Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Burkina Faso Alpha Barry tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28-5 cho biết Trung Quốc sẽ tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tuần lễ thứ hai của tháng 6, tại sự kiện thượng đỉnh hợp tác an ninh Shanghai Cooperation Organisation (SCO).
Sức hấp dẫn từ Trung Quốc
SCO là hội nghị do Trung Quốc và Nga làm đầu tàu, trong khi Iran đang muốn làm thành viên thường trực thay vì dự khán như hiện nay. Giới quan sát quốc tế nhìn nhận rằng sau khi bị Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đang đối diện nguy cơ bị cấm vận tứ phía, và một lần nữa Trung Quốc lại sắm vai một sự lựa chọn mới.
Một cách vô tình hay hữu ý, việc "kéo" Iran về phía mình cũng hợp lẽ với chiến lược tạo ảnh hưởng lên toàn cầu mà Trung Quốc hướng tới. Từ chiến lược tổng thể Vành đai - con đường cho tới từng viên gạch nhỏ, đặt chính xác tại từng quốc gia, Trung Quốc đang không che giấu tham vọng "vươn vòi" khắp thế giới.
Ngày 26-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp người đồng cấp Alpha Barry bên phía Burkina Faso tại Bắc Kinh trong buổi lễ ký kết việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện tưởng như thông thường này lại là cú giáng vào tham vọng của Đài Loan. Trước đó, Joseph Wu - người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan - thừa nhận rất nuối tiếc cho việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Burkina Faso, nhưng không còn cách nào khác khi đất nước châu Phi này đã "chọn" Trung Quốc.
Thực tế, chiến lược tạo lập ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu là đề tài nghiên cứu từ lâu của học giả quốc tế. Bản thân các nước cũng ý thức rõ về ảnh hưởng của Bắc Kinh, thậm chí ở Úc, điều đó được gọi thẳng là "can thiệp chính trị". Tuy nhiên từ nhận thức tới hành động là một quãng đường xa, vì sự thật rằng không phải ai cũng cưỡng lại được sức hấp dẫn từ các khoản đầu tư và hợp tác thương mại với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lấn cấn
Đài ABC (Úc) ngày 29-5 dẫn một tài liệu mật, trong đó cho thấy những mối lo ngại của chính quyền Úc về việc Trung Quốc cố gắng tạo ảnh hưởng lên các chính đảng ở nước này trong cả thập kỷ vừa qua. Theo đó, năm 2016, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã chỉ đạo điều tra về "sự can thiệp của nước ngoài" vào chính trường Úc .
Tuy nhiên, nội bộ Úc vẫn đang tồn tại mâu thuẫn trong việc ứng phó với Trung Quốc. Đơn cử cho tình thế lấn cấn này là hồi giữa tháng 5-2018, Thủ tướng Turnbull bày tỏ sự ủng hộ đối với Ngoại trưởng Julie Bishop, sau khi bà Bishop bị một chính trị gia đối lập kêu gọi rời chức vì quan điểm quá cứng rắn với Trung Quốc.
Vị chính trị gia ấy, ông Geoff Raby - cựu đại sứ Úc tại Bắc Kinh từ năm 2007-2011 - đã gây tranh cãi với một bài viết trên báo Australian Financial Review, trong đó có đoạn: "Bà ấy (Ngoại trưởng Bishop) chọc giận Trung Quốc bằng việc đưa ra những phát ngôn ầm ĩ nhất trước công chúng về Biển Đông... Năm ngoái, trong một bài phát biểu chói tai kỳ lạ ở Singapore, bà ấy cho rằng Trung Quốc không thích hợp làm lãnh đạo khu vực. Thủ tướng cần thay thế bà Bishop bằng ai đó tốt hơn".
Việc cân đối giữa lợi ích kinh tế và yếu tố chính trị trong quan hệ Úc - Trung Quốc tiếp tục được thể hiện trong bản tin ngày 28-5 của tờ Sydney Morning Herald. Một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu của Úc đang hoạt động tại Trung Quốc lên tiếng phản đối khuynh hướng chính trị của chính quyền Canberra hướng tới Bắc Kinh. Udo Doring, giám đốc điều hành Công ty AustCham Shanghai, nói: "Quan điểm của chúng tôi là chúng ta chẳng được lợi gì và sẽ mất tất cả nếu quan hệ song phương tiếp tục tồi tệ".
Phản ứng ấy xuất hiện sau khi đảng viên Tự do Andrew Hastie nói trước quốc hội rằng chính quyền Trung Quốc là một mối đe dọa đối với nền dân chủ Úc.
Burkina Faso là nước thứ 5 cắt quan hệ với Đài Loan sau Cộng hòa Dominica, Gambia, Sao Tome & Principe và Panama. Trung Quốc luôn duy trì quan điểm xem Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc nước này, và khẳng định Đài Loan không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với bất kỳ quốc gia nào khác. Mối quan hệ giữa chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc trở nên căng thẳng hơn từ sau khi bà Thái Anh Văn làm lãnh đạo Đài Loan thay ông Mã Anh Cửu năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận