Một cơ quan nghiên cứu của cộng đồng tình báo Mỹ vừa tổng kết một cuộc thi xem ai có khả năng phát triển một công nghệ nhận diện gương mặt tốt nhất.
Thử thách: nhận diện càng nhiều càng tốt những hành khách đang đi trên một cầu thang lên máy bay.
Trong tất cả các ứng viên tham gia, một công ty khởi nghiệp Trung Quốc tên là Yitu Tech ẵm trọn 25.000 USD trong tháng này - giải thưởng tiền mặt cao nhất của cuộc thi.
Nhiều chuyên gia dự báo vũ khí robot sẽ xuất hiện vào một ngày không xa - Ảnh minh họa
Đối thủ
Câu chuyện trên là một ví dụ được dẫn chứng trong báo cáo của tổ chức học giả Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới (CNAS) về cách Trung Quốc có thể tận dụng những bước tiến nhanh chóng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hiện đại hóa quân đội, khả năng sẽ chiếm ưu thế so với Mỹ.
Trung Quốc không còn ở vị trí thua kém về mặt công nghệ so với Mỹ, họ đã trở thành một đối thủ cạnh tranh có khả năng vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo"
Học giả Elsa Kania viết trong báo cáo cho CNAS công bố ngày 28-11
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung về AI, bà Kania nhận định, "có thể thay đổi cán cân quyền lực quân sự và kinh tế tương lai".
Ông Eric Schimidt, chủ tịch điều hành hãng công nghệ Alphabet Inc - công ty mẹ Google, đã lên tiếng cảnh báo về tiềm năng của Trung Quốc trong lần nhóm họp gần đây với một nhóm cố vấn Lầu Năm Góc ở Washington.
Ông Schimidt lưu ý đến kế hoạch quốc gia của Trung Quốc về tương lai trí tuệ nhân tạo công bố hồi tháng 7. Kế hoạch này đặt mục tiêu đưa công nghệ AI đuổi kịp Mỹ trong vài năm tới và biến Trung Quốc thành một trung tâm phát minh AI của thế giới.
"Tôi giả sử chúng ta sẽ tiếp tục dẫn đầu trong 5 năm tới, và Trung Quốc đuổi kịp rất nhanh. Vậy thì, sau 5 năm nữa chúng ta và họ sẽ ở cùng một đẳng cấp, có thể lắm" - ông trùm công nghệ Mỹ phát biểu.
Theo Reuters, một văn bản chưa công bố của Lầu Năm Góc trong năm nay cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc đã qua mặt sự giám sát và thâu tóm các công nghệ AI nhạy cảm của Mỹ, vốn có tiềm năng ứng dụng vào quân sự, bằng cách mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp Mỹ.
Phản ứng lại, một nhóm nghị sĩ thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong tháng này trình lên một dự luật siết chặt quy định đầu tư nước ngoài, chủ yếu nhắm đến Trung Quốc.
Báo cáo của CNAS có lưu ý một số khó khăn Bắc Kinh phải đối mặt trong quá trình xây dựng nền công nghiệp AI đủ sức cạnh tranh với Mỹ, trong có yếu tố đào tạo và tìm kiếm tài năng. Tuy nhiên, ông trùm công nghệ Eric Schimidt thể hiện quan điểm ngược lại:
"Nếu các vị có khi nào quan ngại rằng hệ thống chính trị và giáo dục của họ không thể tạo ra những con người tôi đang nói đến, thì các vị đã sai lầm".
Một mẫu robot vũ khí trưng bày tại Triển lãm quốc tế trang thiết bị cảnh sát ở Trung Quốc vào tháng 5-2016 - Ảnh: AP
Chiến trường đặc biệt
Trí tuệ nhân tạo - công nghệ hứa hẹn sẽ cách mạng hóa giao thông với xe tự hành và mang đến những bước tiến lớn trong y khoa - cũng có thể mang lại những ứng dụng quân sự đủ sức thay đổi diện mạo chiến trường.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang vận hành một dự án hướng dẫn AI học cách quan sát băng ghi hình từ máy bay không người lái, giảm thiểu khối lượng công việc cho các chuyên viên.
Không thua kém, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đầu tư vào một loạt dự án liên quan đến AI, các viện nghiên cứu của PLA thì phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Trung Quốc - báo cáo của CNAS cho biết.
Quân đội Trung Quốc dự báo sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo sẽ thay đổi một cách căn cơ bản chất của chiến tranh"
Báo cáo của CNAS
Học giả Kania thừa nhận phần lớn nghiên cứu của bà dựa trên phỏng đoán do hiện tại chỉ là những giai đoạn phát triển đầu của AI, bên cạnh đó là chính sách khác biệt liên quan đến công nghệ này tại Trung Quốc và những nơi khác.
Tuy vậy, bà Kania nói một số chiến lược gia của PLA đã dự báo trước cái ngày chiến trường sẽ thay đổi, khi mà con người không còn khả năng theo kịp tốc độ xử lý và đưa ra quyết định của máy móc trong chiến đấu.
Mẫu vũ khí robot MAARS đang được phát triển bởi hãng Qinetiq của Anh - Ảnh: REUTERS
Trung tướng Liu Guozhi, giám đốc Ủy ban Khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban Quân sự trung ương Trung Quốc, từng phát biểu một câu: "Chúng ta phải nắm ngay cơ hội để thay đổi các mô hình (chiến tranh)".
Chính sách quân sự của Mỹ hiện tại nhấn mạnh vào vai trò con người trong hoạt động chiến đấu tiến hành bởi máy móc, tuy nhiên không rõ PLA của Trung Quốc có theo chia sẻ quan điểm này không - báo cáo CNAS đặt vấn đề.
"PLA có thể sử dụng sức mạnh AI theo những cách khác thường và ngoài mong đợi, ít bị ràng buộc hơn bởi các mối quan ngại về pháp lý và đạo đức như cách suy nghĩ của người Mỹ" - học giả Kania phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận