Tại buổi lễ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao Nghị quyết ban hành chiến lược cho GS.TS Chử Đức Trình - hiệu trưởng nhà trường, để ban giám hiệu nhà trường tổ chức triển khai thực hiện.
Chăm lo chất lượng con người
Phát biểu tại buổi lễ, GS Đức cho biết có ba nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy Trường đại học Công nghệ phải sửa đổi và cập nhật chiến lược phát triển giai đoạn mới, đó là: Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội; Sự tác động mạnh mẽ của tự chủ đại học và việc trường chuyển lên cơ sở Hòa Lạc - mở ra cơ hội mới phát triển gắn với tương lai.
Theo ông Đức, chiến lược phát triển lần này Trường đại học Công nghệ sẽ thay đổi về quy mô, hướng tới đào tạo cả về cơ khí chế tạo máy. Từ thế mạnh vốn có, nhà trường sẽ làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, vươn lên phát triển trong thực tiễn.
Nhà trường cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh những ngành mũi nhọn, mở rộng quy mô một số ngành nghề vệ tinh như: Fintech, quản lý quá trình sản xuất, quyết tâm phải là một trường hàng đầu về công nghệ.
"Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới phải chăm lo cho chất lượng con người cả đầu vào, đầu ra. Trong đó quyết tâm của nhà trường tiến sĩ vào Trường đại học Công nghệ mức lương không dưới 30 triệu, phó giáo sư không dưới 40 triệu, giáo sư không dưới 50 triệu. Có như vậy mới thu hút được nhân tài", ông Đức thông tin.
Quyết tâm năm 2045 có lĩnh vực vào top 200 thế giới
Tại buổi lễ công bố chiến lược phát triển, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết chiến lược lần này xác định tham vọng Trường đại học Công nghệ sẽ vươn lên thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tiên tiến của châu Á.
Quyết tâm đến năm 2035 có một số lĩnh vực vào top 300, năm 2045 một số lĩnh vực vào top 200 thế giới.
Theo chiến lược phát triển, đến 2035, quy mô của Trường đại học Công nghệ có thể lên đến 20.000 sinh viên, với hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Đến năn 2045, quy mô của trường lên 30.000 sinh viên với 1.800 cán bộ giảng viên. Tỉ lệ kỹ sư và sau đại học sẽ chiếm 35% trong tổng quy mô đào tạo của nhà trường.
Về hướng đào tạo, bên cạnh các ngành, khoa như hiện nay, nhà trường sẽ phát triển thêm những lĩnh vực then chốt về yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như cơ khí chế tạo máy, các khối ngành quản lý, quản trị kỹ thuật, công nghệ…
Đảm bảo tính mở, liên ngành, tính tự học, thực hành thực tập thực tế, tạo môi trường học tập và thực hành cho sinh viên.
"Trong thời gian tới, số lượng môn học của các chương trình sẽ giảm, nhưng chất lượng từng môn học phải tăng, gắn thực hành, thực tập với đào tạo", ông Trình nhấn mạnh.
Về Khoa học Công nghệ, nhà trường sẽ đẩy mạnh mẽ và ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao để có các sản phẩm quốc gia. Trong thời gian tới phải có sản phẩm khoa học công nghệ có ảnh hưởng toàn cầu.
Bên cạnh đó, chiến lược đề ra nhiệm vụ bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng các phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của nhà trường trên Hòa Lạc. Nhanh chóng biến Hòa Lạc thành tương lai và cơ hội phát triển mới của nhà trường, đồng hành cùng Đại học Quốc gia Hà Nội khai thác tối đa Hòa Lạc phục vụ cho phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới.
Về Cơ cấu tổ chức và quản trị đại học, trường tiếp tục triển khai đề án tự chủ đại học. Mục tiêu năm 2035 cơ bản hoàn thành đại học số. Ngoài ra, từng bước thành lập các đơn vị mới có pháp nhân như các trường (School) và Viện trực thuộc; Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút và trọng dụng nhân tài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận