05/05/2013 12:31 GMT+7

Trung Quốc chặn đường sống của ngư dân Philippines

ANH DUY
ANH DUY

TT - Mùa biển động từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm trên biển Đông lại về. Những năm trước, từng đoàn tàu của ngư dân Philippines lướt trên sóng bão từ Scarborough trở về đầy ắp cá, tôm. Nay hàng ngàn người đã phải bỏ nghề đi biển.

7mOw6EDC.jpgPhóng to
Người dân Philippines viết chữ trong cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila chống tàu Trung Quốc vây bãi Scarborough - Ảnh: Reuters

Mùa bão năm nay, Trung Quốc lại đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt tại Scarborough khiến Philippines thiệt hại vô kể. Bãi cạn san hô này là một trong những ngư trường lớn lâu nay của ngư dân Philippines, dồi dào về trữ lượng cá, đặc biệt cá mú, cá thu.

Tờ The Philstar ngày 2-5 dẫn nguồn tin từ một số ngư dân tại thành phố Masinloc, tỉnh Zambales cho biết Bắc Kinh đã cử một đội tàu hải giám hùng hậu đứng “dàn” sẵn trong phạm vi 24km quanh khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Khi các ngư dân Philippines đến đây đánh bắt, họ bị tàu hải giám Trung Quốc ngăn chặn từ xa.

“Như những tên trộm ngay trên đất mình”

"Biển Đông như cái bồn tắm và nhiều nước đang nhảy vào tắm trong cái bồn đó. Chuyện họ chính thức chạm mặt nhau chỉ là vấn đề thời gian"

Giáo sư CARL THAYER(Học viện Quốc phòng Úc)

Đó là ví von chua cay của ngư dân Mario Forones ở làng chài trông ra bãi cạn Scarborough. Ông cho biết những con tàu “sơn trắng” của Trung Quốc luôn hiện diện tại đó từ sau vụ đối đầu căng thẳng tháng 4-2012. Tàu Trung Quốc giăng dây thừng quanh khu vực bãi cạn để ngăn ngư dân nước khác.

Ngư dân Forones không thể nào quên lần đối đầu đó. Ông thuật lại với Reuters: “Đó là lần đầu tiên tôi thấy tàu chiến hai nước đối đầu. Chúng tôi được khuyến cáo rời khỏi ngư trường này ngay vì nguy cơ chiến tranh gần đến”. Và đó là lần cuối cùng Forones đến ngư trường này đánh bắt cá.

Một năm trước đây, mỗi lần đi biển trở về, con tàu của ngư dân 53 tuổi này đều thu hoạch được khoảng 3,5 tấn cá, đủ sức nuôi gia đình và dành dụm cho ít nhất một trong sáu đứa con của ông vào đại học. Giờ đây, mỗi chuyến ra khơi trở về, ông chỉ đánh bắt được khoảng 400kg và như thế đã được xem là may mắn... Đến nay, vợ ông đã phải chuyển từ nghề bán cá ở khu chợ địa phương sang bán thịt heo.

Những lo sợ ngày một tăng khiến ngư dân Philippines không dám ra khơi. “Giờ đây việc đánh bắt tại Scarborough thật đáng sợ - Miguel Betana, thuyền trưởng 45 tuổi, người đã đánh bắt tại vùng nước nông này 15 năm qua, kể với Reuters - Tôi từng trải qua khoảnh khắc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ tàu mình sẽ ra sao nếu họ xả súng vào”. Vào cuối tháng 3, Betana đã chứng kiến năm tàu Trung Quốc quần thảo ngoài đó.

Nhiều gia đình ngư dân Philippines đã bị đẩy đến bước đường phải bỏ nghề. Theo Cục Thủy sản và nghề cá Philippines, hàng ngàn ngư dân ở Masinloc đã bỏ biển khi việc đánh bắt bị suy giảm. Ở nhiều khu vực khác tình hình cũng tương tự. Theo CNN, tại thị trấn Subic, cách Masinloc khoảng 88km với khoảng 90.000 dân, những người chuyên thu mua cá ở đây nói rằng việc buôn bán bị giảm một nửa kể từ khi ngư dân không được đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough.

Anh Ronnie Drio, 46 tuổi, cha của tám đứa con, kể lại: “Khi chúng tôi tới bãi cạn Scarborough, một tàu hải giám của Trung Quốc đã tới chặn, chúng tôi cố gắng đi qua nhưng họ gọi thêm một tàu khác đến và tiếp tục chặn đường khiến chúng tôi bị kẹt ở giữa. Lúc này có một người trên tàu Trung Quốc - dường như là viên chỉ huy - bước ra và ra hiệu cho chúng tôi phải rời đi ngay lập tức. Chúng tôi bị xua đuổi như người ta đuổi heo gà vậy”.

ROnhnNxu.jpgPhóng to
Một nhóm nhà lập pháp Philippines cắm cờ trên bãi cạn Scarborough ngày 17-5-2012 - Ảnh: AFP

“Mô hình Scarborough”

Tờ The Diplomat (Nhật) đặt tên cách thức bành trướng của Trung Quốc là “mô hình Scarborough”. Theo định nghĩa của báo này, đó là môtip: Bắc Kinh lùa tàu đánh cá đến nơi cần chiếm rồi cho tàu hải giám đi theo bảo vệ. Nếu phản ứng của nước sở tại yếu ớt, Trung Quốc sẽ chiếm luôn, sau đó dùng sức mạnh hải quân để răn đe ngư dân nước khác đến đánh bắt.

AFP ngày 26-4 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói thẳng: “Người Trung Quốc đang cố gắng áp đặt tình trạng chiếm đóng thực tế lên vùng biển này”. Ông Rosario cho biết ba tàu hải giám của Trung Quốc vẫn đang hiện diện thường trực tại đây. Khi phóng viên Reuters hỏi bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - về việc Trung Quốc ồ ạt tăng số lượng tàu đánh cá đến biển Đông, bà Oánh từ chối: “Tôi không biết chi tiết về cáo buộc trên”. Tuy nhiên, bà không quên “bồi” thêm: “Bãi Hoàng Nham là phần lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc, chúng tôi sẽ đảm bảo cho khu vực này không bị xâm phạm”.

Dù Manila đã có những bước đi cứng rắn như cử tàu chiến đến đối đầu tàu hải giám Trung Quốc, phản đối qua những tuyên bố ngoại giao và ngày 22-1 đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về Luật biển, tàu Trung Quốc vẫn chiếm đóng dai dẳng tại đây.

Tuy nhiên, vẫn còn một cách giải quyết khác qua con đường luật pháp quốc tế. Tờ The Diplomat bình luận: “Nếu khả năng đọ sức về sức mạnh hải quân không khả thi, luật pháp quốc tế là một lựa chọn hợp lý. Nếu Trung Quốc quyết tâm gây hấn với các nước láng giềng như Nhật Bản và Việt Nam, Bắc Kinh có thể đối mặt với một binh đoàn luật sư”. Và Philippines đã chọn cách này để giành lại bãi cạn Scarborough.

Tàu Trung Quốc phá rạn san hô Tubbataha

Theo AFP ngày 4-5, công viên hải dương quốc gia Tubbataha (Philippines) cho biết chiếc tàu 48m chở 12 ngư dân Trung Quốc mắc cạn tại công viên này hôm 8-4 đã phá hủy 3.902m2 san hô dưới đáy biển. Bà Angelique Songco, giám đốc công viên, cho biết san hô bị tàu Trung Quốc đâm vào là loại quý hiếm, có số tuổi lên đến 500 năm. Quần thể san hô này ở phía tây đảo Palawan, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Manila đã truy tố số ngư dân trên. Nếu bị kết tội, họ có thể sẽ đối mặt với mức án 12-20 năm tù vì tội xâm nhập và đánh bắt trái phép, mức bồi thường lên đến 2,32 triệu USD.

ANH DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên