08/04/2018 12:39 GMT+7

Trung Quốc tuyên bố chơi cứng với Mỹ nhưng lại đi cửa sau

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Một mặt tuyên bố với những lời lẽ mạnh mẽ rằng sẽ "ăn miếng, trả miếng" với các quyết định áp thuế của Mỹ, mặt khác Bắc Kinh vẫn đi vận động các nước khác và thậm chí cả doanh nghiệp Mỹ đứng về phía mình.

Trung Quốc tuyên bố chơi cứng với Mỹ nhưng lại đi cửa sau - Ảnh 1.

Các mồi lửa chiến tranh thương mại đã bắt đầu nhen nhóm với việc Mỹ tuyên bố áp thuế cao đối với mặt hàng thép, nhôm nhập vào Mỹ - Ảnh: REUTERS

Hôm nay (8-4), truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại Mỹ chống lại kế hoạch của Tổng thống Donald Trump xem xét áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 100 tỉ USD, tức tăng gấp đôi so với mức dự kiến trước đó.

Tờ Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh "kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, trong đó có giới công nghiệp và thương mại Mỹ, đưa ra các biện pháp tức thì và hiệu quả cũng như hối thúc Chính phủ Mỹ sửa chữa những sai lầm".

Theo bài báo này, các doanh nghiệp và ngành nghề Trung Quốc sẽ chung tay ủng hộ bất cứ hành động nào của chính phủ nhằm đối phó đợt áp thuế bổ sung này của Washington.

Hôm 6-4, Bắc Kinh vẫn còn cảnh báo đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp thương mại mới nhằm đáp trả mạnh mẽ nếu Tổng thống Donald Trump tiến hành việc áp thuế bổ sung trị giá 100 tỉ USD, đồng thời đâm đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), qua đó kích hoạt khoảng thời gian 60 ngày để hai nước giải quyết vấn đề này.

Và cũng trong ngày 6-4, Bắc Kinh đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng chung lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu tăng tốc.

Người đứng đầu Phái bộ Trung Quốc tại EU, ông Trương Minh (Zhang Ming) nhấn mạnh: "Trung Quốc và EU cần đưa ra quan điểm rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ, cùng nhau bảo vệ trật tự thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và giữ cho nền kinh tế toàn cầu đi trên con đường ổn định".

Theo ông Trương, đây là trách nhiệm chung của cả Bắc Kinh và Brussels và hai bên cần cùng nhau hành động để chống lại cái gọi là "các động thái ủng hộ bảo hộ trong nước" của Mỹ.

Trung Quốc tuyên bố chơi cứng với Mỹ nhưng lại đi cửa sau - Ảnh 2.

Trung Quốc liên tục cảnh báo rằng xảy ra chiến tranh thương mại thì cả hai đều phải chịu thiệt - Ảnh biếm họa

Cộng đồng quốc tế phải cùng chống lại những hành động đơn phương và những vi phạm luật chơi như thế, phải cùng bảo vệ sự phát triển của kinh tế toàn cầu và giúp những ai nghĩ rằng mình muốn chơi kiểu gì thì chơi quay về đúng hướng”

Ông Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu trong họp báo tại Matxcơva ngày 5-4

Trong khi đó, phía Mỹ dường như có sự chuẩn bị khá kỹ: các bước thực thi trừng phạt đã được chuẩn bị sẵn sàng, gia tăng theo cách đáp trả của quốc gia bị áp thuế mới.

Như trong lời dọa tăng gấp đôi số hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ cần bị đánh thuế, Tổng thống Trump lý giải cho quyết định của mình là Bắc Kinh "thay vì sửa chữa cách hành xử sai của mình lại lựa chọn gây tổn hại cho các nông dân và nhà sản xuất của Mỹ".

Trên tài khoản Twitter ngày 7-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục phàn nàn về những hoạt động thương mại "không công bằng" mà Trung Quốc đang thực hiện với Mỹ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh gỡ bỏ các rào cản thương mại.

Ông nêu rõ: "Mỹ chưa hề đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc trong 40 năm qua. Họ phải chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng, gỡ bỏ các rào cản và chỉ tính thuế theo nguyên tắc có đi có lại. Mỹ đang mất 500 tỉ USD một năm và mất hàng tỉ USD trong nhiều thập niên qua. Điều này không thể tiếp diễn!".

Đây là những số liệu cũng như quan điểm làm ăn mà ông Trump không ngừng nêu ra trong quá trình tranh cử cách đây 2 năm. Ngay khi nhậm chức, ông cũng đã ra lệnh cho cấp dưới tiến hành ngay các cuộc điều tra chuyên sâu để xem Mỹ đang bị thâm hụt với những nước nào và tại sao như thế.

Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng thương mại song phương bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington từ ngày 20 đến 22-4 tới. Tuy nhiên, cho đến nay cả hai nước đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc gặp nào.

Theo số liệu của Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc trong năm 2017 là 375 tỉ USD.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên