25/04/2020 10:16 GMT+7

Trung Quốc lấy đại dịch phục vụ cho tham vọng hung hăng

TIẾN SĨ SASCHA-DOMINIK  DOV BACHMANN  (giáo sư tại Trường Luật Canberra, ĐH Canberra, Úc)  - MẠNH ĐỨC chuyển ngữ
TIẾN SĨ SASCHA-DOMINIK DOV BACHMANN (giáo sư tại Trường Luật Canberra, ĐH Canberra, Úc) - MẠNH ĐỨC chuyển ngữ

TTO - Chính quyền và quân đội Trung Quốc rõ ràng đang khai thác đại dịch do virus corona chủng mới (COVID-19) để tiến hành 'chiến tranh không giới hạn' và cách tiếp cận 'chiến tranh ba phương diện'.

Trung Quốc lấy đại dịch phục vụ cho tham vọng hung hăng - Ảnh 1.

Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và quân sự hóa - Ảnh: Nhân Dân Nhật Báo

Trung Quốc lợi dụng tình hình Mỹ và các đồng minh đang vật lộn với dịch bệnh để áp đặt sức ảnh hưởng và thông tin, kế đến là đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như vấn đề Đài Loan và Hong Kong.

Trung Quốc muốn biến "ngoại giao khẩu trang" thành một hình thức mới của chủ nghĩa trọng thương Trung Quốc tác động lên đời sống và kinh tế toàn cầu.

Nhưng "thành công" tổng thể của các hoạt động này còn phải xem lại, với việc Trung Quốc đang chứng kiến căng thẳng ngoại giao gia tăng ở châu Phi, châu Âu, Úc, châu Á và Mỹ, cũng như tình trạng xấu đi trong dư luận dành cho Trung Quốc. Tâm lý bài Trung như vậy xuất hiện và trở thành một thực tế đáng tiếc.

Trong khi đó, quyết định của Bắc Kinh trong việc đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 quay lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sau đó là Malaysia, vụ đâm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông, chuyện xua đuổi tàu cá Indonesia... chứng minh rằng Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch để thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Khả năng hoạt động của hải quân Mỹ đã bị ảnh hưởng đáng kể vì dịch bệnh, xét việc 3/11 tàu sân bay Mỹ có ca nhiễm virus và điều này tác động tới sự sẵn sàng và hiệu quả tác chiến. Điều này làm tăng thêm bất lợi nhìn chung của hải quân Mỹ so với hải quân Trung Quốc.

Với những khó khăn của quân đội và hải quân Mỹ, đây được xem là quãng thời gian thuận tiện cho Trung Quốc đưa ra tín hiệu coi thường phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài năm 2016 và tạo ra một tình huống không thể đảo ngược nếu không bị thách thức.

Trung Quốc đã đẩy mạnh công tác "hình thành lục địa", tức xây dựng đảo nhân tạo trái phép, đồng thời tiếp tục nỗ lực tạo lập "điều kiện tiên quyết chiến lược" trong việc chuẩn bị cho mưu đồ chiến tranh pháp lý. 

Trung Quốc thực tế từng thất bại trong chiến tranh pháp lý, thể hiện qua vụ kiện của Philippines. 

Thất bại đó đồng nghĩa Trung Quốc đã không thể chứng minh tính hợp pháp của chiến lược xây dựng và biến đảo nhân tạo thành đảo để lách Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Thông báo gần đây của Bắc Kinh về việc thành lập hai đơn vị hành chính mới "quản lý" quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một ví dụ khác cho sự thiếu tôn trọng của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế.

Nó cũng có thể được xem là cách Bắc Kinh đang làm "phép thử" luật pháp quốc tế, sự công nhận, cách thức các nước láng giềng liên quan xử lý vấn đề, cũng như sự ủng hộ quốc tế dành cho các nước láng giềng này mà đơn cử là từ Mỹ và Úc. 

Sự thiếu tôn trọng này đặc biệt đáng lo ngại khi người Trung Quốc đang đứng đầu 4 trên 15 cơ quan quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc đang tiếp tục các hoạt động đi ngược lại với những gì Tòa trọng tài năm 2016 nhìn nhận, thông qua việc áp đặt "quyền chủ quyền" của mình, vi phạm UNCLOS 1982 và vi phạm các quyền hàng hải của các nước khác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như tại các khu vực biển cả.

Nói cách khác: toàn bộ những nỗ lực hiện tại của Trung Quốc xuất phát từ động cơ muốn biến Biển Đông thành chuyện đã rồi. Người ta phải kết luận rằng Trung Quốc đã biến đại dịch COVID-19 thành một vũ khí cho tham vọng quyền lực và sự hung hăng trong khu vực.

Buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm ở Biển Đông Buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm ở Biển Đông

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23-4 đã thể hiện thái độ cứng rắn, kêu gọi những nước khác buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành động khiêu khích, phi pháp gần đây ở Biển Đông.

TIẾN SĨ SASCHA-DOMINIK DOV BACHMANN (giáo sư tại Trường Luật Canberra, ĐH Canberra, Úc) - MẠNH ĐỨC chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên