20/07/2016 09:35 GMT+7

Trung Quốc nhá đòn 
“tẩy chay” với Philippines 

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Như một cách dọa nạt Manila sau khi Tòa trọng tài tại The Hague công bố phán quyết có lợi cho Philippines, tại Trung Quốc đã xuất hiện những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Philippines và Mỹ. 

*** Error ***
Lực lượng tuần duyên của Phillippines tập trận với lực lượng tuần duyên Nhật tại vịnh Manila ngày 13-7. Phía Phillippines tăng cường các hoạt động trên biển gần đây - Ảnh: REUTERS 

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, đây chỉ là một số vụ lẻ tẻ và không được chính quyền bật đèn xanh.

Nói với Reuters, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Yến (Gao Yan) khẳng định: “Phải nói rằng mặc dù một số cư dân mạng đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm đến từ Philippines, song thực tế điều này đã không xảy ra”.

Cũng theo bà Cao, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Philippines thời gian gần đây nhìn chung khá ổn định. “Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ thương mại đa dạng và cùng có lợi với Philippines” - bà này nói tiếp.

Theo số liệu từ Trung Quốc, giao thương hai nước đã tăng 5,7% trong sáu tháng đầu năm nay, lên 22,3 tỉ USD.

Dù lãnh đạo thương mại của Trung Quốc làm nhẹ vấn đề, nhưng kiểu tẩy chay hàng hóa không phải là mới ở Trung Quốc. Trong thời kỳ căng thẳng quan hệ với Nhật, người Trung Quốc từng mở phong trào tẩy chay hàng Nhật và thậm chí tấn công phá hoại các nhà hàng của Nhật làm ăn ở Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay vừa tiết lộ Bắc Kinh đề xuất các cuộc đàm phán song phương với Manila, nhưng chỉ là về các vấn đề “ngoài lề hoặc không nhắc tới” phán quyết của Tòa trọng tài.

Theo Reuters ngày 19-7, ông Yasay đã thẳng thừng từ chối đề xuất của người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) hồi cuối tuần rồi ở Ulan Bator (Mông Cổ).

“Họ nói nếu chúng tôi cứ khăng khăng dựa vào phán quyết, rồi theo đó mà tranh luận thì rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu, nhưng tôi nói với họ đây là điều đi ngược lại hiến pháp và lợi ích quốc gia của chúng tôi” - ông Yasay nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Philippines còn cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc phải cho ngư dân Philippines vào đánh bắt bên trong bãi cạn Scarborough. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc không được đe dọa, xua đuổi hay quấy rối các tàu của Philippines ở khu vực này.

Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Manila, bên cạnh việc thúc giục từng điểm trong phán quyết của Tòa trọng tài phải được thực hiện nghiêm túc, ông Yasay nói tiếp. Ngoại trưởng Yasay cũng thừa nhận: “Chúng tôi chưa tham gia đàm phán song phương với bất kỳ quốc gia nào”.

“Điều chúng tôi muốn là xem xét xem làm cách nào có thể theo đuổi được một số thỏa thuận tạm thời nhất định, từ đó có thể mở ra các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương cần thiết” - ông Yasay giải thích tiếp.

Trước đó ngày 15-7, truyền thông địa phương dẫn lời một số quan chức Chính phủ Philippines cáo buộc sau phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cản các tàu của Philippines vào bãi cạn Scarborough, vốn bị Bắc Kinh kiểm soát bất hợp pháp kể từ năm 2012.

PGS.TS Vũ Thanh Ca (chuyên gia Luật biển):

Kiện đòi Trung Quốc bồi thường là khả thi

Theo luật pháp quốc tế, vụ kiện Trung Quốc để đòi một số tiền hơn 177 tỉ USD "tiền thuê" về các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough hoàn toàn khả thi vì Trung Quốc có tài sản ở rất nhiều nước, đặc biệt tại Mỹ.

Nếu Philippines và các nước khác kiện Trung Quốc lên tòa án của các nước mà Trung Quốc có tài sản, phán quyết của tòa sẽ có hiệu lực trong việc sử dụng tài sản của Trung Quốc trả cho bên nguyên nếu Trung Quốc không chịu trả tiền.

Đối với các thực thể khác, vì nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Philippines có đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện, đòi đền bù.

Ngoài ra, các nước khác trong khu vực có quyền ở khu vực các bãi san hô bị Trung Quốc tàn phá, đặc biệt là Philippines, có quyền khởi kiện Trung Quốc để đòi tiền đền bù do hoạt động tàn phá môi trường và các hệ sinh thái do các hoạt động tôn tạo đảo và các hoạt động trái phép khác của Trung Quốc.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên