15/11/2017 16:55 GMT+7

Trung Quốc sẽ đàm phán COC với ASEAN

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đây được đánh giá là một bước đột phá cho vấn đề Biển Đông, bên cạnh các chương trình nghị sự tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (ASEAN 31).

Trung Quốc sẽ đàm phán COC với ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn chụp ảnh chung - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại các hội nghị trong khuôn khổ cấp cao ASEAN 31 bế mạc ngày 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác, đánh giá cao cam kết của các đối tác về hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực.

Hàng xóm tốt

Trong tuyên bố tối 13-11 (giờ Manila), người phát ngôn Robespierre Bolivar của Phủ tổng thống Philippines cho biết các nước láng giềng và Trung Quốc sẽ "bắt đầu đàm phán về bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và trọng yếu" trên Biển Đông, dựa trên khuôn khổ đã đạt được hồi tháng 8-2017. Tuy nhiên, Philippines không nói rõ khi nào đàm phán sẽ bắt đầu.

Tuyên bố chung của ASEAN và Trung Quốc cũng nhấn mạnh vấn đề an ninh trên Biển Đông, cho biết tình hình hiện "lắng dịu hơn" nhưng không thể bỏ mặc. "Điều quan trọng là chúng ta phải hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do đi lại và hàng không trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế" - Manila Bulletin dẫn tuyên bố.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố Bắc Kinh luôn coi ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. "Chúng tôi cam kết hợp tác với ASEAN để trở thành những hàng xóm tốt, bạn tốt và đối tác tốt cùng nhau" - thủ tướng Trung Quốc nói trong bài phát biểu, dù không đề cập trực tiếp đến Biển Đông. Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, khiến các nước láng giềng lo ngại trong thời gian qua với các hoạt động bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự.

Giới phân tích sợ rằng việc đồng ý tham gia đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) chỉ là cách để Bắc Kinh câu giờ cho các hoạt động quân sự. Theo Reuters, bộ khuôn khổ không nhấn vào tính ràng buộc về pháp lý, cũng như không xác định được cơ chế giải quyết tranh chấp. Trên Kyodo News, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng nhấn mạnh việc cần một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về pháp lý để giảm căng thẳng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

RCEP hoãn đến năm 2018

Vấn đề an ninh, từ bán đảo Triều Tiên, Biển Đông đến tình hình ở bang Rakhine (Myanmar) là trọng tâm tại Hội nghị Đông Á (EAS) ở Manila ngày 14-11 của ASEAN và 8 nước đối tác. Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, các nước tiếp tục "hối thúc mạnh mẽ Triều Tiên tuân thủ ngay lập tức và đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" và "từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa một cách toàn diện".

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại các nguyên tắc được ASEAN thống nhất, bao gồm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS); kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không quân sự hóa; tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC hiệu quả. Thủ tướng khẳng định cần thúc đẩy đàm phán một COC mang tính khả thi, ràng buộc pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm góp phần duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định lâu dài và bền vững.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhiều vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng lưu ý là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2017 như kỳ vọng.

Trung Quốc đề xuất tầm nhìn đối tác chiến lược với ASEAN

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra ở Manila (Philippines) ngày 13-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra đề xuất hình thành tầm nhìn đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN đến năm 2030, nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Theo đề xuất này, tầm nhìn đối tác chiến lược sẽ nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai bên từ thể thức 2+7 lên 3+X, đồng nghĩa với việc Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng nhau chia sẻ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực dựa trên ba trụ cột chính gồm an ninh - chính trị, kinh tế - thương mại và kết nối cộng đồng.

Đây là một sự nâng cấp rõ rệt từ thể thức 2+7 hiện tại, trong đó nhấn mạnh nhất thể hóa chính trị dựa trên 2 điểm gồm cải thiện lòng tin chiến lược song phương và thúc đẩy hợp tác kinh tế, với 7 lĩnh vực hợp tác chính gồm thương mại, kết nối song phương, trao đổi an ninh...

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên