Đến ngày 15-8-2023, Trường CĐ Du lịch Sài Gòn sẽ chính thức khai giảng đợt thứ 3 trong năm 2023. Ngoài những bạn đã tốt nghiệp THPT muốn đăng ký học lại, các đợt xét tuyển vừa qua ghi nhận nhiều trường hợp không cần đợi kết quả xét tuyển các trường đại học mà quyết định nhập học luôn hệ cao đẳng.
Bức tranh nhiều gam màu
ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn - cho rằng điều này phần nào lý giải cho việc có khoảng 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh chọn du học và trực tiếp ra làm việc, nhiều thí sinh chọn học các trường cao đẳng, trung cấp.
Tại Đồng Nai, ThS Nguyễn Văn Chương - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi (Đồng Nai) - cho biết đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển được khoảng 1.800 thí sinh. Con số này tương đương khoảng 95% chỉ tiêu trong năm nay. Trong đó, 60% chỉ tiêu dành cho hệ tốt nghiệp THCS và 40% là cho các bạn tốt nghiệp THPT. Các ngành được nhiều thí sinh lựa chọn bao gồm điện, kinh tế, may mặc, logistics, công nghệ thông tin...
ThS Nguyễn Văn Chương cho rằng phần lớn thí sinh theo học tại trường là những học sinh tại địa phương. Khâu giải quyết việc làm luôn có sức hút lớn nhất với các sinh viên tại địa phương. Vì vậy, trường sẽ phải liên kết với các khu công nghiệp ngay chính trên địa bàn Đồng Nai, đào tạo xong là giải quyết ngay nhu cầu việc làm tại chỗ.
Bên cạnh đó, trường cũng phải mở rộng mối quan hệ sang các công ty, khu công nghiệp tại Bình Dương, TP.HCM... Nhiều bạn cũng chọn làm ở TP.HCM.
Tại Quảng Nam, ThS Phạm Hồng Chương - phó hiệu trưởng Trường CĐ Quảng Nam - cho biết so với mùa tuyển sinh năm 2022, năm nay số lượng hồ sơ nộp vào trường có phần chậm hơn. Hiện tại, nhà trường ghi nhận khoảng 500 hồ sơ nộp vào trường. Dù vậy, con số này thường khá "ảo", vì nhiều thí sinh chỉ nộp vào trường để phòng hờ khi rớt các nguyện vọng đại học, chứ chưa xác định rõ ràng là sẽ học cao đẳng.
Siết điểm sàn đại học?
ThS Võ Long Triều - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức - chia sẻ so với năm trước, tuyển sinh ở trường gặp thách thức hơn. Trong 4.000 chỉ tiêu của trường cho năm nay, đến thời điểm hiện tại trường tuyển được 30%. Năm ngoái, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh là khoảng một tháng, do vậy nhiều bạn đã suy nghĩ đến các hướng đi khác, như học cao đẳng, trung cấp.
Năm nay, khoảng thời gian này rút ngắn hơn, vì thế phần lớn các bạn vẫn chuộng xét tuyển đại học hơn là cao đẳng.
"Có một thực tế rằng các thí sinh nếu đã chọn học cao đẳng thì đã chọn từ đầu. Nghĩa là các em không đợt kết quả xét tuyển đại học. Còn khi các em đã đợi kết quả xét tuyển đại học, nếu không trúng tuyển nguyện vọng này, phần lớn các em sẽ trúng tuyển nguyện vọng đại học khác. Các em gần như sẽ học đại học. Con số chuyển hướng sang học cao đẳng trong thời điểm này là không nhiều" - ông Triều nói.
ThS Trần Công Nam, phó hiệu trưởng điều hành Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, cho rằng rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo ra mức điểm sàn cho học sinh đăng ký vào các trường đại học. Thí sinh vượt qua mức điểm sàn ấy mới được đăng ký xét tuyển vào đại học. Hiện nay, các trường đại học đều có công bố điểm sàn, nhưng mức điểm quá thấp. Thậm chí mức điểm chuẩn của các trường cũng khá thấp, gần như thí sinh tốt nghiệp phổ thông là đậu đại học.
"Các trường cao đẳng vì thế rất khó cạnh tranh với các trường đại học. Trong khi cánh cửa vào các trường đại học quá dễ dàng, thì thí sinh chắc chắn sẽ không mặn mà với hệ cao đẳng. Vì thế, tôi nghĩ rằng cần hỗ trợ tuyển sinh các trường cao đẳng bằng cách siết thật chặt mức điểm sàn ở các trường đại học" - ông Nam nhận định.
ThS Phạm Hồng Chương cho rằng ở góc độ vĩ mô, các địa phương cần làm thật chắc công tác phân luồng học sinh. Tỉ lệ phân luồng luôn đảm bảo tỉ lệ theo Chính phủ quy định sẽ tạo một nguồn tuyển ổn định cho các trường cao đẳng, trung cấp. Ngược lại, các trường nghề cũng sẽ phải không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cũng như khả năng giải quyết việc làm cho người học.
Một hướng tiếp cận khả dĩ mà ThS Phạm Hồng Chương đưa ra là nhà trường sẽ kết hợp ngay từ đầu với doanh nghiệp để đào tạo. Vào trường, người học đã được nhận vào một công ty. Công ty sẽ cùng với nhà trường đào tạo cho sinh viên - cũng chính là những người lao động của mình trong tương lai.
"Hiện tại cách làm này chỉ đang được áp dụng ở một số nghề đặc thù, là những nghề doanh nghiệp cần nhưng người học ít. Chẳng hạn tại Trường CĐ Quảng Nam, các ngành trồng trọt, chăn nuôi đang được triển khai theo hướng này. Tuy nhiên, mô hình trên vẫn chưa thể mở rộng cho tất cả các ngành nghề, phần lớn do nhu cầu chưa đủ" - ông Chương nói.
Gắn với các dự án lớn
TS Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2 (Đồng Nai) - chia sẻ năm nay, ngoài những ngành nghề truyền thống, trường tập trung mảng đào tạo lớn là nhân sự cho ngành hàng không. Việc đào tạo được các bên phối hợp để cung ứng lao động cho dự án sân bay Long Thành. Học sinh sẽ học nhiều ngành nghề liên quan như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, khai thác, điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, thiết bị mặt đất...
Để tối ưu nguồn lực, trường sẽ liên kết với một số đơn vị đào tạo của các hãng bay lớn. Chương trình đào tạo sẽ được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 học tại trường với những kiến thức, kỹ năng theo chuẩn trang thiết bị của trường. Giai đoạn 2 sẽ học tại trung tâm đào tạo của các hãng bay ấy, nhằm tận dụng được các trang thiết bị sẵn có của họ để sinh viên có nhiều cơ hội thực hành gắn với thực tế nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận