17/07/2012 07:31 GMT+7

Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Nhiều tháng qua, Trung Quốc và báo chí nước này cứ ra rả “phản đối các hành vi quân sự khiêu khích” của các nước nhỏ khác trên biển Đông. Nhưng chính Bắc Kinh đang công khai quân sự hóa khu vực này.

* Philippines phản đối Trung Quốc đưa tàu cá đến biển Đông

Tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt NamBiển Đông: Trung Quốc gây tranh chấp tùy tiện

L9ZKqW6b.jpgPhóng to
Tàu ngư chính 310 hộ tống một trong số 30 tàu cá của Trung Quốc ở khu vực đảo Đá Chữ Thập - Ảnh: Chinanews.com

Cuối tháng 6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố quân đội Trung Quốc đã thành lập “hệ thống tuần tra sẵn sàng chiến đấu” trên biển Đông. Cuối tuần qua, cũng vẫn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận tàu khu trục 560 lớp Giang Hồ V, được trang bị tên lửa, của hải quân Trung Quốc bị mắc cạn ở bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khi đang “tuần tra định kỳ”.

Lâu nay, từ tuyên bố chủ quyền sang đến thực thi chủ quyền trên biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng dân sự, bao gồm các tàu ngư chính và hải giám. Giới chuyên gia phương Tây đã mô tả đây là chiến thuật “cây gậy nhỏ”, “quyền lực mềm” của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là “lập lờ đánh lận con đen”, bởi thực chất các tàu hải giám, ngư chính, thậm chí cả tàu cá của Trung Quốc đều được trang bị vũ khí. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), từng chỉ ra rằng ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trên biển Đông có “quan hệ thân cận” với hải quân Trung Quốc.

Trên thực tế các tàu này là lực lượng bán quân sự giả trang dân sự, đến thực hiện chủ quyền một cách bất hợp pháp tại các vùng biển tranh chấp, thậm chí cả các vùng biển không có tranh chấp trên biển Đông. Nói nôm na đó là “sói đội lốt cừu”.

Nhưng nay thì sói cũng đã trút bỏ lốt cừu khi Trung Quốc công khai sử dụng tàu chiến và tàu quân sự để tuần tra, dấn thêm một bước nữa trong việc quân sự hóa biển Đông (bước đầu tiên là sử dụng lực lượng bán quân sự). Lịch sử thế giới luôn cho thấy một nước đang mưu toan xâm lấn, chiếm đoạt nước khác thường bắt đầu tìm cớ gây chiến với kiểu gây hấn mở màn được gọi là “ngoại giao pháo thuyền”, “ngoại giao tàu chiến” hay nôm na hơn là “ngoại giao trên đầu súng“!

Chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh sẽ khiến các nỗ lực đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông trở nên khó khăn, dễ có nguy cơ diễn biến căng thẳng dẫn đến va chạm, đụng độ. Lúc đó sẽ không còn theo kiểu “cắt dây cáp” hay dùng tàu lớn ép tàu nhỏ mà là những cuộc đụng độ nghiêm trọng, đổ máu... Có tấn công uy hiếp tất có tự vệ chính đáng.

Biển Đông là một trong những tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất thế giới. Nếu xảy ra đụng độ, súng nổ, tên lửa được phóng, chắc chắn tự do và an ninh hàng hải quốc tế sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Đó là kịch bản mà Mỹ, Nhật và tất cả các nước trên thế giới đều lo ngại và muốn ngăn chặn triệt để. Vậy mà Trung Quốc lại thổi phồng thành “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài” chính là để một mình mưu đồ độc chiếm biển Đông?

Philippines phản đối Trung Quốc đưa tàu cá đến biển Đông

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) ngày 16-7 tuyên bố sẽ lập hồ sơ chính thức để phản đối việc Trung Quốc xua 30 tàu cá xuống khu vực đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cảnh cáo những tàu này không được xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Đây là phản ứng đầu tiên của Philippines kể từ khi 30 tàu cá Trung Quốc bắt đầu tràn xuống biển Đông từ cảng Tam Á của tỉnh Hải Nam hôm 12-7. Tân Hoa xã cùng ngày cho biết 30 chiếc tàu cá Trung Quốc đã đến khu vực đảo Đá Chữ Thập chiều 15-7 dưới sự hộ tống của tàu ngư chính 310, tàu hiện đại nhất trong đội tàu ngư chính của Trung Quốc. Thời tiết hai ngày nay ở Trường Sa như đang chơi khăm với những trận mưa như trút khiến cả đoàn tàu vẫn phải án binh bất động, song đến chiều 16-7 họ vẫn lên kế hoạch đánh bắt cá trong đêm. Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đang tăng cường tuần tra ở biển Đông để bảo vệ các tàu cá của mình có mặt trong khu vực.

“Nếu họ xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ chính thức phản đối” - báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn DFA Hermander cảnh báo.

Báo này cũng cho biết tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Jessie Dellosa có thể sẽ thảo luận với chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Samuel Locklear III, về việc Trung Quốc đang bành trướng ở biển Đông.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên