13/07/2019 10:40 GMT+7

Trùng phùng sau 25 năm bị bán qua Trung Quốc

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - 25 năm không tin tức, không hình ảnh. Người thân không nghĩ sẽ gặp lại... Bỗng nhiên hai người phụ nữ xuất hiện trước cửa nhà mình tại thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vào một ngày cuối tháng 6.

Nghẹn lòng 2 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc 25 năm sau được về lại quê hương - Video: QUỐC NAM

Cả hai người đều bị lừa bán qua Trung Quốc. Sau 25 năm, họ đã tìm đường về quê. Cả nhà ôm nhau khóc như chưa từng được khóc.

"Nói đi tết về, ai ngờ biền biệt 25 năm"

Người vừa trở về là chị Phạm Thị Cải và chị Phạm Thị Nhạn. Cả hai năm nay đều đã gần 50 tuổi. Ngày rời nhà đi, cả hai đều đang ở thì con gái. Ngày trở về, cả hai đã tóc bạc da mồi.

Chị Nhạn may mắn khi trở về còn gặp được cha mẹ. Còn chị Cải khi rời nhà đi, cha mẹ mới hơn 40, nay về thì cả cha và mẹ đều đã khuất núi.

Ngày mới tìm về tới nhà, chị chạy quanh tìm cha mẹ. Biết cha mẹ đã mất, chị quặn thắt lòng. Cha mẹ chị đã không thể chờ đến ngày gặp lại con.

Chị Cải ngồi nơi chiếc võng trước hiên ngôi nhà của chị gái là Phạm Thị Bông. Ngôi nhà này nằm sát bìa rừng, là nơi ngày xưa chị ở.

Trùng phùng sau 25 năm bị bán qua Trung Quốc - Ảnh 2.

Chị Nhạn hạnh phúc khi gặp lại cha mẹ sau 25 năm - Ảnh: QUỐC NAM

Đây cũng chính là nơi bắt đầu của cuộc biệt ly. Đó là một ngày giữa mùa hè năm 1995. Khi đó, chị Cải 24 tuổi. Một buổi chiều có một người phụ nữ xưng tên Loan cùng với một người đàn ông tên Mai tìm đến nhà. 

Hai người nói rằng có một công trình xây dựng ở Lào đang cần công nhân và có thể giúp chị Cải đi làm. Cuộc sống gia đình khó khăn gồm cha mẹ và 5 người con ở bìa rừng khiến chị mềm lòng. 

"Bình thường hằng ngày tôi cũng phụ giúp bố mẹ đi vô rừng lấy củi, lấy mây về bán mua gạo. Nên khi nghe có công việc tốt, làm có tiền là tôi đi", chị Cải kể. 

Ông Mai là người ở gần làng, có họ hàng xa với nhà chị Cải nên gia đình chị cũng tin tưởng cho con đi. Sau đó một ngày, chị Cải được ông Mai đưa lên xe đi.

Chị Cải từ nhỏ đến lớn chưa ra khỏi làng nên chỉ biết đi theo chứ không biết sẽ đi đâu. Sau một ngày một đêm thì đến nơi. Nhưng nơi chị được đưa đến không phải là một công trình ở Lào mà là một vùng đất xa lạ toàn người nói tiếng Trung. 

Người phụ nữ tên Loan đưa chị về một ngôi nhà. Mấy ngày sau, chị Cải mới biết nơi mình đến là một vùng nông thôn thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 

Thêm mấy ngày nữa thì một người đàn ông Trung Quốc khá lớn tuổi đến mua chị về làm vợ. Người làng cho chị biết chị đã bị bán với giá 3.500 nhân dân tệ. Không biết tiếng. Không biết đường. Không người thân thích. Chị Cải cam chịu số phận.

Chị Nhạn cũng như chị Cải. Hai người ở gần nhà. Chị Nhạn cũng được người phụ nữ tên Loan đến nhà rủ đi làm khoảng ba tháng sau đó. 

Cuộc sống khó khăn, chị Nhạn cũng gật đầu. Sau một giấc ngủ, chị Nhạn cũng được bà Loan đưa qua Quảng Đông và bán cho một người đàn ông địa phương với giá 4.000 nhân dân tệ.

Khi rời đi ông Mai và bà Loan hẹn với gia đình là tết sẽ đưa em Cải về. Ai ngờ đi biền biệt 25 năm trời.

Chị Phạm Thị Bông, chị gái chị Cải, nấc nghẹn


Tìm con trong tuyệt vọng

25 năm chung sống với người chồng hiện tại ở Quảng Đông, chị Cải sinh được hai người con, một trai một gái. Chồng chị nay cũng đã lớn tuổi. 

Chị nói suốt khoảng thời gian đó chị chưa bao giờ nguôi nhớ nhà, nhớ quê. Chị muốn về lắm nhưng không về được. Đến khoảng hai năm lại đây, khi con đã lớn, chị mới dám nói chuyện với chồng về việc tìm đường về thăm quê.

Chị Cải và chị Nhạn bị bán làm vợ cho hai nhà ở cách nhau một con sông. Nhưng phải mất hơn một năm hai người mới gặp được nhau. Có thêm chị Nhạn về thì chồng chị Cải mới đồng ý cho chị về.

Ngày chị Cải tìm về đến nhà, chị Bông sững người mất mấy giây. Chị không ngờ người đứng trước mặt là em gái mình. 25 năm biệt tích. Chị Bông nghĩ cuộc đời mình không còn gặp lại được em gái. "Trước đó, tôi đã dặn các con là mẹ còn một người em tên Cải. Nếu đến khi mẹ qua đời mà dì Cải vẫn chưa về thì các con hãy tiếp tục chờ", chị Bông nói.

Chị Cải kể sau ngày chị bị bán khoảng vài tháng, chị có gặp một người phụ nữ Việt Nam. Người này cũng quê Quảng Bình và cũng bị bán qua Trung Quốc làm vợ nhiều năm. Qua người này, chị Cải viết được một lá thư nhờ gửi giúp về cho gia đình. 

Trong thư, chị cho biết mình bị bán qua Trung Quốc, không biết cụ thể ở đâu và không có cách nào để về. Chị Cải kể sau đó vài tháng thì không thể gửi thư được nữa. Còn chị Bông thì nhớ khi nhận được thư em, cả nhà hốt hoảng. 

Cha chị Cải khi đó viết đơn gửi khắp nơi tìm hi vọng cứu con. Năm này qua năm khác, tin con vẫn im bặt. Hi vọng chỉ le lói rồi tắt dần. Ông buồn đau vì nhớ con và mất sau đó.

Ông Phạm Thanh Tùng, cha chị Nhạn, cũng không ngờ có ngày gặp được con. Chị Nhạn tìm về nhà vào buổi trưa. Con về đứng trước cửa gọi cha mà ông Tùng phải dụi mắt mấy lần mới tin là sự thật.

Sau ngày chị Nhạn đi biệt tích, ông Tùng đi khắp nơi tìm con. Ông đã nghĩ đến việc mất con vĩnh viễn. Sổ hộ khẩu của gia đình ông cũng không còn tên chị Nhạn. "Cứ như kiểu con được sinh ra lần thứ hai rứa" - bà Võ Thị Liên, mẹ chị Nhạn, nói.

Còn nhiều phụ nữ muốn về

Nghe tin chị Cải và chị Nhạn về, mấy hôm nay xóm làng đến thăm rất đông. Ai cũng mừng cho hai chị vì cuối cùng cũng tìm được đường về quê hương. Nhưng có một người ngồi nơi góc nhà buồn rười rượi. Bà tên Phan Thị Gái, ở cùng thôn.

Bà Gái đã đến từ sớm để thăm chị Nhạn và chị Cải. Hai người trở về mang theo cho bà một hi vọng về người con gái.

"Con tôi vẫn còn sống", bà Gái rạng ngời ánh mắt lên trong chốc lát rồi lại rầu rĩ. "Không biết tui có chờ được ngày gặp con không", bà thút thít.

Chị Hương, con gái bà Gái, cũng bị người tên Loan rủ đi làm ăn 25 năm trước, và cũng biệt tích cho đến nay. Chị Hương cũng bị bán qua Quảng Đông làm vợ chỉ sau chị Cải vài tháng. Và mấy năm rồi chị Cải, chị Nhạn mới gặp được chị Hương.

Bà Gái sau 25 năm không tin tức của con cũng ngỡ rằng con không còn nữa. Cho đến mấy hôm nay, qua chị Cải và chị Nhạn, bà mới biết con mình còn sống. Chị Cải nói điều kiện của chị Hương khó khăn quá nên chưa thể về.

Theo chị Cải, ở cùng nơi chị bị bán còn có khá nhiều phụ nữ Việt khác. Ai cũng muốn về nhưng có người được về thăm nhà, người không.

Thường thì chỉ khi sinh con đẻ cái rồi thì nhà chồng mới cho về thăm quê, để khỏi trốn. 25 năm ở xứ người nhưng hiện chị Cải vẫn không có một giấy tờ tùy thân nào. Ngày về, hai chị phải thuê người dẫn đi theo đường tiểu ngạch qua biên giới, sau đó mới đón xe tìm đường về quê.

"Giờ có con cái rồi, không thể bỏ con ở bên đó. Nhưng cũng không thể bỏ gia đình bên này. Nên chỉ mong chính quyền hỗ trợ cho giấy tờ hợp pháp để thuận lợi trong việc đi lại thăm con thôi", chị Cải nói.

"Ai đã bán em tôi?"

ban qua tq

Từ khi em gái trở về, chị Bông (bên trái) mới nhẹ lòng - Ảnh: QUỐC NAM

Chị Bông kể ngày chị Cải viết thư về cho gia đình thông báo bị bán, nhóm người trước đó đưa chị Cải đi vừa gom thêm được 9 phụ nữ khác, tính để đưa đi tiếp.

Thông tin chị Cải bị bán ngay lập tức lan ra khắp vùng. Chín người sắp đi được ngăn lại kịp thời. Ông Nguyễn Xuân Chung, trưởng Công an xã Phú Thủy, xác nhận có việc này.

Ông Chung cho biết 25 năm trước ông có nhận đơn trình báo của gia đình chị Cải về việc bị lừa bán. Sau đó, sự việc được công an các cấp vào cuộc xác minh nhưng thời điểm đó thông tin còn hạn chế nên không xác định được.

Mới đây, khi chị Cải và chị Nhạn trở về, công an xã, huyện và tỉnh đã xuống gặp để xác minh. Sau đó, công an đã mời ông Mai lên làm việc.

Tại cuộc làm việc này, ông Mai nói rằng mình cũng chỉ là nạn nhân của bà Loan và bị bà Loan lừa. Ông Chung cho biết hiện công an vẫn đang tiếp tục điều tra.

Chị Bông nói: "Ông Mai đưa em tôi đi rồi sau đó ông Mai trở về, còn em tôi không về suốt 25 năm thì chắc chắn ông Mai phải có liên quan. Hơn nữa, sau khi em tôi gửi thư về báo tin em bị bán rồi mà ông Mai vẫn tiếp tục đưa thêm một số người khác đi nữa thì không thể nói ông Mai không biết".

Chị Hon sau 22 năm lưu lạc tại Trung Quốc đã về đến Cần Thơ Chị Hon sau 22 năm lưu lạc tại Trung Quốc đã về đến Cần Thơ

TTO - Khoảng 3h sáng 4-7, chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi, ngụ ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) - nhân vật lưu lạc suốt 22 năm tại Trung Quốc - đã đáp chuyến bay muộn nhất trong đêm về đến sân bay Cần Thơ.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên