09/01/2015 09:12 GMT+7

​Trung Quốc chạy đua vũ trang trong không gian

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Nguy cơ chiến tranh không gian ngày càng hiển hiện trong mắt các chuyên gia chiến lược quân sự Mỹ.

Trung Quốc phóng tên lửa chống vệ tinh hồi tháng 5-2013 - Ảnh: Reuters
Trung Quốc phóng tên lửa chống vệ tinh hồi tháng 5-2013 - Ảnh: Reuters

Báo Nikkei Asian Review của Nhật ngày 6-1 có bài viết với tựa đề “Trung Quốc tăng cường chạy đua vũ trang không gian”.

Theo đó, trong cuộc họp ngày 5-12-2014, tướng John Hyten, tư lệnh Bộ chỉ huy không gian AFSPC thuộc Không quân Mỹ, khẳng định dù muốn hay không, nước Mỹ vẫn sẽ phải chuẩn bị đối phó trước nguy cơ về các cuộc chiến tranh không gian.

Những thử nghiệm gây lo lắng

Mối quan ngại không hề thừa. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tháng 5-2013 Trung Quốc đã thử nghiệm thành công việc đưa tên lửa chống vệ tinh tới gần điểm cao nhất trong quỹ đạo địa tĩnh của vệ tinh Mỹ, tức là cách mặt đất khoảng 36.000km.

Hiện quân đội Mỹ chủ yếu sử dụng ba loại vệ tinh: vệ tinh do thám quay quanh Trái đất với quỹ đạo cách mặt đất vài trăm kilômet, vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu có quỹ đạo cách mặt đất 20.000km, vệ tinh thông tin và vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa hoạt động ở độ cao khoảng 36.000km.

Hồi năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công công nghệ tên lửa tấn công vệ tinh ở độ cao vài trăm kilômet. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm năm 2013 đã gây sốc với quân đội Mỹ khi kết quả chứng tỏ Trung Quốc gần như đạt tới trình độ có thể bắn hạ bất cứ vệ tinh quân sự nào của Mỹ.

Tháng 7-2014, Trung Quốc lại thử nghiệm một loại vũ khí tấn công vệ tinh khác. Mặc dù nước này một mực khẳng định đây chỉ là cuộc thử nghiệm để thu thập dữ liệu, nhưng phía Mỹ cho biết tất cả thông tin họ có được đều chứng tỏ đó là thử nghiệm công nghệ nhằm tấn công vệ tinh.

Các thử nghiệm của Trung Quốc trở thành nỗi bất an ngày càng tăng với Mỹ. Bởi lẽ vệ tinh được xem như hệ thần kinh trung ương của sức mạnh quốc phòng Mỹ.

Các dữ liệu thông tin do vệ tinh cung cấp là yếu tố thiết yếu để triển khai kế hoạch hành động quốc phòng của Mỹ.

Không những thế, các vệ tinh còn là phương tiện truyền tin ở khoảng cách xa, giúp điều khiển các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, các tên lửa cũng như thực hiện quy trình giám sát mặt đất.

Do đó, nếu các vệ tinh bị tấn công, sức mạnh quân đội Mỹ sẽ tê liệt hoàn toàn, đây là thực tế mọi quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đều hiểu rõ.

Những thỏa thuận ngầm

Cây bút Hiroyuki Akita của Nikkei Asian Review bình luận: việc quân đội Trung Quốc dốc toàn lực cho việc đầu tư phát triển và nâng cấp các loại vũ khí chống vệ tinh cho thấy họ đang nỗ lực bắt kịp sự phát triển của sức mạnh quân đội Mỹ.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang ráo riết phát triển các vũ khí laser. Một chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cho biết cả Nga, Iran và Triều Tiên cũng đang phát triển các loại vũ khí sử dụng tín hiệu gây nhiễu và nhiều phương tiện khác nhằm phá hoại hệ thống vệ tinh.

Đối mặt với tình thế này, Mỹ đã nghiên cứu chế tạo nhiều loại vũ khí tối tân hơn để bảo vệ “hệ thần kinh trung ương” của quân đội nước này.

Tuy nhiên, một cựu cán bộ quốc phòng cấp cao của Mỹ cảnh báo việc chạy đua vũ trang trên mặt trận không gian sẽ làm gia tăng nguy cơ của một cuộc chiến toàn diện.

Cựu quan chức này lý giải: “Nếu các vệ tinh quân sự trọng yếu của Mỹ bị phá hủy, chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn để tự vệ. Điều này sẽ làm bùng phát chiến tranh dữ dội”.

Lường trước nguy cơ đó, ngay từ thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã có một thỏa hiệp ngầm về việc không tấn công các vệ tinh của nhau. Bản thân Mỹ đã liên tục cảnh báo phía Trung Quốc về việc không được tấn công vệ tinh nước này trong các cuộc đàm phán song phương về kinh tế và chiến lược diễn ra thường niên.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đã lường trước các biến cố chiến tranh có thể xảy ra trong không gian, trong đó bao gồm cả nguy cơ tấn công hệ thống vệ tinh nước này và có những động thái phòng bị.

Cụ thể, hồi tháng 9 năm ngoái Mỹ đã ký thỏa thuận về hoạt động quân sự trong không gian với Anh, Úc và Canada. Ngoài ra, Washington cũng đã đề nghị Nhật và các nước đồng minh ngầm chia sẻ với nhau thông tin thu thập từ hệ thống vệ tinh, đồng thời có thể sử dụng hệ thống vệ tinh của nhau trong trường hợp khẩn cấp.

Hệ thống vệ tinh của Mỹ trở thành yếu tố đóng vai trò thiết yếu với sức mạnh quốc phòng của Nhật. Nikkei cho rằng các hoạt động của lực lượng quân đội Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào thông tin từ hệ thống vệ tinh do thám và cảnh báo sớm của Mỹ.

Trong một động thái liên quan, đầu tháng 1 năm nay Chính phủ Nhật hoàn tất bản kế hoạch cơ bản của nước này về chính sách không gian.

Đây là kế hoạch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc mở rộng, nâng cấp mạng lưới vệ tinh và hệ thống giám sát không gian của Nhật Bản.

Nhật duyệt chi gần 41 tỉ USD cho quốc phòng

Quốc hội Nhật đã thông qua khoản ngân sách kỷ lục 4.980 tỉ yen (40,9 tỉ USD) dành cho quốc phòng trong năm tài chính 2015, bắt đầu từ ngày 1-4.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nhật tăng ngân sách quốc phòng: năm 2013 tăng 0,8% với 4.750 tỉ yen, năm 2014 tăng 2,8% với 4.880 tỉ yen và năm nay tăng 2% với 4.980 tỉ yen.

Kể từ kỷ lục 4.950 tỉ yen cho quốc phòng năm 2002, những năm sau đó ngân sách dành cho quốc phòng Nhật liên tục giảm do điều kiện tài chính siết chặt. Xu hướng “đảo chiều” chỉ bắt đầu dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.

Trên thực tế, con số đề xuất cho ngân sách quốc phòng Nhật năm 2015 còn cao hơn, 5.050 tỉ yen. Lý do Bộ Quốc phòng Nhật đưa ra cho mức tăng là cần giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông với Trung Quốc và đối phó các chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.

Mức tăng này đã được lường trước với các mục tiêu trang bị thêm thiết bị, khí tài cho quân đội Nhật Bản nhằm củng cố an ninh, chủ quyền trên biển và mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ. Bên cạnh đó còn là chi phí cho công tác di dời căn cứ không quân - thủy quân lục chiến của Mỹ ở Futenma.

Căn cứ này sẽ được dời khỏi thành phố đông dân cư Ginowan để chuyển tới thành phố Nago ở quận Henoko. Ngoài ra là 50 tỉ yen được dành riêng mua máy bay phục vụ thủ tướng và Nhật hoàng.

Trọng tâm được nhấn mạnh trong bản kế hoạch ngân sách của năm tài chính 2015 cho quốc phòng Nhật là bổ sung trang thiết bị quân sự, nâng cao khả năng phòng vệ của quân đội Nhật ở quần đảo Nansei. Đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc và đảo Okinawa đều thuộc quần đảo Nansei.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến mua 20 máy bay tuần tra P-1 sản xuất trong nước, năm máy bay Osprey chuyên chở vũ khí, 30 xe lội nước, ba máy bay không người lái Global Hawk có tầm bay xa và thời gian bay dài cùng sáu chiến đấu cơ F-35 tàng hình hiện đại nhất.

Để tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, ngân sách cho quốc phòng Nhật năm nay cũng dành một phần cho chiến hạm mới Aegis được trang bị hệ thống gọi là “khả năng hợp đồng tác chiến”.

Theo đó, hai nước là đồng minh với nhau sẽ chia sẻ thông tin về vị trí bắn đi của tên lửa hành trình từ các lực lượng đối địch để có thể lập tức ngăn chặn.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên