FT khẳng định Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh cho vụ phóng thử bí mật hồi tháng 8-2021. Trong ảnh: Một vụ phóng vệ tinh sử dụng tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Hôm 16-10, trích dẫn 5 nguồn am hiểu vấn đề, báo Financial Times (FT) cho biết Trung Quốc đã bí mật phóng một tên lửa Trường Chinh hồi tháng 8, mang theo một "phương tiện siêu vượt âm có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân".
Theo FT, phương tiện này có khả năng "bay vòng quanh địa cầu" với vận tốc siêu vượt âm (hypersonic) trước khi lao thẳng vào mục tiêu.
Không rõ vận tốc của phương tiện này, nhưng một vật được xem là đạt tốc độ siêu vượt âm khi vận tốc của nó vượt qua Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tức 6.174km/h.
Dù bị lệch mục tiêu đến hơn 38km, FT nhận định việc Trung Quốc tiến hành vụ bắn thử phương tiện siêu vượt âm là một động thái khiến tình báo Mỹ bất ngờ.
"Đó không phải là một tên lửa, mà là một phương tiện không gian", người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông tin của tờ FT trong cuộc họp báo ngày 18-10.
Theo ông Triệu, đây chỉ là "một cuộc thử nghiệm định kỳ" nhằm kiểm tra công nghệ tái sử dụng phương tiện vũ trụ, từ đó mở ra một cách thức "rẻ và thuận tiện cho các chuyến du hành không gian".
Cũng theo ông Triệu, vụ phóng thử diễn ra vào tháng 7-2021, chứ không phải tháng 8 như FT đưa tin.
Không có nhiều thông tin về "phương tiện không gian" mà ông Triệu đề cập nhưng qua lời của ông này, có thể đoán đây là một loại tên lửa đẩy có thể tái sử dụng tương tự tên lửa Falcon 9 của SpaceX.
Mặc dù có tốc độ chậm hơn tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm đặt ra mối đe dọa cho hệ thống phòng thủ các nước vì đường bay khó đoán và có thể điều khiển được.
Nga, Mỹ và Trung Quốc được cho là đang chạy đua phát triển vũ khí siêu vượt âm có thể phóng từ máy bay, tên lửa đẩy và thậm chí là tàu ngầm.
Ông Taylor Fravel, một chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhận định phương tiện siêu vượt âm có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang bay tới.
"Đầu đạn siêu vượt âm bay ở quỹ đạo thấp hơn và có thể cơ động trong lúc bay, khiến chúng khó bị theo dõi và tiêu diệt", giáo sư Fravel giải thích thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận