​Trường nghề nguy khốn

TT - Chưa bao giờ hệ thống các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề... (gọi tắt là hệ thống trường nghề) lại đứng trước cảnh nguy nan như hiện nay.

Trường trung cấp Trường Sơn (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hiện đang rao bán vì khó khăn nhưng chưa bán được. Bảng ghi tên trường bằng chữ nổi đã bị gỡ bỏ - Ảnh: Trung Tân
Trường trung cấp Trường Sơn (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hiện đang rao bán vì khó khăn nhưng chưa bán được. Bảng ghi tên trường bằng chữ nổi đã bị gỡ bỏ - Ảnh: Trung Tân

Nhiều trường phải rao bán, vay nóng ngân hàng, tìm cách sáp nhập... để tìm con đường sống. Hàng trăm tỉ đồng đầu tư nhưng vẫn không có người học. Trong khi đó câu hỏi bộ nào sẽ quản lý hệ thống trường này - Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB & XH - vẫn chưa có lời giải.

PV Tuổi Trẻ đã ghi nhận thực trạng của các trường nghề trong cả nước hiện nay...

Đà Nẵng: tuyển không ra phải “khai tử”

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật miền Trung là một trong ba trường đã tạm dừng tuyển sinh - Ảnh: Đoàn Cường
Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật miền Trung là một trong ba trường đã tạm dừng tuyển sinh - Ảnh: Đoàn Cường

Hàng loạt trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề đóng tại TP Đà Nẵng những năm qua tuyển sinh vốn đã bết bát thì mùa tuyển sinh năm nay có trường “chết lâm sàng”, có trường phải vay tiền ngân hàng cả tỉ đồng để “cầm hơi”.

Năm học trước chúng tôi tuyển được 142 sinh viên đã là bê bết, năm học này tuyển được hơn 50 sinh viên thì đúng là bi đát
Ông TRƯƠNG VĂN HÙNG (hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí Đà Nẵng)

Nhắc đến tình hình tuyển sinh 2014-2015, ông Trương Văn Hùng - hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng) - ngao ngán nói: “Quá bi đát”. Năm học 2014-2015, Trường CĐ Đức Trí có chỉ tiêu tuyển sinh 900 sinh viên hệ chính quy và 300 sinh viên hệ liên thông.

Kết thúc mùa tuyển sinh, trường này tuyển được 53 sinh viên. Với số sinh viên chỉ ngang một lớp nhưng trường vẫn phải “nuôi” bộ máy nhà trường hơn 70 cán bộ giáo viên (trong đó có 51 người hưởng lương 100%, khoảng 20 người hưởng lương 50%).

“Chúng tôi mới vay ngân hàng 4 tỉ đồng để duy trì bộ máy và giúp các cán bộ, giáo viên yên tâm đón xong cái tết rồi tính. Với tình trạng này thì đóng cửa trường chỉ còn là vấn đề thời gian”- ông Hùng nói.

Tuyển sinh không ra và phải khai tử là Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đức Minh (đóng tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Gần hai năm nay, dãy nhà bốn tầng vẫn còn đậm màu sơn luôn trong tình trạng đóng kín cửa, không một bóng học sinh.

Ở phía trước cổng trường có một tấm bảng ghi số điện thoại với nội dung “Nếu có việc gì thì liên lạc theo số này”. Một vài người dân sống trước cổng trường cho hay từ ngày đóng cửa chỉ có một người bảo vệ thường lui tới, tuy nhiên chỉ ra vào ở cổng sau, còn cổng trước khóa chặt.

Tương tự, Trường trung cấp nghề Việt Á (Cao Thắng, Q.Hải Châu) hơn một năm nay vẫn chưa có kế hoạch tuyển sinh trở lại.

“Chúng tôi không treo bảng tuyển học sinh với nhiều khẩu hiệu quảng cáo rồi không có kế hoạch đầu ra cho các em, như vậy thì tội lắm. Khi nào tìm được đối tác, đầu ra ở các công ty thì lúc đó chúng tôi mới tuyển sinh” - một lãnh đạo Trường Việt Á cho hay.

Trong khi đó, một lãnh đạo Trường CĐ Đại Việt Đà Nẵng cho biết năm vừa rồi nhà trường có chỉ tiêu tuyển sinh 1.200 sinh viên cho ba ngành quản trị kinh doanh, kế toán và tin học ứng dụng.

Dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền trọ hằng tháng... nhưng hết mùa tuyển sinh trường chỉ tuyển được khoảng... 10% thí sinh. Hiện tại tổng số học sinh, sinh viên của trường chỉ trên 200.

“Trước kia việc tuyển sinh đã khó thì nay càng khó hơn bởi nhiều lý do. Với tình cảnh như bây giờ, không riêng gì Trường Đại Việt mà nhiều trường khác cũng đang kêu trời” - đại diện Trường CĐ Đại Việt nói.

Đ.CƯỜNG - P.THÀNH

Đồng Nai: xóa sổ nhiều ngành

Xưởng máy thực hành cơ khí luôn vắng người học tại Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ - Ảnh: Thanh An
Xưởng máy thực hành cơ khí luôn vắng người học tại Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ - Ảnh: Thanh An

Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề tại tỉnh Đồng Nai hiện nay đang dần bị “tê liệt” vì không thu hút đủ nguồn học viên để đào tạo.

Nhiều trường thiếu vắng người học

Mỗi kỳ tuyển sinh, chúng tôi đã làm hết cách, kể cả cử giáo viên của trường đi đến tận nhiều trường THPT, THCS và đến tận từng gia đình của học sinh để tư vấn khuyến khích các em vào học, nhưng kết quả vẫn không thu hút được thí sinh vào học trung cấp
Ông VÕ DUY CHÚC (phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 20 trường, đơn vị đào tạo hệ trung cấp (gồm trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề) trực thuộc tỉnh và các bộ ngành khác.

Ông Lê Hữu Đức, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho biết liên tục trong vài năm gần đây hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao, nhiều trường gần như “hoạt động cầm hơi” vì nguồn thí sinh đến học quá thấp.

Trong năm 2013-2014 có nhiều trường trung cấp chỉ thu nhận được lượng học viên rất khiêm tốn. Chẳng hạn Trường trung cấp Công nghệ tin học - viễn thông Đồng Nai với 1.000 chỉ tiêu được giao, nhưng chỉ tuyển được 82 học viên (đạt 8% chỉ tiêu tuyển).

Trường trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Nhơn Trạch được giao 600 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 200 học viên (đạt hơn 30%).

Nhiều trường trung cấp đào tạo nghề cũng trong tình cảnh tương tự. Trường trung cấp nghề 26-3 trong năm 2013-2014 chỉ tuyển được 150 học viên trên tổng số 250 chỉ tiêu. Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (thuộc Bộ NN&PTNT) năm 2013 được giao 500 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được gần 300 học viên.

Thiết bị “trùm mền”

Nếu như những năm trước đây nhiều ngành học như cơ khí chế tạo, cơ khí ôtô, kỹ thuật nhiệt, điện tử, điện lạnh... được xem như những ngành “hot” nhất, thường đứng đầu số lượng học viên theo học thì hiện nay đang xuống dốc mạnh, thậm chí có ngành không còn người học, buộc nhà trường phải ra thông báo ngừng đào tạo, xóa tên ngành.

Tại Trường trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai, trong hai năm 2012 và 2013 có hai ngành kỹ thuật điện tử, điện lạnh (kỹ thuật nhiệt) mỗi ngành giao 55 chỉ tiêu nhưng không tuyển được học viên nào.

Tương tự, tại Trường trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Nhơn Trạch năm 2012 có hai ngành công nghệ tự động hóa, công nghệ cơ điện lạnh mỗi ngành giao 50 chỉ tiêu nhưng kết quả không có học viên nào đến học.

Trong vòng hai năm trở lại đây, trước tình trạng thiếu người học trầm trọng, hầu hết máy móc thiết bị phục vụ đào tạo tại một số trường trung cấp phải giãn hoặc ngừng hoạt động, một số máy móc có giá trị trong tình trạng “trùm mền” và gỉ sét.

Nhiều chuyên gia đào tạo nhận định với thực trạng tuyển sinh èo uột như hiện nay, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề đang đứng bên bờ vực thẳm, không sớm thì muộn cũng sẽ đóng cửa.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai xem xét phương án cho sáp nhập hai trường (Trường trung cấp Kinh tế Đồng Nai và Trường trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai) vào Trường ĐH Đồng Nai.

Trường ĐH Đồng Nai được xây dựng là trường chủ lực trong hệ thống trường ĐH trên địa bàn tỉnh. Chủ trương sáp nhập hai trường trung cấp này về Trường ĐH Đồng Nai sẽ giải quyết được khó khăn của các trường trung cấp những năm qua, nhất là về công tác tuyển sinh.

THANH AN

ĐBSCL: thầy nhiều hơn trò

Tại ĐBSCL, nhiều địa phương đầu tư xây dựng trường nghề nhưng hiệu quả khai thác không bao nhiêu.

Tại Hậu Giang hiện có hai trường trung cấp nghề và năm trung tâm dạy nghề cấp huyện, góp phần nâng tỉ lệ lao động được đào tạo nghề từ 8,58% năm 2005 lên trên 19% vào năm 2013.

Song cả hai trường trung cấp nghề tỉnh Hậu Giang và trung cấp nghề Ngã Bảy phải đối mặt với việc tuyển sinh không đạt kế hoạch, năm sau giảm hơn năm trước.

Trường trung cấp nghề tỉnh Hậu Giang được đầu tư xây dựng khang trang trên diện tích khoảng 6,4ha và thiết kế đạt chuẩn với các ngành nghề kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp, kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại...

Thế nhưng năm học 2014 trường chỉ tuyển sinh được 179 học sinh. Ông Lý Thanh Tùng - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề tỉnh Hậu Giang - cho biết từ năm học 2010-2011 trường bắt đầu gặp khó trong tuyển sinh. Cụ thể năm học 2010-2011 chỉ tiêu giao 480 nhưng chỉ tuyển được 365 học sinh, năm học 2011-2012 chỉ tiêu giao 620, tuyển được 320 học sinh. Năm học 2012-2013 chỉ tiêu giao 480, tuyển được 307 học sinh.

Tương tự, Trường trung cấp nghề Ngã Bảy năm học 2014-2015 chỉ tuyển sinh được 17 học sinh, tổng số học sinh của trường là 91, trong khi cán bộ nhân viên của trường là 55 người nên có những ngành nghề thầy nhiều hơn trò. Ngoài ra, kinh phí đầu tư xây dựng trang thiết bị cho hai trường trung cấp nghề mỗi trường gần 70 tỉ đồng, chưa kể cơ sở vật chất.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, Trường trung cấp nghề Bạc Liêu cũng trong tình trạng ngắc ngoải từ nhiều năm qua khi lượng học sinh rất khiêm tốn. Một giáo viên tại trường này cho biết hiện trường chỉ có một lớp thiết kế đồ họa khoảng 10 học sinh và một lớp trung cấp xây dựng với khoảng 20 học sinh, còn lại là đào tạo sơ cấp.

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC

Đắk Lắk: bán trường nhưng chưa ai mua

Trường trung cấp Trường Sơn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là trường hoạt động theo mô hình xã hội hóa đầu tiên tại Đắk Lắk (Tuổi Trẻ từng phản ánh). Thế nhưng, trường này đang “sống dở chết dở” vì không tuyển sinh được nhưng cũng... chưa thể bán để trang trải nợ nần!

Hiện nay, Trường trung cấp Trường Sơn còn một số học sinh khóa cuối (sinh viên trường khác, học tại trường) đang theo học. Khuôn viên trường khá rộng nhưng hiện nay thường vắng hoe. Những dòng chữ nổi mang tên trường hiện đã gỡ bỏ càng làm tăng thêm sự ảm đạm của trường này.

Ông Nguyễn Viết Trường Thành - chủ tịch hội đồng quản trị Trường trung cấp Trường Sơn - cho biết khi mới thành lập, nhà trường được miễn tiền thuê đất theo chính sách xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay tiền thuê đất quá cao (khoảng 200 triệu đồng/năm) lại không tuyển sinh được nhiều nên trường lâm vào khó khăn, nợ nần. Năm 2014 dù có ra thông báo nhưng trường không tuyển sinh được chỉ tiêu nào khiến nhà trường càng khó khăn thêm. Trường đã liên kết thêm với các cơ sở đào tạo khác giảng dạy tại trường để tăng nguồn thu nhưng không thoát khỏi bế tắc.

“Trường đang gặp khó khăn về tuyển sinh nhưng Nhà nước lại đột ngột thay đổi chính sách, buộc phải nộp tiền thuê đất khiến chi phí tăng cao. Để cân bằng tài chính, trường sẽ phải tăng học phí, như vậy việc tuyển sinh lại càng bế tắc.

Không thể bắt học sinh đi học mà vừa phải nộp học phí, vừa trả tiền thuế, tiền thuê đất được. Chúng tôi không thể tăng học phí và đi đến quyết định rao bán trường cho đơn vị khác” - ông Thành nói.

“Tôi vẫn bán ngôi trường này nếu đơn vị nào muốn mua vì mục đích giáo dục để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên việc bán trường là điều bất đắc dĩ. Ngôi trường tôi đã mất nhiều công sức, thời gian và tâm huyết để xây dựng, phải bán đi thật quá buồn. Tôi từng kỳ vọng trường sẽ nhanh chóng phát triển và sớm nâng lên trường cao đẳng. Thế nhưng tất cả dự định đã tan biến vì những thay đổi mà chúng tôi không thể vượt qua” - ông Thành bùi ngùi.

TRUNG TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên