Trương Ngọc Ánh: “Làm giám khảo liên hoan phim giúp tôi có nhiều chiêm nghiệm” - Video: MI LY
Bên phía phim truyện, ông Trần Luân Kim - nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - là chủ tịch ban giám khảo. Thành viên còn lại gồm các nhà làm phim, nhạc sĩ và nhà báo: Trần Hữu Việt, Trọng Đài, Hoàng Nhuận Cầm, Bùi Tuấn Dũng, Trương Ngọc Ánh, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Nam.
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh nói với Tuổi Trẻ Online về lần đầu đảm nhận vai trò giám khảo tại sự kiện: "Ban giám khảo đã xem 16 phim suốt 4 ngày, từ sáng đến tối và trao đổi rất nhiều. Bản thân tôi đã chiêm nghiệm ra rất nhiều kinh nghiệm để làm phim chiếu trên thị trường, dự liên hoan phim và cách thức tổ chức liên hoan.
Chọn được bộ phim và diễn viên đoạt giải là một công việc rất khó khăn của ban giám khảo, chứ không chỉ riêng tôi".
Ông Tạ Quang Đông, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, phát biểu tại họp báo - Ảnh: MI LY
Với phim tài liệu - khoa học và phim hoạt hình, chủ tịch ban giám khảo lần lượt là ông Lê Hồng Chương - phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Hoa.
Sự kiện có sự tham gia của ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) kiêm trưởng ban chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó cục trưởng Cục Điện ảnh kiêm trưởng ban tổ chức (BTC) và ông Huỳnh Đức Dũng - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Vũng Tàu kiêm phó trưởng BTC.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 diễn ra để tôn vinh những nghệ sĩ, các nhà hoạt động điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua, với tiêu chí xây dựng nền điện ảnh dân tộc, nhân văn, độc đáo và hội nhập.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông
Nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh là thành viên ban giám khảo phim truyện điện ảnh - Ảnh: MI LY
74 phim tranh giải được chia thành 4 nhóm: 16 phim truyện điện ảnh, 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học và 20 phim hoạt hình.
16 phim điện ảnh tranh giải bao gồm: Khi con là nhà, 11 niềm hi vọng, Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo, Song Lang, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Nơi ta không thuộc về, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Hợp đồng bán mình, Thưa mẹ con đi, Truyền thuyết về Quán Tiên.
Riêng phim Anh trai yêu quái của nhà sản xuất CJ HK Entertainment và HK Film xin rút khỏi chương trình toàn cảnh của liên hoan phim năm nay vì có lịch ra mắt ngày 29-11, sau khi liên hoan phim kết thúc. Đại diện nhà sản xuất cũng xác nhận thông tin này với Tuổi Trẻ Online.
Về các ý kiến cho rằng danh sách phim điện ảnh tranh giải năm nay vẫn có nhiều phim chất lượng chưa tốt, chủ tịch ban giám khảo Trần Luân Kim phản hồi: "Tôi đã chấm thi nhiều giải thưởng. Tôi có thể khẳng định tất cả các giải thưởng đều có phim tốt và phim chưa tốt. Ban giám khảo sẽ rất công tâm để chọn ra tác phẩm xứng đáng".
Truyền thuyết về Quán Tiên, phim chiến tranh có vốn nhà nước, sẽ được trình chiếu vào ngày 26-11 tại Vũng Tàu - Ảnh: NSX
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng nhận được câu hỏi về các hạng mục diễn xuất, nơi chị có kinh nghiệm dày dạn. Nữ giám khảo cho biết: "Diễn viên trẻ ngày nay có cơ hội đóng rất nhiều loại vai, tôi thấy nhiều bạn thực sự lăn xả và đam mê, có thể đi xa, nhất là nếu có cơ hội bước ra ngoài lãnh thổ".
Các chương trình hoạt động sẽ diễn ra dày đặc suốt 6 ngày của liên hoan phim từ 22 đến 27-11. Lễ khai mạc và bế mạc diễn ra vào tối 23 và 27-11, đều được truyền hình trực tiếp. Liên hoan sẽ trình chiếu toàn bộ các phim tham dự, trong đó có 74 phim tranh giải và 30 phim toàn cảnh.
Bên cạnh đó là các hội thảo chuyên môn với chủ đề Bối cảnh quay phim Việt Nam (ngày 24-11) và Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế (25-11), triển lãm Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh (từ 22-11)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận