dung biểu quyết tại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 Trường ĐH Hoa Sen ngày 2-8 - Ảnh: Trần Huỳnh

Bất ổn bùng nổ ở Trường ĐH Hoa Sen xảy ra cùng thời điểm dự thảo điều lệ trường ĐH vừa được Bộ GD-ĐT soạn thảo công bố, nên trường hợp này trở thành “bài học tình huống” cho những trường ĐH khác.

Theo hiệu trưởng một trường ĐH dân lập ở TP.HCM, những tranh chấp đang xảy ra ở ĐH Hoa Sen cũng có thể xảy ra ở bất cứ trường tư thục nào do đại hội đồng cổ đông đang được trao quá nhiều quyền.

Khi đại hội đồng cổ đông nắm nhiều quyền

Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập nhận định: “Vấn đề trường hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận không phải chỉ liên quan đến những thành viên góp vốn, mà là một tôn chỉ liên quan đến nhiều mặt phát triển của trường, về tài chính, về định hướng giáo dục, về nền tảng tư tưởng và tổ chức.

Vì vậy, “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” là vấn đề nên được xem xét ở tầm cao hơn là ở đại hội đồng cổ đông - chỉ gồm những người có vốn góp vào trường”.

Trước thực tế có quá nhiều bất ổn xảy ra ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được cho rằng do quy định của pháp luật về việc này chưa rõ ràng, ngày 10-11-2011 Thủ tướng đã ra quyết định 63 về sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế 61 trước đây.

Quy chế 63 có nội dung về quyền sở hữu tài sản.

Theo đó, tài sản do trường ĐH dân lập chuyển sang là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia; giao cho hội đồng quản trị trường, đại diện tập thể người góp vốn và thành viên cơ hữu của trường quản lý, điều hành theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển; không được rút ra khỏi nguồn vốn hoạt động; được tính cổ tức, cổ tức thu được không rút ra mà dùng để bổ sung vốn;

Quy chế này cũng khẳng định đại diện phần vốn này do tập thể người góp vốn và thành viên cơ hữu của trường ĐH dân lập bầu ra, hoạt động theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số; đại diện này có đầy đủ các quyền như các cổ đông khác, tham dự và biểu quyết tất cả vấn đề của đại hội đồng cổ đông.

Đáng tiếc quy chế này lại không áp dụng với ĐH Hoa Sen vì năm 2006 Hoa Sen được chuyển thành trường ĐH, đồng thời chuyển từ loại hình “bán công” sang loại hình “tư thục” khi chưa có quy chế này.

Vì chiếu theo quy chế 63, ĐH Hoa Sen nếu được định giá 13 tỉ đồng thì trong đó 1 tỉ đồng (số vốn cá nhân góp ban đầu) chuyển sang tài sản tư nhân, còn lại 12 tỉ đồng là tài sản chung không chia (như quy định của quy chế 63) và tập thể nhà đầu tư, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường bầu đại diện tham gia đại hội đồng cổ đông.

Khi đó, đại hội đồng cổ đông nhà trường sẽ có 13 phần cổ phiếu (cá nhân một phần phiếu và 12 phần của đại diện tập thể nhà trường) và hội đồng quản trị sẽ có đại diện tập thể nhà trường.

Thực tế tại ĐH Hoa Sen khi chuyển sang tư thục 13 tỉ đồng này được chia 51% cổ phần cho cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường. 10% chia cho các giảng viên thỉnh giảng lâu năm và 39% cổ phần là bán ra bên ngoài.

Và nhà đầu tư đã mua lại số cổ phần nằm trong số 51% trên, trong đó có nhóm chiếm hơn 30% cổ phần của trường và rắc rối đã xuất hiện và mâu thuẫn bắt đầu bùng phát...

Dự thảo điều lệ trường ĐH tiềm ẩn bất ổn

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập, quyết định 63 cơ bản đã đưa ra những cơ sở pháp lý để giải quyết bất ổn ở các trường hiện nay do quy định có đại diện tài sản không phân chia.

Thế nhưng, đến nay dự thảo điều lệ trường ĐH mới được công bố lại có nhiều nội dung trái với Luật giáo dục ĐH (đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2003).

Theo dự thảo điều lệ trường ĐH, đại hội đồng cổ đông không có trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH và cũng không đưa khái niệm “cổ đông”, chỉ đưa khái niệm “góp vốn” và “thành viên sáng lập” trường ĐH tư thục.

Thế nhưng cũng dự thảo này lại dành hẳn điều 39 để quy định về đại hội đồng cổ đông trong trường ĐH tư thục, trong đó quy định đại hội đồng cổ đông trong trường ĐH tư thục có quyền “thông qua quyết nghị để trường hoạt động không vì lợi nhuận”, thực chất là có quyền thay đổi đường hướng hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của trường, vì trong toàn dự thảo này không chỗ nào quy định ai có quyền thay đổi theo chiều hướng ngược lại.

Cũng tại điều 39, quy định về trình tự triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường thuộc về cổ đông hoặc nhóm cổ đông nào sở hữu trên 30% số cổ phần, trình tự quy định y hệt quá trình thực tế đã diễn ra ở ĐH Hoa Sen.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Thực chất đây là quyền quyết định của những người nắm nhiều tiền. Đây chính là mấu chốt cơ bản của việc xảy ra nhiều bất đồng giữa các nhà đầu tư và các nhà quản lý giáo dục, đỉnh điểm là người làm quản lý giáo dục không theo ý muốn tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư phải bị miễn nhiệm”.

Nếu xét về luật, theo Luật giáo dục ĐH, trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH không có đại hội đồng cổ đông.

Thực tế đã cho thấy cơ cấu tổ chức và đường hướng phát triển của một trường có lịch sử 20 năm đã có thể thay đổi bằng một quá trình diễn ra trong hơn nửa năm, việc thay đổi định hướng từ hoạt động “không vì lợi nhuận” sang hoạt động “vì lợi nhuận” được quyết định chỉ sau một cuộc họp. Để bắt đầu sự thay đổi này, chỉ cần một nhóm cổ đông sở hữu trên 30% cổ phần của trường.

Theo nhiều chuyên gia, định hướng hoạt động của trường phải được quyết định ngay khi xin phép thành lập. Sau này muốn thay đổi phải có sự đồng thuận của toàn trường (gồm cả người góp vốn và tập thể giảng viên, cán bộ nhà trường, các tổ chức đoàn thể...), sau đó phải xin phép cấp có thẩm quyền cho phép thành lập trường quyết định.

Khó ban hành một quy định chung cho nhiều loại hình

“Cần lưu ý là nguồn gốc tài sản và quản lý tài chính của loại hình công lập và ngoài công lập là hoàn toàn khác nhau, khó có thể ban hành một quy định chung cho nhiều loại hình như thế này. Trong hệ thống giáo dục ĐH VN hiện nay, các trường ĐH công lập chiếm đa số, sẽ dễ dàng thông qua dự thảo này, bởi họ không gặp những vướng mắc như các trường tư thục. Vấn đề “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” chỉ là vấn đề của các trường tư thục. Khi góp ý cho dự thảo, các trường tư thục là thiểu số, ý kiến bất đồng hay vướng mắc của họ dễ bị bỏ qua dù những vướng mắc như trên đối với họ là vấn đề sống còn” - một hiệu trưởng nói.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên