25/10/2020 20:00 GMT+7

Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải ra sao về khoản lương hơn nửa tỉ đồng?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - ‘Nhà trường trả lương theo khối lượng và năng suất, có chênh lệch nhưng có cơ sở và luôn công khai, minh bạch hằng năm và cách trả lương luôn được hội đồng trường phê duyệt’.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải ra sao về khoản lương hơn nửa tỉ đồng? - Ảnh 1.

Ông Lê Vinh Danh (phải, hàng trên) trao đổi về quá trình tự chủ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại hội thảo về tự chủ đại học do trường tổ chức năm 2019 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định như vậy trước những ồn ào về mức lương của ông Lê Vinh Danh - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây.

Thu nhập gồm 3 khoản 

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa đảm bảo công khai, minh bạch; có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Lương bình quân tháng 8-2020 của trường như sau: viên chức giảng dạy 23,7 triệu đồng, viên chức hành chính 22,5 triệu đồng, lao động giản đơn 13,4 triệu đồng. Trong khi lương của ông Lê Vinh Danh là 556,1 triệu đồng, của trợ lý ông Lê Vinh Danh là 255,4 triệu đồng, lương của người được giao phụ trách trường là 72,7 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định: "Thông tin trên là chưa chính xác. Đến nay, nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Lê Vinh Danh mức lương 556 triệu đồng/tháng".

Cụ thể, hàng tháng Trường ĐH Tôn Đức Thắng thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính: (1) lương cơ bản (lương theo ngạch, bậc đúng quy định của nhà nước) như của ông Danh có hệ số 6.92 (ngạch giảng viên cao cấp), phụ cấp chức vụ là 1.00 và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định; (2) các khoản phụ cấp và thu nhập theo năng lực và (3) phụ cấp thi đua dựa trên quy chế chi tiêu nội bộ.

Tổng cộng 3 khoản này (trong đó, (2) và (3) là mức thu nhập không có tính ổn định hàng năm) của ông Danh là 407 triệu đồng/tháng, nếu trừ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của ông Danh còn khoảng 286 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập của nhà trường trả cho ông Danh bao gồm lương và tất cả các khoản phụ cấp (ăn trưa, đi lại, trang phục, thi đua…).

Tại sao có con số 556 triệu đồng/tháng?

Vậy nguồn gốc mức lương 556 triệu đồng/tháng của ông Lê Vinh Danh từ đâu? Qua rà soát, bộ phận tính lương của trường cho biết trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng bị ảnh hưởng, thanh toán các khoản chi thường xuyên và thanh toán các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản là bài toán sống còn.

Đồng cảm với tình hình chung của dịch bệnh và tình hình tài chính của nhà trường, giảng viên, viên chức đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4-2020, phần còn lại cho phép nhà trường chậm trả. Đây như là một hành động chia sẻ khó khăn với nhà trường. Có người tự nguyện cho nhà trường chậm trả 50%, 60%, thậm chí là 100% thu nhập…

"Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tình hình tài chính của nhà trường dần quay về bình thường, nhà trường trả lại khoản thu nhập đó cho giảng viên viên chức. Do số tiền mà cán bộ tự nguyện cho trường chậm trả trong tháng 3, 4-2020 khá nhiều, nên không thể thanh toán một lần, mà tiến hành trả bổ sung trong ba tháng 6, 7 và 8-2020.

Trong ba tháng này, ngoài mức thu nhập bình thường của giảng viên viên chức thì họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4-2020. Ông Lê Vinh Danh đã tự nguyện cho nhà trường chậm trả 60% thu nhập, tháng 3 và 4-2020 ông chỉ nhận 40% thu nhập của một tháng bình thường.

Như vậy, trong tháng 8-2020 ông sẽ được nhận thu nhập của tháng này và một khoản thu nhập của tháng 3 và 4-2020. Đến đây có thể thấy được "xuất thân" chính xác của con số 556 triệu đồng/tháng của hiệu trưởng, cũng như con số hơn 200 triệu đồng của trợ lý hiệu trưởng mà báo chí có đề cập" - một cán bộ nhà trường lý giải.

Thu nhập trưởng phòng tương đương hiệu trưởng

Trong kiểm điểm, giải trình gửi Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, ông Lê Vinh Danh cho biết trường có nhiều chuyên gia nước ngoài lương cao; và nhân sự trong nước nếu làm năng suất tương đương như vậy cũng được trả lương như vậy.

Chẳng hạn, một chuyên gia nước ngoài lãnh đạo Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (tương đương cấp trưởng phòng), có tổng thu nhập 452 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, giữa các viên chức lãnh đạo khác nếu có việc chênh lệch lớn về thu nhập thì là vì có những người phụ trách 5, 6 đầu việc, trong khi có những người chỉ phụ trách 1 đầu việc.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải ra sao về khoản lương hơn nửa tỉ đồng? - Ảnh 3.

Thu nhập/năm, thu nhập/tháng của một số trường hợp ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Nguồn: Trường ĐH Tôn Đức Thắng

'Lương tháng 8 giảng viên 23,7 triệu đồng, hiệu trưởng Lê Vinh Danh 556,1 triệu đồng'

TTO - "Vi phạm tại Đại học Tôn Đức Thắng trước hết do chủ quan cá nhân, chủ yếu từ ông Lê Vinh Danh, các vi phạm có tính hệ thống, nhiều loại vi phạm, diễn ra trong thời gian dài".

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên