26/09/2014 07:53 GMT+7

​Trung Quốc “thừa thầy thiếu thợ”

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Do việc mở rộng giáo dục bậc cao ồ ạt dẫn đến mất cân đối, tỉ lệ cử nhân thất nghiệp và bán thất nghiệp ở Trung Quốc đang tăng nhanh trong những năm qua.

Sinh viên tỉnh An Huy trong kỳ thi đại học 2014 - Ảnh: Reuters
Sinh viên tỉnh An Huy trong kỳ thi đại học 2014 - Ảnh: Reuters

Kết quả khảo sát của Trường đại học Bắc Kinh gần đây cho biết hơn 1/3 số sinh viên mới tốt nghiệp còn sống nhờ vào cha mẹ.

Còn báo cáo việc làm của sinh viên tốt nghiệp sinh sau năm 1990 cho biết số tân cử nhân ở 68 tỉnh thành của Trung Quốc có việc làm và lương tháng chỉ khoảng 2.443 nhân dân tệ (hơn 8 triệu đồng VN).

Bộ tộc kiến

Thuật ngữ “ant tribe” (tạm gọi là bộ tộc kiến) được dùng để mô tả hoàn cảnh khó khăn, chen chúc của thế hệ cử nhân sinh sau năm 1980 có thu nhập thấp ở Trung Quốc. Họ chấp nhận sống trong điều kiện nghèo khổ ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Quỹ phát triển thanh niên Trung Quốc ước tính chỉ riêng ở Bắc Kinh đang có hơn 160.000 thành viên “ant tribe” và 1/3 trong số đó là cử nhân bước ra từ các trường đại học danh tiếng.

Triệu Chấn, 26 tuổi, là một ví dụ. Hai năm trước anh tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trường đại học ở Cáp Nhĩ Tân nhưng hiện làm nghề viết chương trình máy tính với đồng lương chỉ 3.443 nhân dân tệ. Triệu sống với năm người khác trong căn hộ ba phòng ngủ.

“Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn tôi nghĩ khi còn học ở đại học. Tôi nghĩ bằng cấp có thể giúp ích cho mình nhưng không phải vậy, vì bây giờ ai cũng có bằng cấp như tôi” - Triệu than thở.

Trước tình cảnh cử nhân ra trường không biết làm gì, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển 600 trường đại học thành trường bách khoa nhằm đào tạo thêm sinh viên chuyên về kỹ thuật, vá lỗ hổng hiện nay là “lắm thầy khoa học nhưng thiếu thợ thủ công lành nghề”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng giải pháp này sẽ lại gây ra mất cân đối trong nguồn nhân lực nếu không quy hoạch đúng. Thành Phương Bình, chuyên gia thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, hiến kế: ngành giáo dục Trung Quốc nên tạo thêm điều kiện hỗ trợ các cử nhân bằng cách cho vay để khởi nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh tìm việc công bằng hơn là dựa vào các mối quan hệ “con ông cháu cha”.

Ông cho rằng nhiều tân cử nhân hiện nay muốn trở thành công chức hay nhân viên văn phòng không phải do sở thích, mà vì tin rằng con đường này sẽ giúp giàu sang mau chóng. “Xã hội đừng phân định rõ khoảng cách giữa công chức và lao động bình thường mà nên đi theo hướng khi bạn làm việc chăm chỉ thì sẽ nhận được sự trọng vọng của xã hội” - chuyên gia Thành nhận định.

Nguy cơ bất ổn

Một ví dụ khác: Vương Hiểu Bình, 23 tuổi, cử nhân đại học chính trị và luật, vào làm trong một công ty dịch vụ môi trường với đồng lương chưa tới 350 USD. Thỉnh thoảng Vương vẫn còn phải xòe tay xin tiền của cha mẹ.

“Tôi đã gửi hồ sơ lý lịch cho hơn 10 công ty trong suốt ba tháng mới kiếm được việc làm này. Tôi biết sẽ rất khó khăn và đã chuẩn bị tinh thần nhưng thật sự lo không biết làm sao có thể kết hôn hay mua nhà với đồng lương thế này” - báo Strait Times dẫn lời Vương.

Song vấn đề này không chỉ dấy lên mối quan ngại liên quan đến miếng cơm manh áo mà còn làm cho giới xã hội học Trung Quốc lo về “sự bất ổn” trong chuyện sử dụng nguồn nhân lực, lãng phí chất xám.

Giới chuyên gia cảnh báo khi lượng tân cử nhân thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng trái ngành nghề và nhận đồng lương không đủ nuôi sống bản thân có thể là nguồn cơn dẫn đến “sự bất ổn” xã hội một khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Giáo sư Trịnh Vũ Hạng thuộc Đại học Hong Kong dự đoán khoảng 30% sinh viên mới ra trường sẽ thất nghiệp vào cuối năm 2014. “Khi mà chúng ta chưa nhìn nhận đúng mức hiện tượng này là nguồn cơn của sự bất ổn thì những bất bình xã hội đang tích tụ ngày càng lớn” - giáo sư Trịnh nhận định.

Giáo sư Trịnh khẳng định sự mất cân đối giữa lượng sinh viên tốt nghiệp đại học và sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc không phải là vấn đề mới ở nước này. Bởi, kiểu tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư và thương mại của Trung Quốc đang sản sinh những công việc “văn phòng” kém hiệu quả.

Chỉ 14% sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc tìm được việc làm trong tháng 6-2014, tỉ lệ thấp nhất trong 10 năm qua.

Các cử nhân chưa có việc còn đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của 7,3 triệu sinh viên chuẩn bị ra trường năm 2014, con số cao gấp bảy lần cách đây 15 năm.

 

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên