25/07/2020 08:50 GMT+7

Trung Quốc đang chuyển hướng hay câu giờ?

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Trung Quốc đối mặt với không ít khó khăn trên trường quốc tế bởi những phản ứng mạnh từ nhiều nước, dẫn đầu là Mỹ, trước các chính sách mang tính áp đặt để khẳng định sự vươn lên của nước này suốt một thời gian dài.

Trung Quốc đang chuyển hướng hay câu giờ? - Ảnh 1.

Căng thẳng Mỹ - Trung

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang được điều chỉnh, có thể là với hội nghị Bắc Đới Hà nổi tiếng sắp diễn ra.

Ngày 16-7, báo Nhật Bản Nikkei Asian Review cho biết hội nghị Bắc Đới Hà thường niên của Trung Quốc sẽ diễn ra "trong khoảng hai tuần nữa". Dù được gọi là "hội nghị", đây thực chất chỉ là một cuộc gặp mặt không chính thức giữa các nhân vật chính trị cấp cao nhất trong nước để "trao đổi quan điểm", theo Nikkei.

Bắc Đới Hà

Giải thích về hội nghị thường niên này, báo Hong Kong South China Morning Post viết: "Thoạt trông có thể nghĩ ba tháng cuối năm là giai đoạn hoạt động chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc, khi giới lãnh đạo cấp cao tề tựu ở Bắc Kinh để tham dự những cuộc họp ra quyết định, kết lại bằng một phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Trên thực tế, bầu không khí chính trị Trung Quốc lên tới đỉnh điểm thật ra là vào những ngày nóng bức tháng 8, khi các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu họp mặt ở bãi biển - khu nghỉ dưỡng miền bắc Bắc Đới Hà để tránh cái nóng của thủ đô, và trao đổi với nhau".

Khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc nằm cách Bắc Kinh khoảng 300km về phía đông, đã là một tâm điểm của nền chính trị Trung Quốc được ít nhất nửa thế kỷ. "Theo truyền thống, sẽ không có tuyên bố chính thức nào về hội nghị Bắc Đới Hà. 

Thay vào đó, người ta sẽ thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo nhà nước cấp cao khác đột ngột biến mất trên bản tin hằng ngày, dấu hiệu cho thấy hội nghị đã bắt đầu", theo SCMP. Bắc Đới Hà trở nên quan trọng dưới thời cố chủ tịch Mao Trạch Đông, một người đam mê bơi lội. 

Chính ở đây, chủ tịch Mao đã đưa ra những quyết định lịch sử, bao gồm bắt đầu công cuộc Đại nhảy vọt. Những năm gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc còn mời cả các nhà khoa học tới tham dự hội nghị.

Nhưng tầm quan trọng của hội nghị được cho là đã giảm bớt dưới thời ông Tập. Vai trò và ảnh hưởng rất lớn của ông được cho rằng đã làm yếu đi ảnh hưởng của giới lãnh đạo về hưu như các cựu chủ tịch Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. 

Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Đới Hà vẫn có vai trò trọng đại trong nền chính trị Trung Quốc, điều sẽ càng đặc biệt trong năm nay. Hội nghị cho ông Tập cơ hội đánh giá và điều chỉnh chính sách, cũng như là "một trong những diễn đàn chung hiếm hoi để phê bình giới lãnh đạo cấp cao đang nắm quyền", Nikkei bình luận.

Năm nay, tình hình trở nên đặc biệt vì nhiều lẽ. Thứ nhất, hiện chưa ai dám chắc hội nghị sẽ diễn ra như bình thường, do tình trạng dịch bệnh COVID-19. Do khu nghỉ dưỡng cách không quá xa Bắc Kinh, và xét tình trạng tuổi tác cùng sức khỏe của nhiều nhà lãnh đạo, không phải là không có rủi ro.

Nhưng quan trọng hơn là việc Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng: dịch bệnh, kinh tế tăng trưởng chậm, tỉ lệ thất nghiệp cao, tình hình Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, căng thẳng với Mỹ, Ấn Độ. 

Quan hệ Trung - Mỹ được cho là đã xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979. Quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước khác cũng đang gặp đủ kiểu vướng mắc, hoặc do tranh chấp lãnh thổ, hoặc do các vấn đề dịch bệnh, thương mại, công nghệ, khai thác tài nguyên...

Điều này đi ngược lại đường lối đối ngoại chung của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, gói gọn trong mấy chữ: "thao quang dưỡng hối, hữu sở tác vi" và "bất đương đầu", tức ẩn mình chờ thời, có việc vẫn phải hành động, và không đối đầu. 

Đây là đường lối có tính ôn hòa hơn, tập trung vào việc xây dựng và phát triển kinh tế trước, tránh xung đột và va chạm, ít ra là đến khi có thực lực đủ mạnh.

Nhưng từ năm 2012, khi ông Tập lên nắm quyền, Trung Quốc có vẻ đã theo đuổi một đường lối khác, tham vọng và mang tính áp chế hơn nhiều. Sự phản ứng từ các nước khác diễn ra sau đó là dễ hiểu, và Trung Quốc đang phải đối mặt với việc thể hiện tham vọng quá sớm khi thực lực còn chưa cho phép những động thái lấn tới sỗ sàng như vậy.

Đổi giọng

Thật ra, nhiều học giả Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo giới lãnh đạo từ năm 2017 rằng một chính sách đối ngoại quá mạnh tay sẽ khiến Trung Quốc mất đi bạn bè và làm tăng thêm căng thẳng với mối quan hệ Trung - Mỹ vốn đã không lấy gì làm chắc chắn. 

Có thể là để đáp lại những cảnh báo đó, nhưng có lẽ đúng hơn là để phát đi thông điệp với Washington vào lúc quan điểm chống Trung Quốc ngày càng có vai trò lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, ngày 9-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu quan trọng dài 3.144 chữ ở một diễn đàn quan hệ Trung - Mỹ.

Bài phát biểu này có vẻ là sự chỉnh hướng trở lại tôn chỉ "thao quang dưỡng hối" mà Đặng Tiểu Bình vạch ra, với giọng điệu ôn hòa. 

Ông Vương nói: "Thật đáng báo động, quan hệ Trung - Mỹ, một trong những mối quan hệ song phương nhiều ảnh hưởng nhất thế giới, đang đối mặt thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao". Nỗ lực thuyết phục Mỹ rằng Trung Quốc không có ý đồ bá chủ, ông Vương nhấn mạnh: "...sự hiếu chiến và chủ nghĩa bành trướng chưa bao giờ là một đặc điểm của Trung Quốc trong suốt 5.000 năm lịch sử". 

Ông giải thích: "Một số bạn bè ở Mỹ có thể đã ngờ vực hay lo lắng về một Trung Quốc đang vươn lên. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không bao giờ có ý định thách thức hay thay thế Hoa Kỳ, hay đối đầu tổng lực với Hoa Kỳ". 

Tuy nhiên, ông cũng nói: "Trung Quốc và Mỹ không nên tìm cách áp đặt mô hình lên nhau. Thay vì thế, hai bên cần hợp tác để tìm ra cách thức cùng tồn tại với những hệ thống và nền văn minh khác nhau".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì dẫn lời ông Vương nói "Trung Quốc chỉ muốn mối quan hệ trở lại đúng hướng và sẵn sàng ngồi xuống thảo luận để điều đó xảy ra". 

Ông đề xuất một danh sách ba điểm nhằm thảo luận sửa chữa quan hệ song phương: một, nêu ra những vấn đề song phương và toàn cầu mà hai nước có thể hợp tác; hai, nêu ra những vấn đề tranh cãi, nhưng có thể giải quyết qua đối thoại; và ba, nêu rõ những vấn đề "khó" nhiều khả năng không giải quyết được trong "tương lai gần". 

Ông Vương cũng cảnh báo rằng: "Hoa Kỳ không được phép tìm cách thay đổi hệ thống chính trị Trung Quốc".

Sự dịch chuyển này còn được thể hiện qua nhiều thông điệp kín đáo khác. Cuối tháng 4-2020, thiếu tướng về hưu Qiao Liang (Kiều Lương), đồng tác giả cuốn Siêu hạn chiến (Vượt qua chiến tranh hạn chế), một nhân vật có đầu óc cứng rắn ở Trung Quốc, và Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), chủ tịch Viện Quốc gia nghiên cứu biển Hoa Nam (Biển Đông), đã có những bình luận nhạy cảm với báo chí Hong Kong, trong đó hai ông úp mở rằng việc thống nhất Đài Loan không cần một thời hạn chót. 

Tương tự, trong khi khẳng định Biển Đông là rất quan trọng với Trung Quốc, ông Ngô thừa nhận rằng thế độc tôn của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là điều không thể thay đổi và Trung Quốc sẽ không đẩy quá nhanh các vấn đề ở Biển Đông.

Chỉ vài ngày trước bài phát biểu của ông Vương Nghị, một bài viết của ba nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng kêu gọi Bắc Kinh phải "chủ động quản lý" khác biệt với Washington và thẳng thắn nhận xét Trung Quốc là "bên yếu hơn trong cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường" nên "cần phải đánh giá cẩn trọng rủi ro đối đầu sẽ cuốn hai nước vào xung đột".

Những động thái đó, và quan trọng nhất là điều kiện sách được nêu ra trong bài phát biểu của ông Vương, có thể hiểu là trừ vấn đề chế độ chính trị, mọi chuyện khác, Trung Quốc đều có thể và muốn thương lượng với Mỹ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc không nhất quán giữa nói và làm là điều không mới. 

Liệu những động thái mới là sự thay đổi đường lối ngoại giao để sửa sai hay chỉ là nỗ lực giảm căng thẳng "câu giờ" trong khi vẫn tiếp tục hành động áp đặt là điều còn chưa thể biết. Washington thì có vẻ đang diễn giải mọi việc theo hướng sau, thể hiện qua những động thái của Mỹ gần đây với Hong Kong và ở Biển Đông.

Tất cả càng khiến kết quả của hội nghị Bắc Đới Hà - nếu quả nó diễn ra trong một tuần nữa - có ý nghĩa trọng đại, không chỉ với Trung Quốc.

Thao quang dưỡng hối

Từ điển Thiểu Chửu giảng "thao hối" nghĩa là "có tài có trí mà giữ kín đáo không cho người ta biết mình". Thao nghĩa là "giấu kín". Hối, ngày cuối tháng âm lịch gọi là "ngày hối", chỉ thời điểm tối tăm.

Tam Quốc diễn nghĩa, hồi 21, khi Lưu Bị ở dưới trướng Tào Tháo giả cách trồng rau, làm vườn để nuôi chí lớn có đoạn: "Huyền Đức bấy giờ sợ Tháo nghi mình mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà ngày ngày vun xới tưới tắm, để làm cách che mắt Tháo khỏi ngờ". Đoạn "để làm cách che mắt Tháo khỏi ngờ" trong nguyên tác là "dĩ thao hối chi kế" - dùng kế ẩn mình chờ thời.

Bị cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, Trung Quốc nói Mỹ Bị cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, Trung Quốc nói Mỹ 'vu khống'

TTO - 'Cáo buộc của Mỹ rằng tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đánh cắp tài sản trí tuệ là vu khống', phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Wang Wenbin nói trong họp báo ngày 23-7 tại Bắc Kinh.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên