04/03/2020 08:58 GMT+7

Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được COVID-19, bước vào 'hiệp 2'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19 bằng các biện pháp cứng rắn chưa từng thấy, tuy nhiên đây chưa phải là đoạn kết.

Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được COVID-19, bước vào hiệp 2 - Ảnh 1.

Nhân viên ở Bắc Kinh đi làm ngày 3-3 phải đo thân nhiệt và khai báo nhân thân - Ảnh: Reuters

Cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc trong việc ngăn chặn chủng virus đường hô hấp mới này đã giúp đảo ngược một trận dịch chết chóc và lây lan nhanh. Số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc giảm là sự thật.

Báo cáo của WHO công bố ngày 28-2

Báo cáo công bố ngày 28-2 của đại diện WHO làm việc tại Trung Quốc ghi nhận một số diễn biến mới trong dịch COVID-19: Các bệnh viện bắt đầu giảm tình trạng quá tải, số ca nhiễm virus mới giảm liên tục, không dễ tìm đủ bệnh nhân đáp ứng điều kiện để thử các loại thuốc điều trị (do người nhiễm giảm)...

Theo tạp chí Science, những quan sát đó khiến một vài chuyên gia quốc tế tham gia đoàn khảo sát không khỏi ngạc nhiên. "Tôi cứ nghĩ những con số thống kê (của Trung Quốc) không thể nào chính xác" - ông Tim Eckmanns, nhà dịch tễ học của Viện Robert Koch (Đức), bày tỏ sau những gì chứng kiến.

Mô hình Trung Quốc

Có tất cả 13 nhà khoa học quốc tế và 12 chuyên gia Trung Quốc tham gia chuyến khảo sát do Chính phủ Trung Quốc và WHO tổ chức. Từ Bắc Kinh, họ chia làm 2 nhóm di chuyển đến Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô và Vũ Hán để quan sát các bệnh viện, phòng thí nghiệm, chợ bán động vật...

Phần lớn nội dung báo cáo của WHO tập trung vào một việc mà nhiều chuyên gia y tế cộng đồng không tin có thể thực hiện được: ngăn chặn sự lây lan của một loại virus đường hô hấp đang phát tán trên quy mô lớn. "Trung Quốc có lẽ đã tiến hành một nỗ lực chống dịch tham vọng, linh hoạt và quyết liệt nhất trong lịch sử" - báo cáo ghi nhận.

Biện pháp kịch tính là phong tỏa Vũ Hán và các thành phố lân cận ở tỉnh Hồ Bắc, đặt ít nhất 50 triệu người trong vòng cách ly kể từ ngày 23-1-2020. Nhưng cũng nhờ sự dứt khoát này, phần còn lại của Trung Quốc mới không chịu chung số phận, các chuyên gia của WHO nhận định.

Trung Quốc đã cho xây 2 bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán chỉ trong 10 ngày, huy động hàng ngàn nhân viên y tế trên cả nước đến tâm dịch và đặc biệt là tiến hành một chiến dịch quy mô truy sự tiếp xúc ở tất cả những người nhiễm virus. Chỉ riêng ở Vũ Hán, hơn 1.800 tổ công tác, mỗi nhóm từ 5 thành viên trở lên, đã lần ra hàng chục ngàn người nghi nhiễm.

Bên cạnh đó, các biện pháp "cách ly xã hội" được áp dụng song song trên toàn Trung Quốc, bao gồm hủy mọi hoạt động thể thao, lễ hội, giải trí, cho học sinh nghỉ học, đóng cửa doanh nghiệp, buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường...

"Hệ quả của các biện pháp này là đời sống xã hội bị giảm đi rất nhiều. Nhưng nó có hiệu quả. Cuối cùng, người bệnh ít lây cho ai khác ngoài thành viên trong gia đình. Một khi tất cả họ bị cách ly trong nhà, virus sẽ không còn đường nào để phát tán" - chuyên gia Gabriel Leung của ĐH Hong Kong, thành viên tổ công tác, mô tả.

Đó là mặt tích cực, còn ở hướng ngược lại, những gì Trung Quốc đã làm đặt ra nhiều câu hỏi khó cho các quốc gia đang cân nhắc cách phản ứng trước dịch COVID-19, nhà dịch tễ học Steven Riley của Trường Imperial College London băn khoăn. Lý do đơn giản là chỉ có Trung Quốc mới làm được những gì họ đã làm. 

"Tôi nghĩ có nhiều lý do chính đáng khiến các nước do dự nếu muốn áp dụng các biện pháp gay gắt kiểu đó" - ông Lawrence Gostin, chuyên gia y tế thế giới của ĐH Georgetown (Mỹ), đồng quan điểm.

Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được COVID-19, bước vào hiệp 2 - Ảnh 3.

Hiệp 2 chỉ mới bắt đầu

Thành công của Trung Quốc chỉ mới dừng lại ở khống chế dịch, đây là lúc cuộc chiến với COVID-19 bước sang giai đoạn 2. Với những đặc tính của một loại virus đường hô hấp dễ lây, SARS-CoV-2 hoàn toàn có khả năng bùng lên trở lại sau khi Trung Quốc dỡ các biện pháp phong tỏa, nối lại hoạt động kinh tế.

Theo tạp chí Science, báo cáo Trung Quốc của WHO xuất hiện vào một thời điểm gay cấn, khi nhiều chuyên gia dịch tễ đã bắt đầu xem COVID-19 là đại dịch. Chỉ trong tuần vừa qua, số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng đã tăng lên 76 (tính đến sáng 3-3), nhiều nước thậm chí đã ở vào giai đoạn lây nhiễm cộng đồng, trong đó có Mỹ.

Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc diễn ra ngược lại. Khi nhóm công tác của WHO bắt đầu công việc hôm 10-2, Trung Quốc công bố 2.478 ca nhiễm mới trong một ngày. Hai tuần sau, khi các chuyên gia đóng hành lý chuẩn bị về thì con số giảm chỉ còn 409.

Mặc dù ghi nhận quyết tâm chống dịch của Trung Quốc, báo cáo của WHO cũng lưu ý một số lĩnh vực nước này cần cải thiện, bao gồm việc "công bố rõ ràng hơn các dữ liệu quan trọng cũng như diễn biến dịch cho cộng đồng quốc tế".

Đa số chuyên gia quốc tế cho rằng những bài học chống dịch của Trung Quốc không dễ áp dụng, dù có thể chúng hiệu quả trong nhất thời. "Hong Kong và Singapore có thể là những tấm gương tốt. Mức độ nghiêm khắc và kỷ luật cũng tương tự, nhưng vận dụng theo cách ít cực đoan hơn" - chuyên gia Jeremy Konyndyk của Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ) gợi ý.

Và ngay cả những nỗ lực đáng kinh ngạc của Trung Quốc có thể cũng chỉ làm chậm lại dịch bệnh. "Họ đã khống chế trận dịch, không nghi ngờ gì. Nhưng nó giống như khống chế một đám cháy rừng, không phải dập tắt hoàn toàn. Nó có thể bùng lên lại" - bác sĩ Mike Osterholm, Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách (ĐH Minnesota, Mỹ), so sánh.

Những con số đáng chú ý

Từ kho dữ liệu khổng lồ của Trung Quốc (chiếm hơn 90% ca nhiễm toàn cầu), nhóm chuyên gia quốc tế nhận thấy khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình, 13,8% bệnh nặng và 6,1% trải qua biến chứng nguy kịch như suy hô hấp, suy phủ tạng, sốc nhiễm trùng...

Tỉ lệ tử vong cao nhất nằm ở nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi (21,9%) và những người mắc sẵn các bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp... Sốt và ho khan là những triệu chứng thường gặp nhất, và bất ngờ là chỉ có 4,8% người bệnh bị chảy nước mũi. Trẻ em chỉ chiếm 2,4% ca bệnh, hầu hết đều không nặng. Trung bình một ca bệnh nhẹ cần 2 tuần để phục hồi.

Một thông tin quan trọng chưa được biết là có bao nhiêu ca nhiễm corona không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ trong cộng đồng. Nếu có một lượng lớn ca nhiễm không thể phát hiện, việc ngăn virus lây lan sẽ hết sức khó khăn. Mặt tích cực duy nhất của khả năng này là tỉ lệ tử vong do COVID-19 sẽ thấp hơn ước tính hiện nay (dao động xung quanh 2%).

Vì sao Trung Quốc giảm kỷ lục số ca bệnh COVID-19? Vì sao Trung Quốc giảm kỷ lục số ca bệnh COVID-19?

TTO - Phát hiện nhanh các ca bệnh, miễn phí toàn bộ tiền xét nghiệm và điều trị, cho phép đơn thuốc tăng lên 3 tháng thay vì 1 tháng... nhờ đó Trung Quốc đã giảm kỷ lục số ca bệnh COVID-19, theo chuyên gia WHO.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên