21/03/2021 05:49 GMT+7

Trung Quốc đem 'ngoại giao chiến lang' đến Alaska

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska cho thấy Trung Quốc ngày càng tự tin trước Mỹ, một chỉ dấu về sự sang trang mới trong quan hệ song phương, theo giới phân tích.

Trung Quốc đem ngoại giao chiến lang đến Alaska - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì (thứ hai từ trái sang) đóng vai trò như “đặc phái viên” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Alaska - Ảnh: REUTERS, AFP

Cuộc gặp trực tiếp giữa Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã kết thúc vào ngày 20-3 mà không có kết quả đột phá nào được công bố.

"Những gì rút ra được từ cuộc gặp ở Alaska không phải là các vấn đề tranh luận mà là sự tự tin và quyết đoán của Trung Quốc. Rõ ràng họ biết họ mạnh" - ông Elbridge Colby, chuyên gia về chiến lược cạnh tranh quốc tế, nhận xét trên Twitter cá nhân.

Mỹ tuyên bố "đạt mục tiêu đề ra"

Mặc dù mở đầu được mô tả là nóng hực với màn đấu khẩu qua lại, cuộc gặp đã kết thúc trong ảm đạm khi không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan chỉ thông báo vắn tắt sau cuộc họp được mô tả là "thẳng thắn". 

Một quan chức Mỹ cũng tiết lộ hai bên đều bắt tay vào việc "thảo luận thực chất" đằng sau cánh cửa phòng họp đóng kín.

Ông Blinken tuyên bố Mỹ đề ra hai mục tiêu trước cuộc gặp và đã đạt được cả hai. "Thứ nhất, chúng tôi muốn bày tỏ những lo ngại đáng kể của Mỹ và đồng minh về cách hành xử của Trung Quốc. Thứ hai, chúng tôi muốn nói với họ một cách rõ ràng những ưu tiên, thế giới quan và chính sách".

Đoàn Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi khách sạn diễn ra cuộc họp và đưa ra những nhận xét chung chung đầy ngoại giao với báo giới trong nước. Trưởng đoàn Trung Quốc Dương Khiết Trì mô tả cuộc gặp hai ngày với Mỹ là "thẳng thắn, xây dựng và có ích" nhưng cho biết "vẫn còn nhiều khác biệt".

Theo ông Dương, nếu muốn quan hệ song phương ổn định, cả Mỹ lẫn Trung Quốc phải đi theo con đường "không xung đột". Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kế đó cảnh báo Mỹ "đừng nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền" của Trung Quốc.

Báo Washington Post nhận xét các nhà ngoại giao của Trung Quốc "tỏ ra mạnh mẽ hơn so với bất kỳ cuộc họp công khai nào trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, khiến cả hai bên đều lo lắng về tình trạng của mối quan hệ". 

Tờ báo có quan điểm ủng hộ chính quyền Biden thừa nhận lần đầu tiên sau nhiều lần nghe tới, quan chức Mỹ thực sự biết mùi ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc.

Thuật ngữ dựa trên một bộ phim cùng tên được yêu thích ở Trung Quốc được dùng để mô tả sự tự tin của các nhà ngoại giao Trung Quốc trước phương Tây. Họ sẵn sàng đáp trả không kiêng nể những phát ngôn mà họ cho là xâm phạm lợi ích Trung Quốc. 

Trong cuộc gặp ở Alaska, ông Dương Khiết Trì đã dành 17 phút để phản pháo khi bị Mỹ chỉ trích trong các vấn đề nhân quyền, Hong Kong, Tân Cương và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ngoại giao "chiến lang" có thể phát huy tác dụng ở Trung Quốc nhưng tại Mỹ, nó chỉ làm tăng thêm cảm giác rằng Bắc Kinh là kẻ thù số 1.

Một cựu quan chức an ninh Mỹ nói với báo Politico.

Một "bước ngoặt"?

Những gì rút ra từ cuộc gặp có thể sớm được thể hiện thông qua các hành động sắp tới từ cả hai phía. Tờ Politico nhận định các chính sách cứng rắn hơn nữa, cạnh tranh hơn nữa với Trung Quốc sẽ nhận thêm sự ủng hộ ở Washington D.C sau cuộc gặp Alaska. 

Một đạo luật lớn, gồm nhiều đạo luật "con" cạnh tranh với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, đang được các nghị sĩ Dân chủ tập hợp. 

Như để chứng minh cho "sự phối hợp lưỡng đảng", Politico chỉ ra việc ông Blinken và ông Sullivan đã gặp các nghị sĩ Cộng hòa của Alaska ngay sau cuộc gặp với quan chức Trung Quốc.

Ông Derek Grossman, một nhà phân tích cấp cao của Tổ chức RAND (Mỹ), cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp diễn sau cuộc gặp Alaska. 

"Cả hai sẽ chỉ hợp tác hẹp trong những vấn đề thách thức hoặc cùng quan tâm thay vì cùng theo đuổi thiết lập lại mối quan hệ. Thật khó để tưởng tượng hai bên sẽ tái thiết lập quan hệ như thế nào trong bối cảnh hiện tại. 

Chẳng hạn như Đài Loan, không bên nào tỏ ra sẵn sàng lùi bước. Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép ngoại giao, kinh tế và quân sự lên hòn đảo này, trong khi Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ với Đài Loan" - ông Grossman nêu lập luận.

Đối với truyền thông Trung Quốc, cuộc gặp Alaska là một "bước ngoặt" (cách dùng từ của Thời báo Hoàn Cầu thuộc chính quyền Bắc Kinh). Bài xã luận ngày 20-3 của tờ này cho thấy rõ quan điểm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để khởi động lại quan hệ với Washington, song chính Mỹ là "bên khiến mọi thứ đổ vỡ".

"Rất có thể khi nhìn lại, cuộc gặp Alaska sẽ trở thành cột mốc lịch sử. Đó là cuộc đối mặt chưa từng có tiền lệ, điều chỉnh những hiểu biết và thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc. Cuộc gặp đó nói rằng thời đại mà Mỹ có thể chỉ tay vào Trung Quốc đã hết, rằng nếu muốn cùng giải quyết vấn đề với Trung Quốc, Mỹ nên học cách cư xử bình đẳng và tôn trọng" - Thời báo Hoàn Cầu viết.

Đối thoại Mỹ - Trung tại Alaska: Rất căng thẳng ngay từ đầu Đối thoại Mỹ - Trung tại Alaska: Rất căng thẳng ngay từ đầu

TTO - Những cuộc đối thoại đầu tiên giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Trung Quốc “căng thẳng và trực diện” như mô tả của một quan chức cấp cao Mỹ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên