14/05/2021 08:20 GMT+7

Trung Đông lại bùng lửa hận thù

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp "dập lửa" cuộc xung đột Palestine - Israel đang nóng lên từng giờ những ngày qua và có nguy cơ bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Trung Đông lại bùng lửa hận thù - Ảnh 1.

Một bà mẹ Palestine khóc thương đứa con thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng Israel ở Aqqaba, nằm trong khu vực do Israel kiểm soát ở Bờ Tây, ngày 12-5 - Ảnh: REUTERS

Xung đột leo thang rất nhanh từ "mồi lửa" ban đầu là cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người dân Palestine ở Đông Jerusalem trong tháng chay Ramadan, kéo theo những đòn trả đũa qua lại tăng dần cấp độ, song sâu xa hơn là từ những căng thẳng âm ỉ tại chảo lửa Trung Đông suốt những năm qua. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh khu vực này đang có nhiều sự kiện quan trọng và sự chia rẽ hậu bầu cử trong nội bộ Israel.

Lo chiến tranh toàn diện

Tiếng pháo rền vang khắp thành phố Tel Aviv (Israel) suốt đêm cho đến rạng sáng 13-5 khiến hàng ngàn người dân phải xuống hầm trú ẩn. Phần lớn trong số 1.500 quả rocket do lực lượng Hamas phóng đi từ dải Gaza đã bị Israel đánh chặn.

Phía Israel sau đó đáp trả bằng các đợt không kích dữ dội, phá hủy một số tòa nhà cao tầng ngay giữa thành phố Gaza của Palestine. Chỉ trong 3 ngày kể từ khi xung đột nổ ra, ít nhất 67 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza, trong đó có 17 trẻ em, phía Israel có 7 người chết, chưa kể hàng trăm người bị thương ở cả hai phía.

Sau khi thông báo tiêu diệt một số lãnh đạo phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, bao gồm thủ lĩnh Bassem Issa, lực lượng Israel ngày 13-5 cho biết đang điều quân đến dọc ranh giới Dải Gaza - một động thái gợi nhắc đến xung đột gần nhất giữa hai bên vào năm 2004.

"Tham mưu trưởng đang giám sát việc chuẩn bị và đưa ra chỉ đạo. Chúng tôi có các sở chỉ huy sư đoàn và ba lữ đoàn cơ động ở Gaza đã sẵn sàng cho tình huống đó và các tình huống khác" - Hãng tin Reuters dẫn lời trung tá Jonathan Conricus, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Phía Hamas khẳng định: "Cuộc chiến với kẻ thù sẽ không có hồi kết".

Trong khi đó, tối 12-5 ông Tor Wennesland - điều phối viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông - cảnh báo các bên: "Chúng ta đang leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Cái giá của chiến tranh ở Gaza rất tàn khốc và người dân thường sẽ phải trả cái giá đó".

Xung đột tại Gaza cũng kéo theo các vụ đụng độ bạo lực giữa người Ả Rập và người Do Thái tại một số thành phố của Israel như Acre, Haifa và TiberiasBat Yam.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sẽ điều quân đến các thành phố này để kiểm soát tình hình. "Những gì chìm dưới bề mặt đang bùng nổ. Tôi không muốn dùng từ nội chiến, nhưng đây là điều rất mới, kinh khủng và tôi thấy lo lắng" - báo New York Times dẫn nhận định của cựu bộ trưởng tư pháp Tzipi Livni của Israel.

Trung Đông lại bùng lửa hận thù - Ảnh 2.

Mỹ chần chừ

Liên Hiệp Quốc dự kiến triệu tập họp khẩn lần thứ ba vào ngày 14-5 theo đề xuất của Tunisia, Na Uy và Trung Quốc... nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt xung đột Israel - Palestine. Cơ quan này đã họp hai lần về vấn đề này kể từ đầu tuần, bất chấp phản đối của Mỹ. Quốc gia đồng minh thân cận này của Israel không muốn Liên Hiệp Quốc can dự bằng việc ra tuyên bố chung về tình hình xung đột.

Nhưng gạt sang một bên sự ngăn cản của Mỹ, bốn thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ châu Âu là Pháp, Ireland, Na Uy và Estonia ngày 12-5 đã ra tuyên bố chung lên án xung đột bạo lực và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

"Thương vong lớn với dân thường, bao gồm trẻ em, từ các vụ không kích của Israel ở Gaza và thương vong ở Israel do rocket từ Gaza đều là sai trái và không thể chấp nhận. Chúng tôi kêu gọi ngừng các hoạt động tái định cư, phá dỡ và trục xuất, kể cả ở Đông Jerusalem", tuyên bố chung nêu. Ngày 13-5, London cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên ngừng bắn.

Về phía Mỹ, cho tới tối 12-5, Tổng thống Joe Biden vẫn lạc quan cho rằng cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ sớm chấm dứt sau khi điện đàm với ông Netanyahu.

"Tôi hi vọng không sớm thì muộn chuyện này cũng sẽ chấm dứt, nhưng Israel có quyền phòng vệ" - ông Biden nói nhưng không giải thích thêm vì sao. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, đã lên án việc nã rocket vào Israel và yêu cầu chấm dứt ngay bạo lực.

Bất chấp sức ép từ dư luận trong nước muốn Mỹ can thiệp nhiều hơn để gỡ rối tình hình Trung Đông, chính quyền của ông Biden đến nay mới dừng lại ở mức cử đặc phái viên về Trung Đông của Chính phủ Mỹ - Thứ trưởng Ngoại giao Hady Amr - tới gặp lãnh đạo hai nước Israel và Palestine để tìm cách ngăn chặn xung đột.

Trong khi đó, theo trang Politico, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu của Israel, ông Blinken "nhấn mạnh nhu cầu của cả người Israel và người Palestine được sống trong an toàn và an ninh, cũng như được tận hưởng sự tự do, an ninh, thịnh vượng và dân chủ như nhau".

Israel đàm phán lập liên minh quốc phòng 4 nước ở Trung Đông? Israel đàm phán lập liên minh quốc phòng 4 nước ở Trung Đông?

TTO - Sau khi UAE và Bahrain đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mang tính lịch sử với Israel, truyền thông Israel tiết lộ Israel đang đàm phán lập liên minh quốc phòng ở Trung Đông để đối phó Iran.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Trung Đông