23/12/2009 03:57 GMT+7

"Trường chinh" với các tướng lĩnh

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Chị đã dành hàng chục năm đi khắp mọi vùng quê từ Bắc vào Nam để sưu tầm lai lịch, chiến công, hình ảnh hàng trăm vị tướng của Quân đội nhân dân VN từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Mỗi vị tướng là một chuyện đời cảm động gắn liền những kỷ vật quý báu của thời chinh chiến.

KFsteURP.jpgPhóng to
Những công trình khoa học do thượng tá - thạc sĩ Trần Thanh Hằng cùng một số tác giả khác thực hiện - Ảnh: V.T.

Chị là thượng tá - thạc sĩ Trần Thanh Hằng (56 tuổi, cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự VN), người “đọc” thuộc hàng ngàn kỷ vật chiến tranh, nhớ từng vị trí của nó đang cất giữ trong kho bảo tàng; nhớ từng bức ảnh, chuyện kể của hàng trăm tướng lĩnh qua các thế hệ...

Dặm trường cùng chiếc balô

Trước mỗi chuyến đi, chị đọc khá nhiều sách, tư liệu liên quan đến các vị tướng. Nhưng muốn tiếp cận các vị tướng ở nơi mình đến, trước hết ban ngày chị đi gặp gỡ hội cựu chiến binh địa phương xin danh sách, đêm về ngồi phân loại những tướng chống Pháp, chống Mỹ; tướng nghỉ hưu, tướng đang công tác... Đến khi chân dung vị tướng “nằm như in” trong tâm trí, chị mới tiếp tục khoác balô đi trọn cuộc hành trình luôn mới mẻ và xúc động của mình.

Hành trình của chị bắt đầu từ năm 1994 với đủ loại phương tiện: tàu hỏa, xe khách, xe máy, xe thồ, xe lôi..., thậm chí có lúc cuốc bộ khi xe U-oat của đơn vị chưa hết đợt đã vơi xăng. Chị bảo tiền cơ quan cầm đi vài ngày là hết veo nên không ít lần phải dành một ít tiền lương để chi phí dọc đường, gọi điện thoại liên lạc. Lúc nghe tin một vị tướng đang đau ốm, chị ghé bệnh viện thăm hỏi. Có vị tướng vừa mất, chị dừng lại mua nén nhang, hoa quả vào gia đình thăm viếng.

Hồi chồng chị còn trong quân đội, anh thường đi công tác xa nên chị phải gửi con đầu lòng mới hơn 10 tuổi cho người thân, bạn bè trong cơ quan để lên đường. Có chuyến chị đi hàng tháng trời trên đảo Phú Quốc. Đêm đến chỗ nào có thể ngủ được là chị đặt lưng. Đó là một doanh trại quân đội, nhà dân hoặc ngủ gà gật trên xe miễn rằng gặp được các vị tướng.

Một đợt vào TP.HCM, chỉ trong vòng nửa tháng chị đã tìm gặp được 200 gia đình vị tướng. Đó là chuyến đi đạt hiệu quả kỷ lục nhờ biết cách “mò” trúng những ông cựu chiến binh, “ông này kể chuyện xong rồi chỉ cho ông kia thế là tôi đi”. Cuộc hành trình ấy dường như không biết mệt khi chị đi cả ngày lẫn đêm, cả thứ bảy lẫn chủ nhật.

Chuyến đi sưu tầm về thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - nguyên phó tư lệnh hải quân, nghỉ hưu ở TP.HCM - để lại kỷ niệm khó quên. Chị nhớ lại: “Khi tôi hỏi một số gia đình quân nhân về địa chỉ nhà tướng Phát, họ yêu cầu cho xem giấy giới thiệu. Xem xong họ không tin “vì bộ đội đi công tác phải có xe cộ đàng hoàng chứ ai lại đi xe thồ như chị”. Thế là tôi tìm đường vào Quân chủng Hải quân (tại TP.HCM) nhưng không vô được vì trực ban yêu cầu phải quay ra Bộ tư lệnh Hải quân xin giấy giới thiệu. Dù thấy tình hình căng quá nhưng tôi cứ thuyết phục mãi. Cuối cùng chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng, phó tư lệnh hải quân, chấp nhận giới thiệu với gia đình tướng Phát”.

Đêm ấy khi chị đến, rất xúc động khi thấy cụ Phát đứng đón từ ngoài ngõ. Nhìn hai chị em (chị và một anh lính trẻ đi thực tập) ngồi một xe thồ, cụ hỏi vì sao không đi hai xe, tôi trả lời: “Chúng cháu hết tiền nên ngồi chung một xe. Ban đêm có ai nhìn thấy đâu nên không phải xấu hổ. Gặp được thiếu tướng là sướng rồi”. Nghe vậy, cụ thương lắm nên mới bắc ghế đứng bên bàn thờ rút ra một chiếc đồng hồ hiến tặng cho bảo tàng”. Đây là kỷ vật quý mà vị thiếu tướng đã cất giữ suốt cả đời lính lênh đênh trên sóng biển. Trên mặt đồng hồ có khắc ba chữ Hán: Hồ Chí Minh.

DEnFw8LT.jpgPhóng to
Chiếc đồng hồ quý của nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh - Ảnh: chị Trần Thanh Hằng cung cấp

Những câu chuyện, kỷ vật để đời

Nhắc đến chiếc đồng hồ của tướng Phát, chị bảo: “Tôi còn xin được một chiếc đồng hồ đặc biệt khác. Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự VN đang đề nghị Cục Di sản văn hóa xếp loại chiếc đồng hồ này là bảo vật quốc gia”. Đó là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ của nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh do Bác Hồ tặng. Nó đặc biệt ở chỗ trên mặt đồng hồ có hình của Bác Hồ.

Tìm đến nhà đại tá Thước ở tỉnh Hải Dương, chị được cụ Thước tặng chiếc mũ tai bèo còn mới nhưng loang đậm vết máu cùng câu chuyện cảm động do đại tá kể: “Năm 1965, tôi và trung đoàn 66, sư đoàn 10 đánh Mỹ trận đầu tiên ở Tây nguyên. Trong lúc vị trí chỉ huy bị bao vây giữa nhoáng nhoàng chớp đạn. Khi tiếng súng B40 vừa nổ, bất ngờ một chiến sĩ trinh sát nhào lên đè lấy người tôi. Tôi tỉnh dậy mới biết người lính trẻ đã hi sinh vì lấy thân che đạn cho tôi sống. Thương lắm, chú ấy còn trẻ măng, da trắng ngần. Bây giờ không biết quê chú ở đâu để đi tìm”.

Từ ông Thước, chị Hằng đến gia đình trung tướng Lư Giang, nguyên tư lệnh Quân khu thủ đô, để nghe câu chuyện về tấm vải dù của người cần vụ tên Thành (quê Bắc Ninh) đã hi sinh ở Bình Định. Đó là tấm vải dù mà anh Thành đã dành để đắp cho tướng Giang - sư trưởng sư đoàn 3 - trong một đêm gió rét ở chiến trường. Đêm đó, Thành hi sinh khi đang trên đường đi gùi gạo.

Còn ở Bắc Ninh, chị Hằng vừa vui mừng vừa cảm động khi thấy chiếc xe đạp của trung tướng Văn Cương đang treo trên xà nhà trong buồng của người vợ. Gốc gác của chiếc xe đạp này là của đại tướng Nguyễn Chí Thanh hồi hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1954 về Hà Nội, tướng Thanh tặng xe này cho thư ký riêng là ông Đoàn Chương (em trai tướng Đoàn Khuê).

Năm 1956 nhà ông Chương ở gần Trường Chính trị trung cao (Bộ Quốc phòng), thấy hễ đến chiều thứ bảy là người bạn Văn Cương (cán bộ Tỉnh đội Bắc Ninh) cứ lóp ngóp đi bộ ra bến xe mua vé về quê nên ông Chương tặng ông Cương xe đạp này. Ông Cương rất tự hào vì “chiếc xe đạp này của nhiều tướng cho tao”. Và ông gìn giữ chiếc xe đến khi sang Lào công tác thì giao lại cho vợ làm phương tiện đi dạy học.

Với hơn 500 hiện vật đã sưu tầm được, chuyện kể được chị Hằng và ông Trịnh Hồng Việt (đồng tác giả) xếp thành 20 tập sách ở dạng tư liệu bảo mật. Mới đây, số hiện vật này đã được trưng bày trong triển lãm “Những hiện vật kháng chiến” khai trương ngày 1-11-2009 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN ở Hà Nội và Bảo tàng Quân khu 4.

...Cuộc hành trình ấy thật sự đã để lại cho chị những điều không thể nào quên về cuộc đời của các vị tướng; mỗi vị như một pho sử sống trong tập đại thành thành sử thần kỳ, vĩ đại về hai cuộc kháng chiến của cả dân tộc.

Và điều đọng lại trong ký ức chị sau năm tháng đi tìm đến các vị tướng là “diện mạo cụ nào nhìn cũng thông minh, sắc sảo. Tướng nào cũng giỏi cả quân sự lẫn chính trị và đặc biệt là viết rất cừ khôi. Các vị tướng đều là người thật việc thật. Họ đã trở thành tướng lĩnh qua nhiều chiến công hiển hách, mưu trí và yêu nước tuyệt vời trong những năm tháng vào sinh ra tử cùng đất nước, dân tộc”.

kIBuVEx9.jpgPhóng to
Thượng tá - thạc sĩ Trần Thanh Hằng - Ảnh: V.T.
Năm 1976, chị Trần Thanh Hằng tốt nghiệp khoa sử Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học KHXH&NV Hà Nội). Từ năm 1976-1998 là cán bộ kiểm kê khoa học, sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự VN.

Ngoài công trình khoa học về tướng lĩnh, chị cùng một số cán bộ khác hoàn thành hàng loạt công trình khoa học về sưu tầm hiện vật của các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (18 tập); hiện vật về các loại máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc VN; phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc (20 tập); hiện vật các loại bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh phá hoại miền Bắc VN; vũ khí thô sơ tự tạo tại VN...

Bốn lần chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; được Hội Phụ nữ VN và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân tặng nhiều bằng khen.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên