Thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển năm nay tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Đề nghị Bộ GD-ĐT can thiệp, yêu cầu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phải thực hiện đúng theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó là áp dụng nhân hệ số 2 đối với môn chính để đảm bảo quyền lợi thí sinh" |
Một phụ huynh |
Họ không đồng ý với cách giải thích của đại diện nhà trường về việc này.
Oan uổng cho thí sinh
Một phụ huynh cho rằng: “Cái gì trường đã công bố trước ngày thi/đăng ký nguyện vọng là phải giữ nguyên. Không thể có chuyện lấn cấn như vậy được. Nếu văn bản không rõ ràng thì căn cứ câu chữ của văn bản để hiểu rõ ràng.
Không nên xoay chuyển vì nó không rõ ràng mà ra văn bản khác không theo tinh thần chung của văn bản cũ đã công bố, công khai. Hơn nữa, nếu trường không áp dụng việc nhân hệ số 2 môn chính thì trong đề án tuyển sinh ghi thêm môn chính làm gì?”.
Trong khi đó, một số phụ huynh khác cho rằng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không đơn giản nhận “lỗi kỹ thuật trên website của nhà trường và sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan”.
Họ cho rằng trường phải có trách nhiệm và khắc phục hậu quả vì “hiệu ứng đôminô” làm ảnh hưởng rất lớn đến kỳ tuyển sinh 2017, làm sai lệch nguyện vọng và danh sách trúng tuyển của các trường ĐH.
Đồng thời, phụ huynh đề nghị Bộ GD-ĐT can thiệp, yêu cầu nhà trường phải thực hiện đúng theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó là áp dụng nhân hệ số 2 đối với môn chính để đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Tương tự, một thí sinh gửi thư đến Tuổi Trẻ: “Tôi muốn phản ảnh về cách tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ban đầu trường quy định công thức tính điểm khác. Ngày 30-7, lúc 5h chiều trường công bố điểm trúng tuyển và còn đính kèm link hướng dẫn cách tính điểm.
Lúc 11h tối cùng ngày, trường công bố danh sách trúng tuyển và xuất hiện vấn đề. Nhiều thí sinh, trong đó có tôi, dù dư điểm nhưng không có tên trong danh sách. Tôi thật sự rất bất bình. Như vậy là rất vô trách nhiệm và oan uổng cho thí sinh”.
“Không kiểm soát được thông tin công bố”
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Trung - trưởng phòng tổ chức hành chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - khẳng định thực tế nhà trường không nhầm lẫn tính sai điểm chuẩn. Nhà trường không điều chỉnh điểm chuẩn và hoàn toàn không có sự thay đổi phương thức xét tuyển.
Điều gây ra hiểu nhầm và tạo sự hoang mang cho thí sinh, phụ huynh là do cách thông tin của trường chưa đầy đủ. Một vài thời điểm có sơ suất của bộ phận kỹ thuật đã công bố thông tin không chính xác.
“Về phía nhà trường nhận lỗi việc có thời điểm đã không kiểm soát được thông tin công bố. Những người thuộc bộ phận kỹ thuật để xảy ra sai sót sẽ bị kỷ luật” - ông Trung nói.
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, trong đề án tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2017 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trước đây trên website có nêu: “Điểm xét tuyển là tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2017 của các môn (các bài) thi theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển (có/không nhân hệ số) cộng điểm ưu tiên (có/không nhân hệ số, theo quy định của Bộ GD-ĐT)”.
Cũng trong đề án này, danh sách các ngành (chương trình) đào tạo và tổ hợp xét tuyển năm 2017 có ghi (môn thi in đậm trong tổ hợp xét tuyển là môn thi chính) với nhiều ngành có môn thi chính và có những ngành không có môn thi chính.
Cùng ngày, chúng tôi truy cập cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và tải về đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn còn tất cả thông tin nêu trên.
Như vậy, thí sinh hoàn toàn có thể hiểu cụm từ “có/không nhân hệ số” trong đề án tuyển sinh trường công bố là có những ngành “có nhân hệ số”, đồng thời cũng có những ngành “không nhân hệ số” giống như cách trường đã áp dụng những năm trước đây.
Và ngay trong “Bảng điểm trúng tuyển đợt 1 hệ chính quy năm 2017” nhà trường công bố chiều 30-7 cũng có cột “môn thi chính hệ số 2”. Thế nhưng cách tính mới nhất của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không nhân hệ số. Và thí sinh cho rằng họ rớt oan uổng!
Không thể để thí sinh chịu thiệt PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - nhận định có thể nhóm công tác xét tuyển của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã làm sai. Vì trong đề án tuyển sinh nhà trường quy định môn chính nhân hệ số 2 nhưng khi xét tuyển đã quên mất việc này, dẫn đến việc xác định điểm chuẩn không nhân hệ số. “Trong tình huống này, theo tôi, nhà trường phải tính lại điểm xét tuyển theo đúng như phương án đã công bố ban đầu để điều chỉnh điểm chuẩn các ngành áp dụng nhân hệ số 2 với môn chính. Với điểm chuẩn mới, trong số thí sinh đã trúng tuyển sẽ xảy ra tình huống có những thí sinh đậu thành rớt, nhà trường phải cho đậu luôn. Nếu số thí sinh này quá nhiều so với chỉ tiêu thì nhà trường cũng phải chấp nhận và xin Bộ GD-ĐT trừ vào số chỉ tiêu tuyển sinh năm sau. Nhà trường có lỗi phải nhận, chứ không nên để thí sinh chịu thiệt” - ông Xê nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận