Ông Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết trường đại học dựa chính vào nguồn thu từ học phí sẽ không ổn định và là gánh nặng cho sinh viên và gia đình.
Đó là lý do từ năm 1994, trường đại học này thành lập trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp với nhiệm vụ tìm kiếm hợp đồng khoa học công nghệ cho trường.
Đi tìm khách hàng khoa học công nghệ
Trên cơ sở đặt hàng này, trường nghiên cứu, chuyển giao và thu phí. Đến năm 2017, trung tâm này được chuyển thành Công ty Khoa học công nghệ Bách khoa (BKTech), giữ vai trò tiếp xúc với các doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến các hợp đồng nghiên cứu và biến chúng thành tiền.
Trường có đội ngũ và trang thiết bị nghiên cứu phù hợp để thực hiện những việc này. Hiện nay, doanh thu của công ty này từ 150 đến 200 tỉ đồng. Có thêm nguồn thu này, trường sẽ không quá nặng nề với vấn đề tăng học phí.
"Trường đang thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao này để doanh thu có thể đạt khoảng 1/3 tổng thu hằng năm của trường. Cũng có khách hàng tìm đến trường đặt hàng nhưng không nhiều.
Trước đây có thể dựa vào uy tín chờ khách hàng đến, nhưng gần đây thì không thể còn tư duy như vậy. Ngoài xã hội có nhiều đơn vị có thể làm tốt hơn mình nên việc đi tìm và kết nối khách hàng rất quan trọng, không thể ngồi chờ như trước" - ông Phúc nói.
Ngoài các hợp đồng nghiên cứu chuyển giao công nghệ, ông Phúc cho biết trường cũng thực hiện chuyển giao tri thức dưới dạng các khóa đào tạo ngắn hạn. Khách hàng những khóa đào tạo đặc biệt này thường là các tổng công ty, doanh nghiệp muốn nâng cấp chuyên môn cho nhân sự.
Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và tài trợ (đề tài, dự án nghiên cứu, hợp đồng tư vấn, chuyển giao tri thức, tài trợ) năm 2022 đạt 56,5 tỉ đồng. Con số này so với tổng nguồn thu của trường năm 2022 chiếm hơn 5%.
Tuy chưa phải là lớn song là kết quả sự cố gắng đáng kể của trường. Nguồn thu trên đến từ nỗ lực kết nối, hợp tác, chuyển giao công nghệ thông qua quá trình hợp tác với trên 1.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 400 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Trường đã mở hàng trăm khóa đào tạo, chuyển giao tri thức cho hệ thống công đoàn các tỉnh thành trong cả nước. Trường cũng khuyến khích giảng viên tham gia đăng ký và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ.
Vẫn cần đầu tư từ Nhà nước
Ông Trần Đức Cảnh - chủ tịch Viện phát triển giáo dục Đại học Sài Gòn (SIHED) - cho rằng việc các trường đại học tăng học phí do nguyên nhân từ ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thấp. Điều này dẫn đến các trường không đủ kinh phí hoạt động và phát triển, cách dễ nhất để tăng thu là tăng học phí để bù chi. Ngoài ra, các trường tự chủ liền bị bắt tự túc.
Luật Giáo dục đại học 2018 đề cập nhiều vấn đề của tự chủ đại học từ quản trị đến đào tạo nhưng 5 năm qua có thể thấy vấn đề nổi cộm nhất là tài chính. Vì tự chủ gần như đồng nghĩa với tự túc, ngân sách nhà nước cắt đi khiến các trường phải xoay xở tài chính thay vì cải tiến quản trị, mở rộng chương trình đào tạo.
Cũng phải cần 5-10 năm để các trường ổn định và tìm cách đa dạng nguồn thu chứ chưa thể một hai năm là làm được như các trường ở nước ngoài. Trong bố cảnh đó, ông Cảnh cho rằng Nhà nước cần phải tăng đầu tư cho giáo dục đại học. Dĩ nhiên việc tăng đầu tư này có điều kiện để trường có trách nhiệm nhưng đồng thời tạo không gian mở để trường tự chủ.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của giáo dục đại học đó là cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng. Để làm được việc này, hỗ trợ tài chính là chuyện phải làm. Học phí tăng làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học.
"Trong lúc chờ các giải pháp tăng đầu tư từ Nhà nước, tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách và định chế vay vốn sinh viên hiệu quả. Nhà nước chịu một phần lãi suất tại thời điểm vay và chấp nhận rủi ro có tính toán" - ông Cảnh đề xuất.
Điểm sáng Đại học Kinh tế TP.HCM
Tính về doanh thu, mảng nghiên cứu - chuyển giao tại Đại học Kinh tế TP.HCM đứng đầu cả nước hiện nay. Năm 2022, mảng này đem về cho trường trên 363 tỉ đồng. Ông Bùi Quang Hùng, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay nghiên cứu chuyển giao đến từ ba lĩnh vực mà trường có thế mạnh cũng như có gắn kết chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp. Đó là chuyển giao tri thức, tư vấn - nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Doanh thu nghiên cứu cao hơn học phí
Thống kê từ nhiều trường đại học cho thấy học phí chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu doanh thu năm 2022. Ở nhiều trường đại học lớn, học phí chiếm từ 70 - 90% tổng thu. Đáng chú ý nhất là Trường ĐH Y Hà Nội.
Đây là trường đại học duy nhất có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu, bỏ xa nguồn thu từ học phí. Năm 2022, tổng thu của trường trên 572 tỉ đồng. Trong đó từ ngân sách 146 tỉ đồng, học phí 174,8 tỉ đồng, nguồn khác 24,7 tỉ đồng, trong khi thu từ nghiên cứu - chuyển giao lên đến gần 229 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng thu.
"Thời điểm dịch COVID-19, trường là trung tâm nghiên cứu chống dịch, có đội ngũ chuyên gia đầu ngành nên một số tổ chức quốc tế đã hợp tác với trường khá nhiều. Đặc biệt là một số dự án nghiên cứu vắc xin và thuốc phòng chống COVID-19 với các đối tác Mỹ, Nhật.
Ngoài ra còn có các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Bệnh viện trực thuộc vừa là nơi đào tạo thực hành, chuyển giao công nghệ và cũng là nơi khám chữa bệnh mang lại nguồn thu" - ông Phạm Xuân Thắng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, giải thích.
Cần nhiều mô hình đa dạng nguồn thu
Theo ông Trần Đức Cảnh, có một số mô hình đa dạng nguồn thu ở các đại học nước ngoài làm tốt nhưng ở Việt Nam chưa hiệu quả. Ông cho biết ở Mỹ có nhiều loại đại học, nghiên cứu, giảng dạy... Và nghiên cứu thì trường, giáo sư hay khoa có thể tìm đề tài nghiên cứu, tham gia chương trình nghiên cứu của nhà nước, tổ chức hay doanh nghiệp.
Nếu giáo sư tìm được dự án, họ có thể ký hợp đồng với trường để chia tỉ lệ nhất định từ số tiền của dự án, số còn lại thuộc về giáo sư và các cộng sự. Ngoài ra, các hoạt động tư vấn cũng có thể tạo ra nguồn thu cho trường.
Bên cạnh đó, sự tương tác của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp không hỗ trợ tiền mặt cho trường nhưng có thể tặng học bổng cho sinh viên, tặng trang thiết bị phục vụ đào tạo, thậm chí họ có thể tài trợ xây dựng một tòa nhà cho trường.
"Tôi thấy sự tương tác giữa đại học Việt Nam và doanh nghiệp có vẻ chưa mạnh, chưa có sự gắn kết đôi bên cùng có lợi. Trường đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với việc đào tạo này" - ông Cảnh đánh giá.
Ông Cảnh cho rằng sự trung thành, đóng góp của cựu sinh viên dưới nhiều hình thức ở các đại học Mỹ cũng rất tốt. Trong khi đó ở Việt Nam, hoạt động này chưa hiệu quả.
Ông Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhận xét nghiên cứu chưa được chú trọng nhất là nghiên cứu theo đặt hàng. Các trường công bố quốc tế nhiều, số lượng tăng hằng năm nhưng doanh thu từ nghiên cứu chuyển giao không đáng bao nhiêu trong tổng thu. Từ đó dẫn đến nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao ít, thậm chí bằng 0, nên gánh nặng lại càng đặt vào gói học phí.
"Cần mạnh dạn chi nhiều hơn cho giáo dục đại học từ ngân sách trung ương và địa phương để đúng là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai. Cơ chế cấp kinh phí cho đại học cần thay đổi theo hướng đảm bảo công bằng cho các nhóm đối tượng thiệt thòi và ưu tiên các lĩnh vực cơ bản, thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội" - ông Phương đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận