Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) trò chuyện với ông Teo Chee Hean - phó thủ tướng Singapore kiêm bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia - tại Singapore ngày 13-11 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu khi đang ở thăm Singapore ngày 13-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu rõ: trong hai thập niên qua, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc hi vọng điều này sẽ tạo cơ hội giúp đạt được bước tiến quan trọng trong quá trình tham vấn COC.
Trước đó, phát biểu tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 12-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng nỗ lực với các nước trong khu vực đẩy nhanh thúc đẩy tham vấn về COC.
Trước đó, trong hai ngày 25 và 26-10, tại thủ đô Manila của Philippines, các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp lần thứ 16 về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Philippines đã cùng Trung Quốc đồng chủ trì cuộc họp đó.
Về tình hình Biển Đông và kiểm điểm thực hiện DOC, nhiều nước bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng quân sự hóa, các hoạt động đơn phương và nhất là nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng vũ trang trên biển của các nước.
Trong bối cảnh đó, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông thông qua đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh thực hiện đầy đủ DOC và nỗ lực hơn nữa trong xây dựng một COC thực chất, hiệu quả, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải, hàng đầu) cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long duyệt đội quân danh dự tại Phủ thủ tướng Singapore Istana ngày 12-11 khi ông Lý Khắc Cường có chuyến thăm chính thức - Ảnh: REUTERS
Hồi tháng 8, ASEAN và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận một "văn bản duy nhất" đàm phán về COC, được đánh giá là bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên.
Đây là văn bản cơ sở cho các cuộc đàm phán để xây dựng một COC thực chất, hiệu quả, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS năm 1982.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục duy trì chính sách tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và không ngừng khuyến cáo Bắc Kinh về những hành xử thái quá trên biển.
Mỹ tuyên bố không theo đuổi một cuộc "Chiến tranh lạnh" mới với Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực.
Gần nhất là sau cuộc Đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung lần thứ 2 tại thủ đô Washington ngày 9-11, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nêu rõ tại cuộc họp báo rằng Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hành động và việc quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ hối thúc Trung Quốc tuân thủ những cam kết trước đây tại khu vực này.
Tham gia cuộc đối thoại này có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Tập trận chung ASEAN - Trung Quốc
Cần nhớ là hôm 22-10, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông đã bắt đầu diễn ra ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Hải quân Singapore - nước hiện giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2018 và hải quân Trung Quốc đồng tổ chức sự kiện này.
Nghi lễ mở đầu cho cuộc tập trận hải quân chung của ASEAN - Trung Quốc tổ chức ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc - Ảnh: LIANHE ZAOBAO
Tư lệnh Hải quân Singapore, chuẩn đô đốc Lew Chuen Hong đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Biển Đông đối với khu vực, đồng thời khẳng định sự ổn định và an ninh được bảo toàn trên Biển Đông là cơ sở duy nhất có thể đảm bảo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.
Theo ông, điều quan trọng là cần có một bộ quy tắc chung và các nước trong khu vực cần có sự thấu hiểu để đảm sự ổn định cũng như chia sẻ quyền lợi chung từ những "không gian chung". Cụ thể như Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) mà trong năm ngoái đã được các nước ASEAN và các cường quốc trong khu vực nhất trí thúc đẩy.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết 8 tàu chiến đã rời cảng Trạm Giang cùng với 1.200 quân nhân của 11 nước tham gia cuộc tập trận này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông tin là cuộc tập trận kéo dài đến ngày 28-10, bao gồm nội dung hoạt động cứu hộ cứu nạn chung và thông tin liên lạc.
Ý tưởng về cuộc tập trận này lần đầu được đề xuất vào năm 2015 và được ASEAN cùng Trung Quốc nhất trí tiến hành tại một cuộc họp hồi tháng 2-2017. Theo kế hoạch, một cuộc tập trận tương tự giữa ASEAN và Mỹ cũng sẽ diễn ra vào năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận