Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng từ thực tế này cần sớm có sự thay đổi theo hướng cần "tinh", không cần đông.
* Năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm. Theo ông, đâu là vấn đề then chốt trong việc quy hoạch này?
- Muốn làm tốt quy hoạch các trường sư phạm, các công việc cần chuẩn bị là điều tra cơ bản nhu cầu giáo viên theo từng tỉnh hoặc vùng miền - công việc này Bộ GD-ĐT đã làm.
Việc tiếp theo là kiên quyết quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo các tiêu chí về năng lực đào tạo, trong đó đặc biệt chú ý đến chất lượng giảng viên và cơ sở vật chất của các trường. Phải nói thật, chất lượng giảng viên của các trường/khoa sư phạm không đồng nhất, quy mô và cơ sở vật chất của các trường cũng vậy. Vì thế khi quy hoạch cần phải chú ý điểm này.
Một điểm cần lưu ý về mặt nguyên tắc là mật độ tập trung lãnh thổ và dân cư. Các vùng có lãnh thổ nhỏ hơn chỉ nên để tồn tại một đến hai trung tâm đào tạo giáo viên và ngược lại.
Cá nhân tôi cho rằng trung du và miền núi Bắc Bộ cần 2 trung tâm, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ cần khoảng 3 trung tâm, 3 vùng còn lại mỗi vùng chỉ cần một trung tâm. Cả nước chỉ cần 8 trung tâm đào tạo giáo viên là đủ.
* Nhiều ý kiến cũng cho rằng cả nước chỉ cần vài cơ sở chuyên đào tạo giáo viên trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư cho chất lượng. Tuy nhiên cũng có ý kiến như vậy là quá ít, ông nghĩ sao?
- Như tôi đã nói, cả nước chỉ cần 8 trung tâm đào tạo giáo viên là đủ. Nếu mỗi năm chúng ta cần khoảng 40.000 giáo viên thay thế cho số về hưu thì 8 trung tâm, với mỗi trung tâm đào tạo khoảng 5.500 sinh viên sư phạm là vừa. Tất nhiên không chia bình quân, mà phân bổ theo tiêu chí đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và số giáo viên mà vùng cần đào tạo mỗi năm.
Vài năm nữa, giáo viên mầm non sẽ buộc phải có trình độ CĐ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Như vậy nhiệm vụ của các trường trung cấp hiện đang đào tạo giáo viên mầm non sẽ chấm dứt.
Giáo viên từ tiểu học đến THCS, THPT đều phải có trình độ ĐH. Số giáo viên mầm non chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (gần 1/4 số giáo viên cả nước - năm 2017-2018 cả nước có gần 1,2 triệu giáo viên, trong đó giáo viên mầm non chiếm 266.346 người).
Như vậy, nếu còn duy trì các trường CĐ đào tạo giáo viên mầm non, thì quy mô cũng chỉ khoảng 25% số sinh viên trong toàn bộ hệ thống các trường/khoa đào tạo giáo viên bậc tiểu học đến THPT.
* Đầu ra và chế độ cho giáo viên cũng là một trong những yếu tố tác động đến đầu vào của các trường sư phạm. Ông có nghĩ quy hoạch phải gắn liền với chế độ chính sách cho sinh viên và giáo viên không?
- Chính xác là sử dụng lao động đầu ra chứ không phải là đầu ra nói chung. Làm sao để các trường mầm non, các trường phổ thông vẫn có khả năng lựa chọn, nhưng tỉ lệ có việc làm phải cao. Nếu không có việc làm đúng nghề, sẽ là một sự lãng phí đối với ngành sư phạm.
Tất nhiên, nếu không đi kèm với các chính sách khác như tuyển dụng, thu nhập. Tôi nói thu nhập, không nói lương vì hệ thống thang ngạch lương giáo dục hiện chỉ thua công an và quân đội, nhưng thu nhập của giáo viên thì vẫn thuộc hàng thấp.
Sĩ số lớp học hiện nay, ở hầu hết các cấp học, nhất là ở các TP lớn gấp khoảng 2-2,5 lần các trường miền núi, nếu không cải thiện sĩ số lớp học thì giáo viên vẫn là người lao động cực nhọc nhất.
Điều kiện làm việc khó khăn thì sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vẫn không "mặn mà" lắm với việc vào học và chuyên tâm với nghề dạy học.
Đào tạo cơ bản trước
Ngoài việc sắp xếp lại hệ thống, thì một việc vô cùng cần là Nhà nước có thể tập trung được nguồn lực tài chính cho giáo dục, chống đầu tư dàn trải. Các trường do được đầu tư tốt hơn sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy và vì thế chất lượng được nâng cao, chuẩn bị cho việc thay đổi mô hình đào tạo.
Hiện nay, đào tạo giáo viên của chúng ta trong các trường/khoa sư phạm vẫn mặc nhiên là thi vào sư phạm, học trong khoa/trường sư phạm rồi ra trường làm nghề dạy học. Cách thức này đã được áp dụng từ rất lâu rồi.
Cách đào tạo của ta khác một số nước phát triển. Đó là có bằng cử nhân, nếu muốn làm nghề dạy học thì vào học trong các trường/khoa sư phạm trong khoảng 1-2 năm thì có thể hành nghề dạy học. Cá nhân tôi nghĩ khi đất nước phát triển, chúng ta có thể đào tạo giáo viên theo cách này.
Hiện Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã áp dụng mô hình này. Sinh viên vào học trong các khoa khoa học cơ bản, sau khi đáp ứng được yêu cầu có thể theo học các học phần dành cho sinh viên sư phạm, tốt nghiệp đi dạy (giống như các bạn sinh viên theo học văn bằng 2 trong các trường đào tạo giáo viên hiện nay).
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận