Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trên giảng đường. Hiện sinh viên của trường vào học từ 6h30 mỗi ngày - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Thông báo thay đổi khung giờ giảng dạy của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiếp tục gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng sinh viên không chỉ của trường này mà có cả sinh viên các trường khác. Lãnh đạo, giảng viên các trường đại học khác cũng đã lên tiếng về việc này.
Các trường được quy định giờ dạy riêng
Không ít ý kiến cho rằng giải thích về nội dung thông báo về việc thay đổi khung giờ giảng dạy của đại diện Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chưa thỏa đáng, nhất là việc áp dụng lịch học sớm là vi phạm quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Theo điều 4 Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) của Bộ nêu rõ: "Thời gian hoạt động giảng dạy của trường được tính từ 8h đến 20h hàng ngày. Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường. Tùy theo số lượng sinh viên, số lớp học cần tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất của trường, trưởng phòng đào tạo sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày cho các lớp".
Giải thích thêm về quy định khung giờ giảng dạy, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết hiện trường này đang đào tạo theo hệ thống tín chỉ nên nhà ban hành các quy định dựa trên Quy chế 43.
Cũng theo ông Thắng, điều 4 Quy chế 43 có câu "Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường". Đây chính là điều kiện mà các trường căn cứ vào đó để đưa ra quy định riêng cho trường mình. Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước áp dụng khung giờ giảng dạy theo quy định riêng.
"Nếu trường không ban hành quy chế riêng, trường sẽ tuân thủ theo khung giờ bộ đã quy định. Nhưng nếu các trường ban hành quyết định khung giờ giảng dạy riêng cho trường mình. Hiện trường chúng tôi đang áp dụng khung giờ giảng dạy theo quy định năm 2000 của hiệu trưởng. Quy định này được cập nhật bổ sung mỗi năm" - ông Thắng cho biết thêm.
Các trường khác nói gì?
Nhận định về việc này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng khẳng định việc Trường ĐH Bách khoa quy định khung giờ giảng dạy mới từ 6h đến 22h10 không sai quy chế. Quy chế nêu rõ hiệu trưởng có thể quyết định việc này. Tuỳ theo điều kiện của trường, hiệu trưởng sẽ quyết định khung giờ học riêng của trường.
"Trường chúng tôi đang chuẩn bị thay đổi khung giờ giảng dạy mới từ 7h đến 20h30, có nghỉ trưa 11h30 -12h30"- ông Dũng cho biết thêm.
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện khung giờ giảng dạy của trường này tại hai cơ sở (Q.1 và Q.Thủ Đức) đều bắt đầu từ 7h, buổi chiều từ 12h45. Tất cả sinh viên hệ chính quy đều học ban ngày (5 tiết buổi sáng, 4 tiết buổi chiều), còn buổi tối (17h30 - 20h45) dành cho sinh viên học văn bằng 2 và hệ vừa làm vừa học.
"Do điều kiện về phòng học, đội ngũ giảng viên, nhu cầu của sinh viên mà mỗi trường xếp lịch giảng dạy khác nhau. Trước đây, tại cơ sở Q.Thủ Đức của trường xếp lịch học 5 tiết buổi chiều, kết thúc giờ học hơi trễ nên sinh viên khó khăn trong việc đi lại nên nay điều chỉnh lại chỉ còn 4 tiết.
Mặc dù Quy chế 43 quy định giờ dạy từ 8h-20h hàng ngày, trên thực tế không trường nào thực hiện như vậy. Nếu bắt đầu dạy từ 8h thì không thể nào kịp thời gian dạy, nhiều trường bố trí buổi sáng đến 6 tiết học. Việc xếp lịch học còn dựa vào số học phần, ví dụ có môn học 60 tiết, phải dạy 12 buổi (5 tiết/buổi). Vì vậy tiết 1 không thể nào trễ hơn 7h được"- ông Hạ nói.
Trong khi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện chia khung thời gian giảng dạy khác nhau hai cơ sở của trường: cơ sở Q.5: 12 tiết, tiết 1 bắt đầu từ 6h40, tiết 12 từ 17h và kết thúc 17h50; cơ sở Q.Thủ Đức: 10 tiết, tiết 1 từ 7h30 và tiết 10 từ 16h10-17h.
ThS Phùng Quán - giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - cũng cho rằng: "Tôi thấy Trường ĐH Bách khoa làm như vậy là hợp lý. Nhà trường đưa ra khung giờ tạo cơ sở pháp lý sau này thôi và quan trọng là không sai quy chế".
TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết hiện nhà trường xếp khung giờ giảng dạy với ba ca mỗi ngày. Buổi sáng bắt đầu vào học từ 6h45- 11h30; buổi chiều từ 12h15 – 17h30; buổi tối 18h-20h30.
"Nhà trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên mỗi học kỳ đều lên lịch các môn học đều có ở ba ca trong ngày để sinh viên được quyền lựa chọn giờ học phù hợp với mình. Giờ học buổi sáng bắt đầu sau 7h sẽ không kịp ca học. Với ca tối chúng tôi nhận thấy xe buýt thường chỉ hoạt động tới 21h. Sinh viên kết thúc giờ học trễ thì sẽ khó khăn trong việc đi lại.
Tuy nhiên tại cơ sở ở Khu Công nghệ cao (Q.9) sinh viên bắt đầu vào học từ tiết 2 lúc 7h30, vì nơi đây xa nên nhà trường tạo điều kiện sinh viên, giảng viên thuận tiện hơn trong việc di chuyển", ông Quốc Anh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận