27/07/2012 05:40 GMT+7

Trung tâm cấp cứu... kêu cứu

Đ.CƯỜNG - H.KHÁ
Đ.CƯỜNG - H.KHÁ

TT - Dù được đầu tư, trang bị một hệ thống cơ sở vật chất khang trang ở quận Liên Chiểu, nhưng Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng (115 ĐN) đang kêu cứu vì có những bất cập khiến nhiệm vụ cứu người nhiều lúc không kịp thời.

XemK3CoG.jpgPhóng to
Từ khi chuyển về cơ sở mới, Trung tâm cấp cứu 115 liên tục bị người dân phàn nàn tới trễ do đường sá xa xôi và phải tránh đường tàu hỏa - Ảnh: Đoàn Cường

Một buổi sáng giữa tháng 7, 115 ĐN nhận được điện báo có bốn người bị điện giật ở quận Thanh Khê. Ngay lập tức hai xe cứu thương lên đường, tuy nhiên khi đến khu vực ngã ba Huế thì gặp gác chắn tàu hỏa nên phải dừng lại và gần 20 phút sau xe mới di chuyển được. Khi đến hiện trường thì các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu.

Thấy xe 115, người dân đã bức xúc “chửi” thẳng: “Cấp cứu gì vậy, người ta chết rồi mới đến à!”. Một trường hợp khác, một bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nguy kịch nên người thân gọi tới 115. Xe cấp cứu đến nơi sau 15 phút nhưng đã muộn, người thân của bệnh nhân đã bức xúc, chửi bới kíp trực.

“Những lời mạt sát ấy làm chúng tôi rất buồn và ức chế trong công việc. Nếu ở cơ sở cũ thì chỉ mất 3-5 phút di chuyển cho hai trường hợp trên” - bà Phạm Thị Ánh Hồng, phó giám đốc 115 ĐN, cho biết. Bà Hồng nói từ khi trung tâm được chuyển lên cơ sở mới ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cách trung tâm thành phố 5-7km, xe cấp cứu thường tới trễ nên người nhà phải tìm phương tiện khác đưa người bệnh vào viện.

Và lúc đó, các bác sĩ của 115 lại phải “chịu trận” vì người nhà bệnh nhân cho rằng cấp cứu thờ ơ, vô trách nhiệm. Theo thống kê, gần một tháng về cơ sở mới, trong gần 100 ca cấp cứu thì có đến 80% số ca bị người dân phàn nàn, bức xúc vì bác sĩ tới trễ. Bà Hồng cho biết việc xe cấp cứu đến trễ có thể khiến bệnh nhân tử vong, bệnh tình nặng thêm do không được sơ cứu kịp.

Cùng với việc không cấp cứu bệnh nhân kịp thời là chi phí tăng lên chóng mặt từ khi 115 ĐN dời đến nơi mới. Bà Hồng cho biết do cự ly di chuyển xa nên chi phí xăng, dầu tăng gấp đôi, trước đây mỗi ngày có từ 60-70 ca gọi cấp cứu thì giờ còn khoảng 30 ca/ngày. Trước tình hình này, lãnh đạo 115 ĐN đã có tờ trình gửi Thành ủy Đà Nẵng xin bố trí trở lại một cơ sở tại quận Hải Châu để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân.

Chiều 26-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hùng Chiến, giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh sau khi nhận được tờ trình của 115 ĐN đã đi khảo sát thực tế và đã có chỉ đạo xử lý. Theo đó, sẽ đặt một trạm cấp cứu tạm thời (hai phòng) ở khu vực trung tâm (nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng) để phục vụ cấp cứu cho người dân hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Ông Chiến nói nếu đặt một trạm ở khu vực trung tâm thì hoạt động tiếp nhận và xử lý các ca cấp cứu kịp thời và không có gì xáo trộn so với trước đây.

Đ.CƯỜNG - H.KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên