14/03/2021 15:46 GMT+7

Trường miền núi dựng bảng ghi thông tin, hình ảnh 64 liệt sĩ Gạc Ma giữa sân trường

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Để giúp học sinh 'khắc cốt ghi tâm' sự hi sinh của những người lính trong trận hải chiến Gạc Ma, trường tiểu học ở miền núi Quảng Trị đã cho dựng một tấm bảng in toàn bộ hình ảnh, thông tin 64 liệt sĩ giữa sân trường.

Trường miền núi dựng bảng ghi thông tin, hình ảnh 64 liệt sĩ Gạc Ma giữa sân trường - Ảnh 1.

Tấm bảng ghi thông tin, hình ảnh của 64 liệt sĩ Gạc Ma được dựng ngay cạnh mô hình trận hải chiến Gạc Ma giữa sân Trường tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: M.T.

Ngày 14-3 nhiều năm qua đã trở thành một ngày đặc biệt của thầy trò Trường tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị). 

Cứ đúng ngày này, toàn bộ hơn 400 học sinh cùng giáo viên của trường luôn dành ra vài chục phút tập trung ở một góc sân để làm lễ tưởng niệm đơn giản nhưng trang trọng 64 liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Buổi lễ tưởng niệm năm nay tại ngôi trường này còn mang nhiều ý nghĩa hơn vì một tấm bảng khá lớn và kiên cố được trường dựng lên ngay góc sân. Trên tấm bảng này in đầy đủ hình ảnh và thông tin quê quán, đơn vị, chức vụ, năm sinh của tất cả 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Trường miền núi dựng bảng ghi thông tin, hình ảnh 64 liệt sĩ Gạc Ma giữa sân trường - Ảnh 2.

Những gương mặt trẻ măng cùng thông tin chi tiết của liệt sĩ Gạc Ma được in rõ trên tấm bảng - Ảnh: M.T.

Thầy Nguyễn Mai Trọng, hiệu trưởng nhà trường, là người tâm huyết với những giá trị lịch sử, đặc biệt là sự hi sinh của các liệt sĩ Gạc Ma năm 1988. 

Cách đây vài năm, cũng ở góc sân trường, thầy Trọng đã cho dựng mô hình trận hải chiến Gạc Ma. Mô hình này không quá lớn nhưng đủ để thầy mô tả được cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma của 64 anh hùng liệt sĩ và gửi thông điệp tới học sinh của trường mỗi giờ ra chơi. Một mô hình bãi đá nhỏ với những bức tượng chiến sĩ hải quân xếp thành vòng tròn bất tử được dựng lên ngay giữa hồ nước rộng vài mét vuông.

Tấm bảng mang thông tin cùng hình ảnh của toàn bộ 64 liệt sĩ Gạc Ma năm nay cũng được dựng ngay sát mô hình này. 

Thầy Trọng cho biết ý tưởng này xuất phát từ mong muốn để học sinh hiểu rõ hơn về những anh hùng liệt sĩ đã dùng thân mình bảo vệ biển đảo quê hương. Vì điều kiện của một trường miền núi nằm ngay sát biên giới Lào còn vô cùng khó khăn, nên tấm bảng cũng được thiết kế theo kiểu "nhà nghèo" với khung bằng sắt, thông tin và hình ảnh của liệt sĩ được in trên tấm giấy cứng đặt giữa khung và được bảo vệ bằng một lớp kính bên ngoài để che mưa nắng. 

Thầy Trọng nói rằng điều quan trọng nhất là học sinh của trường hiểu rõ hơn về trận chiến không cân sức này. Ngay sau phút tưởng niệm 64 liệt sĩ, trường cũng chính thức mở tấm bảng để học sinh đến xem.

Em Hồ Văn Phi, học sinh lớp 5 của trường, nói phải đọc những thông tin trên tấm bảng em mới biết được cụ thể những bức tượng chiến sĩ hải quân trên mô hình giữa hồ nước là ai.

"Nhờ tấm bảng này mà các học sinh của trường mới biết những liệt sĩ Gạc Ma đều hi sinh khi còn rất trẻ. Họ đã không tiếc tuổi trẻ của mình để bảo vệ đất nước. Đó là những thông điệp mà trường muốn gửi đến học sinh khi dựng tấm bảng này", thầy Trọng chia sẻ.  

Cựu binh Gạc Ma cùng tưởng nhớ đồng đội

Trường miền núi dựng bảng ghi thông tin, hình ảnh 64 liệt sĩ Gạc Ma giữa sân trường - Ảnh 3.

Sáng 14-3, những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh cùng về trước mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương để tưởng niệm đồng đội hi sinh - Ảnh: QUỐC NAM

Cũng trong sáng 14-3, hơn 50 người gồm cựu binh và cả thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đã có mặt trước phần mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh trong hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương là tổ trưởng tổ bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma trước khi bị quân Trung Quốc xả súng và hi sinh ngày 14-3-1988. Một số cựu binh trong tổ bảo vệ cờ này may mắn sống sót và hôm nay cũng có mặt bên phần mộ liệt sĩ Phương. 

64 ngọn nến được thắp lên để gửi lời tri ân đến 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh giữa biển khơi để bảo vệ biển đảo.

Cựu binh Lê Hữu Thảo - quê Hà Tĩnh, trưởng Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma - cho biết những cựu binh Gạc Ma sống sót về trước phần mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương như một lời hẹn với đồng đội. 

"Cuộc hẹn" đặc biệt này đã được những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An thực hiện đều đặn nhiều năm qua và năm nào cũng nặng trĩu cảm xúc. 

"Chúng tôi đã cùng đứng giữa làn đạn của kẻ địch. Người may mắn thoát chết. Người không may trúng đạn hi sinh. Nhưng tất cả chúng tôi đều cùng phải lấy máu mình bảo vệ đảo. Chúng tôi hẹn nhau ngày này để tưởng nhớ đồng đội mình", ông Thảo nói.

Đi tìm chân dung thứ 64 trên bức tường Gạc Ma Đi tìm chân dung thứ 64 trên bức tường Gạc Ma

TTO - Một hành trình tìm kiếm miệt mài nhiều hướng, nhiều người diễn ra nhiều năm qua, để cái ô trống trong số 64 ô tạc chân dung người lính hi sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma cuối cùng cũng được lấp đầy.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên