Màn hình cỡ lớn trình chiếu hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hotan thuộc Tân Cương (Trung Quốc) ngày 30-4-2021 - Ảnh: REUTERS
Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng ép người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương mà Tổng thống Biden ký thông qua ngày 23-12 (giờ Mỹ) được dự báo sẽ châm ngòi cho những tranh cãi mới giữa Bắc Kinh và Washington.
Trong phản ứng mới nhất, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã chỉ trích hành động của Mỹ là "phớt lờ sự thật và vu khống ác ý tình hình nhân quyền ở Tân Cương".
"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, đồng thời là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc cực lực lên án và kiên quyết bác bỏ điều đó", người phát ngôn của đại sứ quán Liu Pengyu nhấn mạnh trong tuyên bố gởi đến Hãng tin Reuters qua email.
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ đáp trả Mỹ tùy vào tình hình và diễn biến thực tế nhưng không nói rõ thêm.
Đạo luật mà ông Biden vừa ký chưa ráo mực được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng 12 này.
Mấu chốt tranh cãi của đạo luật là nó giả định rằng tất cả hàng hóa sản xuất tại Tân Cương của Trung Quốc là sản phẩm của những người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng ép làm việc.
Theo Reuters, các hàng hóa từ Tân Cương muốn nhập vào Mỹ phải làm thêm một động tác là chứng minh đây không phải là sản phẩm của lao động cưỡng ép. Nếu không chứng minh được, những hàng hóa này sẽ bị cấm xuất khẩu đến Mỹ.
Một số hàng hóa - chẳng hạn như bông, cà chua và polysilicon được sử dụng trong sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời - nằm trong nhóm ưu tiên cao để thực thi theo yêu cầu trong đạo luật.
Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Tân Cương và bằng cách này hay cách khác đã hiện diện trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đã đẩy một số doanh nghiệp vào thế khó vì phải đứng giữa việc chấp hành luật của Mỹ mà không chọc giận Trung Quốc.
Tập đoàn Intel là minh chứng mới nhất cho điều này. Hôm 23-12, chi nhánh Intel tại Trung Quốc phải công khai xin lỗi sau khi khiến công chúng nước này phẫn nộ vì yêu cầu các nhà cung cấp tránh xa mọi sản phẩm liên quan Tân Cương để tuân thủ luật Mỹ.
"Chúng tôi xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra cho các khách hàng Trung Quốc đáng kính cùng các đối tác và người dân Trung Quốc", tuyên bố xin lỗi của Intel có đoạn viết.
Trung Quốc nhiều lần phủ nhận có cái gọi là "trại cải tạo" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và bác bỏ việc bắt ép những người này làm việc. Chính quyền Bắc Kinh và truyền thông nước này nhấn mạnh dưới sự quan tâm của trung ương, Tân Cương ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho người dân tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận