15/07/2012 16:34 GMT+7

Biển Đông: Trung Quốc gây tranh chấp tùy tiện

DƯƠNG DANH HUY - LÊ VĨNH TRƯƠNG - LÊ TRUNG TĨNH
DƯƠNG DANH HUY - LÊ VĨNH TRƯƠNG - LÊ TRUNG TĨNH

TTO - Tham vọng của Trung Quốc để độc chiếm biển Đông đã làm cho các tranh chấp không còn đơn thuần là vấn đề nước nào có chủ quyền mà còn là vấn đề liệu các khu vực ấy có phải là khu vực tranh chấp hay không.

Tại sao câu hỏi một khu vực nào đó có phải là khu vực tranh chấp hay không lại là một câu hỏi quan trọng? Những nguyên tắc nào sẽ được sử dụng để trả lời câu hỏi này?

Khuấy đục đáy biển Thái Bình

Ddo2ElyU.jpgPhóng to
Tàu đánh cá của Trung Quốc (tàu lớn) đã đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sáng 13-7. Báo Tin Tức Hải Nam cho biết tại khu vực Hoàng Sa, các tàu Trung Quốc đã chạm mặt tàu đánh cá của Việt Nam, song báo này không cho biết chi tiết các tàu Trung Quốc có gây hấn với ngư dân Việt Nam hay không - Ảnh: chinanews.com

Vào ngày 23-6-2012, Công ty Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã chào mời thầu cho 9 lô dầu khí trên biển Đông. Các lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý mà Việt Nam tuyên bố. Về phía tây, chúng nằm dọc đường chữ U của Trung Quốc và lấn vào tới cách bờ biển Việt Nam 57 hải lý.

Vào ngày 26-6-2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố rằng vùng này “nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam… Khu vực này hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại rằng quyền quản hạt của họ có thể áp dụng cho khu vực này và nói đến nhận thức chung giữa hai nước về việc “giải quyết đúng đắn các tranh chấp trên biển”, với hàm ý khu vực này là khu vực có tranh chấp. Dĩ nhiên là Trung Quốc đang cố gắng biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp nhằm cản trở Việt Nam khai thác khu vực đó và đòi Việt Nam chia sẻ tài nguyên.

Cuộc tranh cãi về việc một khu vực nào đó có phải là khu vực tranh chấp đã mang dư âm của sự kiện tháng 5-2011 khi các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn do tàu khảo sát địa lý Việt Nam tiến hành. Khi đó, Việt Nam đã khẳng định rằng khu vực xảy ra sự kiện này là khu vực không tranh chấp, còn Trung Quốc thì không đồng ý.

Cũng tồn tại một tranh cãi tương tự giữa Trung Quốc và Philippines về EEZ trong khu vực bãi Cỏ Rong. Philippines cho rằng EEZ ở đó không nằm trong tranh chấp Trường Sa và do vậy bản thân nó không phải là đối tượng của tranh chấp, khác với cách nghĩ của Trung Quốc.

Cần phải xác định rõ ràng khu vực tranh chấp

Những sự bất đồng ý kiến trên đây đưa chúng ta đối diện với vấn đề “Nơi đâu là vùng tranh chấp trên biển Đông?”. Điều đáng ngạc nhiên là chưa có một bên nào trong tranh chấp đảo đã đưa ra phạm vi của các EEZ mà họ cho rằng thuộc về các đảo đó, do vậy các giới hạn của các khu vực tranh chấp vẫn còn chưa được rõ ràng.

Để giải quyết tranh chấp biển một cách rạch ròi thì phải giải quyết được tranh chấp chủ quyền trên các đảo. Trong tình trạng các nước trong tranh chấp không chấp nhận để cho tòa phân xử thì sẽ không giải quyết tranh chấp đảo được, cho nên không giải quyết tranh chấp biển một cách rạch ròi được.

Sự vắng mặt các ranh giới cho vùng tranh chấp, dù là ranh giới được tuyên bố đơn phương hay ranh giới được các bên cùng chấp nhận, làm cho khó có thể quản lý tranh chấp. Ngoài ra, nếu các bên không đồng ý về đâu là vùng tranh chấp, đâu không phải thì sẽ dẫn đến những xung đột nguy hiểm.

Một ví dụ cho nhu cầu xác định vùng tranh chấp là Tuyên bố về ứng xử cho các bên tại biển Đông 2002 (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Việc văn bản này không phân biệt các khu vực tranh chấp với các khu vực không tranh chấp là một hạn chế không khác gì quy định một vận tốc tối đa cho cả đường xa lộ và đường phố trong khu dân cư.

Dĩ nhiên, cần phải có cách ứng xử khác nhau phù hợp cho khu vực có tranh chấp và khu vực không có tranh chấp. Không ngạc nhiên mấy khi DOC có quá ít công dụng trong việc xử lý tranh chấp về không gian biển trước nay.

Nếu sắp tới đây Bộ quy tắc về ứng xử mới (Code of Conduct) cũng không phân biệt các khu vực tranh chấp với các khu vực không tranh chấp, bộ quy tắc cũng sẽ chịu những hạn chế tương tự.

Một ví dụ khác là lời đề nghị gác tranh chấp và cùng khai thác của Trung Quốc.

Nếu việc “gác tranh chấp cùng khai thác” tôn trọng những nguyên tắc công bằng thì đó là một cách tiếp cận có thể chấp nhận được cho việc quản lý tranh chấp. Nhưng trên thực tế không thể dùng cách tiếp cận đó khi không có sự đồng thuận giữa các bên tranh chấp về vùng tranh chấp.

Thí dụ như Trung Quốc đòi khai thác chung các vùng Tư Chính, Nam Côn Sơn là vô lý, và không chấp nhận khai thác chung ở Hoàng Sa, bức hại ngư dân Việt Nam là vô lý nhân đôi.

Những nguyên tắc nhằm xác định khu vực có tranh chấp

Có quan điểm cho rằng nếu tồn tại tuyên bố tại khu vực nào có xung đột thì khu vực ấy có tranh chấp. Tuy nhiên, đưa ra một tiêu chuẩn chung ở mức thấp như vậy sẽ cho phép các nước biến bất kỳ khu vực nào đó thành khu vực có tranh chấp bằng cách cố tạo ra tranh cãi ở khu vực đó.

Ví dụ, Trung Quốc có thể bắt đầu tuyên bố một cách cụ thể là đường chữ U thể hiện cho một biên giới trên biển nhằm làm cho tất cả khu vực bên trong đường chữ U thành khu vực có tranh chấp, Malaysia và Indonesia có thể tuyên bố đòi quyền lịch sử bên trong một đường chữ U vẽ ngược lên trên để làm cho các vùng nước ngoài khơi đảo Hải Nam trở thành vùng tranh chấp, trong khi Philippines và Việt Nam có thể tuyên bố tương tự với các đường chữ C và đường chữ D. Rõ ràng là một tiêu chuẩn chung thấp và không cần biết đến đúng sai như thế sẽ chỉ khiến cho nỗ lực giới hạn và quản lý các tranh chấp càng thêm bất khả.

Thay vì vậy, tiêu chuẩn chung cho khái niệm “khu vực tranh chấp” cần phải được dựa vào UNCLOS vốn đã minh định những vùng biển cụ thể và bao hàm nguyên tắc có từ tập quán luật quốc tế rằng các yêu sách về các vùng biển ấy phải dựa vào đất và đảo. Tiêu chuẩn chung này có thể được làm rõ hơn bằng luật quốc tế về phân định biển.

Và rõ ràng hiện nay vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo và đá của Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough đang thuộc vùng tranh chấp. Bên ngoài các khu vực đó, bức tranh xem ra phức tạp hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra các khả năng khác nhau.

Một cực của các khả năng là ý kiến cho rằng không có đảo hay đá nào trong vùng tranh chấp có thể được hưởng quy chế EEZ và thềm lục địa. Ở cực này thì khu vực tranh chấp phải chỉ được gói gọn trong khu vực lãnh hải 12 hải lý tính xung quanh các đảo và đá.

Cực kia của các khả năng là giả định các đảo và đá ở rìa của các quần đảo trong tranh chấp đều là rộng lớn, đông dân cư và có nền kinh tế quan trọng, nên được cho là ngang hàng với đất liền trong việc tính EEZ. Ở đây cần nhấn mạnh là cực này không có cơ sở thực tế địa lý hay luật quốc tế - nó chỉ để đánh dấu một thái cực mà dù có vô lý đến mấy thì cũng không thể vượt qua.

Ở thái cực vô lý nhất có thể này, ranh giới của khu vực tranh chấp là đường trung tuyến giữa những vùng lãnh thổ không có tranh chấp và các đảo và đá ngoài cùng của Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Trên thực tế, chắc chắn là các đảo và đá ngoài cùng của Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough không được cho là tương đương với đất liền trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế, cho nên ranh giới hợp lý của khu vực tranh chấp sẽ không thể nào vươn ra đến gần đường trung tuyến. Không những thế, theo luật quốc tế thì các đảo nhỏ như các đảo đang bị tranh chấp này thường chỉ được ít, hay không được, EEZ xa hơn 12 hải lý trong vùng có chồng lấn với EEZ từ đất liền.

Kết luận

Thay vì ứng dụng một tiêu chuẩn chung quá dễ dãi và không có cơ sở để cho rằng vùng nào của biển Đông cũng có thể là vùng có tranh chấp, các bên trong tranh chấp cần sử dụng một tiêu chuẩn phù hợp với UNCLOS và luật quốc tế. Hơn nữa, các bên tranh chấp cần có thỏa thuận chung về phạm vi của vùng tranh chấp. Việc này có thể đạt được thông qua đàm phán hoặc thông qua một tòa án quốc tế.

Cần phải có ranh giới cho vùng tranh chấp và đó chính là cơ sở thiết yếu để quản lý các tranh chấp. Một ranh giới cho vùng tranh chấp gần với cực thứ nhất, ngoài việc phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng góp phần làm cho các khu vực bị tranh chấp trở thành nhỏ đi, và do đó sẽ giảm trừ nguy cơ xung đột và thuận lợi cho việc quản lý tranh chấp hơn.

Cuối cùng, một điều chắc chắn là đường chữ U của Trung Quốc không thể được lý giải bằng bất cứ cơ sở luật quốc tế nào, vì nó còn đi xa hơn cả thái cực vô lý nhất.

DƯƠNG DANH HUY - LÊ VĨNH TRƯƠNG - LÊ TRUNG TĨNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên